Thị trường

Công nghệ cao, vốn lớn đổ vào Việt Nam

Việt Nam đang trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động, hàng công nghệ hàng đầu thế giới khi Microsoft, Samsung, Intel, Canon, LG... đua nhau đổ tiền vào

Tập đoàn Microsoft vừa gây chú ý khi đóng cửa toàn bộ hoặc một phần nhà máy tại Trung Quốc, Hungary và Mexico, giúp Nokia Việt Nam tại Bắc Ninh trở thành nhà máy đóng vai trò chủ lực trong sản xuất thiết bị điện thoại di động.

Dự án lớn nối gót nhau

Trong công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Bộ Khoa học và Công nghệ về chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị điện thoại di động của Microsoft thì có khoảng 39 dây chuyền để sản xuất điện thoại di động thông minh sẽ có mặt tại Việt Nam. Nokia Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ chuyển giao các dây chuyền sản xuất trong nội bộ tập đoàn, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 2-2015.

Công ty TNHH Nokia Việt Nam được thành lập năm 2011 tại KCN VSIP Bắc Ninh. Tháng 10-2013, Nokia Việt Nam đã khánh thành nhà máy sản xuất điện thoại di động đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Nay, với kế hoạch di dời nhà máy từ các nước sang Việt Nam, vốn đầu tư của doanh nghiệp (DN) này dự kiến sẽ tăng lên 220 triệu USD, giá trị xuất khẩu đạt 1,86 tỉ USD.

 
Hiện Samsung đã đầu tư 6,3 tỉ USD vào các nhà máy sản xuất hàng điện tử ở Việt Nam (Ảnh do Samsung cung cấp)

Cuối tháng 7-2014, Công ty TNHH Intel Products Việt Nam (Tập đoàn Intel) công bố bộ vi xử lý (CPU) đầu tiên được sản xuất tại nhà máy đặt ở Khu Công nghệ cao TP HCM. Đây không chỉ là nhà máy bán dẫn đầu tiên của Việt Nam mà còn là nơi chế tạo bộ vi xử lý Haswell hàng đầu của Intel. Khoảng 80% sản lượng CPU của Intel trên thế giới sẽ sản xuất tại nhà máy này.

Theo bà Shery Boger, Tổng Giám đốc Intel Việt Nam, việc CPU đầu tiên sản xuất tại Việt Nam cho thấy nhà máy đang đi đúng lộ trình, góp phần vào năng lực lắp ráp và kiểm định của Intel trên toàn cầu.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Intel tại Việt Nam đạt hơn 1,8 tỉ USD. Trước đó, năm 2006, Intel đã công bố kế hoạch đầu tư 1 tỉ USD vào nhà máy lắp ráp và kiểm tra linh kiện bán dẫn tại Khu Công nghệ cao TP và hiện đã giải ngân khoảng 45% tổng vốn đầu tư.

Đình đám nhất phải kể đến “ông lớn” Samsung với lượng vốn rót vào Việt Nam lên tới 6,3 tỉ USD với 2 khu phức hợp sản xuất điện thoại di động, màn hình linh hoạt tại Bắc Ninh và Thái Nguyên. Mới đây, tỉnh Bắc Ninh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án 1 tỉ USD của Công ty TNHH Samsung Display. Hồi tháng 6-2014, UBND TP HCM cũng thông tin về việc Samsung sẽ rót 1 tỉ USD xây dựng nhà máy sản xuất hàng điện tử trên địa bàn TP.

“Đặt cả 2 chân vào Việt Nam”

Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, việc Microsoft dời nhà máy từ Trung Quốc về Việt Nam, ngoài một số yếu tố như lao động giá rẻ, chính trị ổn định thì còn do Việt Nam hiện là một điểm sáng về thị trường tiêu thụ sản phẩm của Nokia. Dòng điện thoại di động Windows Phone của Nokia đang có sự tăng trưởng vượt bậc nên việc đẩy mạnh sản xuất tại nhà máy ở Bắc Ninh sẽ tạo thuận lợi trong phân phối. “Ban đầu, Nokia Việt Nam chỉ định làm các dòng điện thoại cơ bản nhưng sau đó, định hướng này đã thay đổi khi nhu cầu sử dụng các dòng điện thoại thông minh của người Việt ngày càng tăng…” - một đại diện của Nokia Việt Nam lý giải.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đạo, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Samsung Vina, cho biết các dự án đầu tư tại Việt Nam của Samsung mang tính lâu dài, hướng đến thị trường toàn cầu.

GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận định từ vốn đầu tư ban đầu 650 triệu USD lên hàng tỉ USD như hiện nay, có thể thấy Samsung đặt cả 2 chân vào Việt Nam. Nhiều dự án khác trong lĩnh vực điện tử cũng đang đổ vào Việt Nam. “Điều đó đã khẳng định môi trường đầu tư và những chính sách ưu đãi của chúng ta đang phát huy hiệu quả” - GS Nguyễn Mại kết luận.

Hiện kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, điện thoại di động của Việt Nam khoảng 58 tỉ USD. Con số này khó sánh với Trung Quốc (560 tỉ USD) nhưng Việt Nam đang trở thành một trong những cứ điểm sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.

Lý giải điều này, ông Mại cho rằng dù Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài nhưng gần đây, các nhà đầu tư đã e ngại do những yếu tố về chính trị, môi trường, tiền lương (gấp 3 lần Việt Nam)… “Nếu nhìn toàn diện thì môi trường đầu tư ở Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều. Chưa kể gần đây, Chính phủ đã có những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, thuế, hải quan…” - ông Nguyễn Mại phân tích. 

“Bí kíp” của Bắc Ninh

Vì sao những tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Microsoft... chọn tỉnh Bắc Ninh để đặt nhà máy?

Trước hết, Bắc Ninh có những hỗ trợ tích cực cho DN khi xảy ra những vướng mắc pháp lý. Chẳng hạn, khi Microsoft tiến hành chuyển giao dây chuyền sản xuất về Việt Nam thì đã gặp vướng mắc do Thông tư 20 của Bộ Khoa học và Công nghệ về nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã qua sử dụng (có hiệu lực từ ngày 1-9). Để tháo gỡ, UBND tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét hỗ trợ tập đoàn này. Kết quả, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8-2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý dừng Thông tư 20 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Microsoft.

Thứ hai, tỉnh chủ trương thu hút vốn đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn. Tỉnh thực hiện ưu đãi, hỗ trợ DN theo đúng quy định của pháp luật. Với các dự án có tính chất đặc biệt quan trọng, cần ưu tiên thu hút đầu tư thì xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế ưu đãi đặc thù cho từng dự án. “Khi DN đáp ứng các điều kiện, thực hiện đúng cam kết về chuyển giao công nghệ thì sẽ được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ theo quy định dành riêng cho hoạt động này. Cơ quan quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ theo dõi, giám sát chặt chẽ. Do vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không xảy ra tình trạng DN lợi dụng ưu đãi mà không chuyển giao công nghệ” - đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cho biết.

Thùy Dương

 

 
Theo Người Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo