Bình Định với chính sách phát triển công nghệ khác biệt - Bài 1: Nơi hội tụ tri thức, công nghệ và công nghiệp AI
Ngân sách tài trợ về R&D của doanh nghiệp sẽ lên tới 80% / Phát hiện hành tinh siêu lạnh sống sót kỳ diệu trong 'vùng cấm' quanh sao lùn trắng

Bài 1: Nơi hội tụ tri thức, công nghệ và công nghiệp AI
Nếu phải chọn một địa phương đang bước đi khác biệt nhưng phù hợp với xu hướng tương lai – thì đó là Bình Định. Từ một vùng đất vốn quen với hình ảnh "xứ Nẫu", nơi nông – ngư nghiệp từng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, Bình Định đang bước vào cuộc đua công nghệ toàn cầu theo cách riêng và đang tự định hình mình thành một trung tâm trí tuệ mới của Việt Nam.
Từ ICISE khơi nguồn trí tuệ, đến nền móng công nghiệp AI
Trong giai đoạn mà nhiều địa phương tập trung thu hút các dự án công nghiệp nhẹ, hạ tầng logistics và phát triển đô thị, bán đất nền thu ngân sách, Bình Định âm thầm chuẩn bị một cuộc chuyển mình khác biệt. Sự hiện diện với vai trò tiên phong của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) chính là dấu hiệu đầu tiên cho thấy định hướng ấy.
Không chỉ là nơi truyền cảm hứng, ICISE còn đang được quy hoạch trở thành trung tâm hạt nhân trong Khu đô thị Khoa học 242 ha - mô hình “thung lũng nghiên cứu” kiểu mới đầu tiên tại Việt Nam, hội tụ giữa học thuật - công nghệ - sáng tạo. Ước mơ giúp đất nước phát triển lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học thực nghiệm để làm nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của đôi vợ chồng Việt kiều Pháp xa quê, Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc đã trở thành hiện thực.
ICISE chính là chất men đầu tiên làm nên sự đột phá cho Bình Định: Đi từ khoa học cơ bản, tích lũy nền tảng lâu dài, rồi mới đến công nghệ ứng dụng. Sau 6 năm, ICISE đã kéo được những “đại gia” công nghệ của Việt Nam về thung lũng Quy Hòa để tạo nên đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam. Tuyến đường chính trong khu vực này cũng chính thức mang tên Đại lộ Khoa học. Trong hơn một thập kỷ qua, nơi đây đã tổ chức hơn 200 hội thảo khoa học quốc tế, thu hút hàng nghìn nhà khoa học hàng đầu thế giới, bao gồm nhiều giáo sư đoạt giải Nobel.
ICISE là một không gian học thuật, là bệ phóng truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, là "trục mềm" kết nối tri thức toàn cầu với Việt Nam. Từ năm 2016, nhiều sự kiện đi tiên phong về trí tuệ nhân tạo cũng đã được tổ chức, khi AI còn là khái niệm xa lạ ở Việt Nam.
Trải qua nhiều nhiệm kỳ, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn giữ vững niềm tin, rằng Quy Nhơn sẽ đi lên bằng công nghệ thông tin, kinh tế số và trí tuệ nhân tạo. Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định: “Với tầm nhìn chiến lược từ nhiều thế hệ lãnh đạo được tiếp nối, chúng tôi từng bước kiến nghị, tháo gỡ từng chính sách chưa có tiền lệ, mở đường và xây dựng nên đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam. Cho đến hiện tại, Quy Nhơn là một trong những trung tâm công nghệ của Việt Nam, hướng đến trung tâm công nghệ và trí tuệ nhân tạo của cả khu vực Đông Nam Á”.
Năm 2019 đánh dấu bước ngoặt khi Tập đoàn FPT chính thức lựa chọn Quy Nhơn là nơi đặt nền móng cho Trung tâm AI đầu tiên của mình tại Việt Nam. Đây là một lựa chọn gây ngạc nhiên trong giới công nghệ lúc bấy giờ, bởi không phải Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, mà là một thành phố yên bình ven biển miền Trung. Nhưng trong cái tĩnh ấy, có tiềm lực lớn - con người, không gian sáng tạo, và sự đồng hành từ chính quyền địa phương.
FPT Software Quy Nhơn nhanh chóng đi vào hoạt động từ năm 2020 với hơn 200 kỹ sư. Sau ba năm, con số ấy đã vượt 600 người, trong đó phần lớn là người Bình Định và các tỉnh miền Trung, và dự kiến tới năm 2027, con số này sẽ là 2.000 người. Cùng với Công ty TMA Solutions có hơn 600 kỹ sư và chuyên gia đang làm việc, thung lũng Quy Hòa đang có mật độ chuyên gia công nghệ số “dày đặc” nhất Việt Nam. Không gian làm việc hiện đại, xanh và linh hoạt ngay gần bãi biển, kết hợp với mô hình hóa - nghiên cứu - ứng dụng đồng bộ, đã tạo nên một thế hệ kỹ sư AI thế hệ mới tại Việt Nam.
Bên cạnh FPT, TMA Solutions - một trong những doanh nghiệp phần mềm hàng đầu Việt Nam - cũng chọn Quy Nhơn để xây dựng Công viên Sáng tạo rộng 15ha. TMA Innovation Park quy tụ hoạt động R&D về khoa học dữ liệu, AI, Big Data, IoT, Blockchain… phục vụ các thị trường lớn như Bắc Mỹ, Nhật Bản, châu Âu. Công viên Sáng tạo trở thành trung tâm lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo.
Bức tranh tổng thể ấy tạo ra một hệ sinh thái phát triển theo mô hình xoáy tròn: khoa học nền - công nghệ lõi - ứng dụng thương mại - nâng cấp nhân lực - rồi quay lại làm động lực thúc đẩy thêm cho khoa học. Giám đốc điều hành FPT Software Quy Nhơn Vũ Văn Đông thông tin: “Theo định hướng của Tập đoàn FPT, Quy Nhơn sẽ là nơi tập trung nguồn lực cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo - AI, chip AI của toàn bộ hệ sinh thái FPT”.
Kiến tạo hệ sinh thái AI - bán dẫn

Quy Nhơn có lợi thế tiếp giáp gần với ranh giới biển quốc tế, đã được chọn là điểm cập bờ của 2 tuyến cáp có dung lượng lớn nhất Việt Nam. Trong đó, tuyến cáp quang ADC Asia Direct Cable của Viettel đã hoạt động với dung lượng 50 Tbps - bằng 125% tổng băng thông quốc tế của 5 tuyến cáp biển trước đó mà Việt Nam sử dụng, bao gồm SMW-3, IA, AAG, APG và AAE-1. Tuyến còn lại của VNPT cập bờ tại Quy Nhơn đang hoàn thiện cũng sẽ đi vào hoạt động trong năm nay. Những yếu tố này được chuẩn bị cho một sự bứt phá ngoạn mục để Bình Định không chỉ tập trung cho AI, mà sẽ chủ động chuyển hóa lợi thế tri thức thành bước đi lớn hơn: phát triển bán dẫn.
Ngay từ năm 2021, tỉnh khởi công tổ hợp Trung tâm AI tại Khu đô thị Long Vân - giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành năm 2026 - và mở rộng thành khu đô thị công nghệ cao, tích hợp từ nghiên cứu, đào tạo, thử nghiệm đến không gian sống cho chuyên gia.
Tổng vốn đầu tư cho hai dự án trọng điểm - Tổ hợp đào tạo nghiên cứu 2.700 tỷ đồng và Trung tâm AI Long Vân 4.500 tỷ đồng - đưa Bình Định trở thành địa phương có mức đầu tư công nghệ cao lớn bậc nhất miền Trung. Nhưng điều tạo nên sự khác biệt không nằm ở con số, mà ở định hướng - chính quyền địa phương luôn lấy con người làm trung tâm. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng khẳng định: "Chúng tôi xác định phải đi lên và phát triển bằng kinh tế xanh, kinh tế số dựa trên khát vọng khoa học và bằng môi trường sống sáng tạo. Bình Định phải tạo được nền công nghiệp công nghệ số để vững bước đi vào thời đại của trí tuệ nhân tạo".
Các sản phẩm do FPT phát triển tại đây đã vượt khỏi biên giới Việt Nam. Những giải pháp như QAI Dora - hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, cảnh báo vùng biển, quản lý môi trường nuôi trồng thủy sản… đều bằng camera AI và hệ thống tích hợp, phân tích dữ liệu giảm thiểu 90% nhân lực làm việc; hay AkaOCR - công cụ nhận dạng ký tự quang học tiếng Việt - không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được thương mại hóa tại Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, đem lại doanh thu hàng chục triệu USD mỗi năm. Một phần lợi thế đến từ việc đội ngũ kỹ sư được huấn luyện trong môi trường sát thực tế, nhờ mô hình đào tạo - sản xuất tích hợp của chính FPT.
Bên cạnh FPT, TMA Solutions - doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu - cũng đặt trung tâm nghiên cứu tại Quy Nhơn, góp phần làm dày thêm bản đồ AI miền Trung. Trong khi đó, các trường đại học đang định hình lại chương trình đào tạo để sát hơn với nhu cầu nhân lực AI - như Đại học Quy Nhơn đã thành lập Viện Khoa học dữ liệu và AI, liên kết với Viện John von Neumann (ĐHQG TP.HCM) và nhiều tổ chức quốc tế.
Từ một địa phương duyên hải miền Trung, Bình Định đang bước vào bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu, một cách bền vững và đầy bản lĩnh. Không hào nhoáng và ồn ào - mà chỉ cần một chiến lược đúng, một tinh thần kiên định, và một niềm tin vào giá trị của tri thức Việt Nam, từ "vùng trũng" công nghiệp, Bình Định đang vươn lên thành cực tăng trưởng mới - bằng sáng tạo và một lối đi riêng biệt trên bản đồ công nghiệp Việt Nam.
Bài cuối: Thu hút và đào tạo nhân tài
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Phát hiện chấn động: Sinh vật có khả năng dẫn điện như một sợi dây sống
Bình Định với chính sách phát triển công nghệ khác biệt - Bài 1: Nơi hội tụ tri thức, công nghệ và công nghiệp AI
Nghiên cứu khiến giới khoa học sửng sốt: Vũ trụ có thể 'tan rã' sớm hơn hàng tỷ năm so với dự đoán
Đẩy mạnh đột phá chiến lược số, tăng chi cho khoa học công nghệ
Nước đá được tìm thấy trong một hệ sao khác