Bàn giải pháp phát triển cây sầu riêng với mã số vùng trồng
Cần Thơ ký kết 11 nội dung hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ / Ngày hội tuổi trẻ Cần Thơ đổi mới sáng tạo và hội thi hùng biện tiếng Anh
Theo Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2021, cả nước có hơn 84.000 ha diện tích trồng sầu riêng với sản lượng 700 ngàn tấn/năm. Năm 2022, toàn TP Cần Thơ có khoảng 2.500 ha diện tích trồng sầu riêng, sản lượng đạt khoảng 8.000 tấn/năm, hơn 86% là giống cà phê Ri 6.
Tuy nhiên, đánh giá của các nhà chuyên môn, sản lượng trên còn thấp so với một số địa phương khác, nếu áp dụng đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật … thì năng suất hoàn toàn có thể nâng lên khoảng 2.500 tấn/ năm, nếu tính giá trung bình 50.000 đồng/ký, doanh thu đạt khoảng 2.500 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè-Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè cho biết, hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với thực tiễn sản xuất, tiêu thụ sầu riêng trong giai đoạn hiện nay. Là dịp để các nhà quản lý, các nhà khoa học, các DN và bà con nông dân TP Cần Thơ - liên kết 4 nhà cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm trong việc sản xuất sầu riêng chất lượng cao; sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất gắn với tiêu thụ, ổn định thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng được yêu cầu về chất lượng sản phẩm của các nước nhập khẩu.
Trình bày thực trạng, các giải pháp phát triển cây sầu riêng tại TP Cần Thơ và hướng dẫn thủ tục cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, bà Trần Thị Kim Thúy- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ cho biết, hiện Cần Thơ có 8 HTX với 154 hộ trồng sầu riêng tập trung ở các huyện Phong Điền, Thới Lai và Ô Môn, có thể cung ứng ra thị trường hơn 2.800 tấn sầu riêng mỗi năm. Năm 2022, TP Cần Thơ đã cấp 28 mã số cho 13 vùng trồng với diện tích hơn 200 ha.
Bà Trần Thị Kim Thúy- Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT TP Cần Thơ trình bày thực trạng, giải pháp phát triển cây sầu riêng ở Cần Thơ.
Theo Bà Thúy, mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là mã số định danh cho một vùng trồng hoặc một cơ sở đóng gói, là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế. Để được cấp mã số vùng trồng phải bảo đảm diện tích vùng trồng tối thiểu là 10 ha với cùng một loại cây trồng (sầu riêng); bảo đảm về yêu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì tuyệt đối không được sử dụng loại bị cấm sử dụng tại Việt Nam và nước nhập khẩu. Vùng trồng phải có sổ ghi chép nhật ký sản xuất…
Đối với các cơ sở đóng gói, để được cấp mã số phải bảo đảm các yêu cầu hồ sơ về quy trình đóng gói (tiếp nhận, phân loại, xử lý, đóng gói), hồ sơ nguồn gốc nông sản (khối lượng, mã số vùng trồng, thông tin khách hàng…)
GS.TS Trần Văn Hâu, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ về quy trình xử lý sầu riêng, ra hoa rải vụ
Theo GS.TS Trần Văn Hâu- Trường Đại học Cần Thơ, để bảo đảm lợi nhuận, ngoài việc nắm vững quy trình, kỹ thuật trồng cây sầu riêng, bà con cần chú ý đến yếu tố thời vụ, tính cạnh tranh. Bởi trước đây, sầu riêng chỉ có ở vùng ĐBSCL thì hiện nay, sầu riêng được trồng rất nhiều ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên, nên bà con phải chú ý thực hiện rải vụ, làm sao có trái thu hoạch trong khoảng thời gian từ tháng 11, tháng 12 trở lên.
“Để nâng cao giá trị, lợi nhuận từ cây sầu riêng cho bà con nông dân thành phố Cần Thơ, hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN TP Cần Thơ để xây dựng Dự án nghiên cứu quy trình trồng cây sầu riêng. Hy vọng đề tài này sớm được triển khai để hoàn thiện quy trình cụ thể cho cây sầu riêng ở TP Cần Thơ”, GS-TS Trần Văn Hâu thông tin.
Tại hội nghị, trao đổi về chính sách liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm sầu riêng, đai diện các DN, HTX và bà con nông dân đã nêu lên những khó khăn trong quá trình thiết lập mã vùng trồng như diện tích trồng còn nhỏ lẻ, không liền kề dẫn đến việc diện tích không đủ để thiết lập hồ sơ mã vùng trồng; chưa xây dựng được hệ thống truy xuất nguồn gốc và hệ thống quản lý chất lượng; vệ sinh vùng trồng kém; chưa có hồ sơ ghi chép phù hợp yêu cầu; không có dụng cụ che chắn khi vận chuyển nguyên liệu từ khu vực vườn trồng đến cơ sở đóng gói; không có kho để cất giữ nông cụ và các loại hóa chất...
End of content
Không có tin nào tiếp theo