Các nhà khoa học làm nảy mầm hạt giống 1.000 năm tuổi, hé lộ bí ẩn loài cây cổ xưa
Phấn đấu đến năm 2050, quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn Việt Nam đạt 100 tỷ USD/năm / Cuộc đua sản xuất năng lượng từ Mặt trời và các vì sao đang bùng nổ
Họ tin rằng loài cây này, vốn được cho là đã tuyệt chủng, có thể là nguồn gốc của một loại thuốc chữa bệnh được đề cập trong các văn bản cổ.
Vào những năm 1980, các nhà khảo cổ học đã khai quật được hạt giống này trong một hang động ở sa mạc Judean, thuộc Bờ Tây. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu không thể xác định được loài cây từ hạt giống này.
Đến năm 2010, tiến sĩ Sarah Sallon cùng nhóm của mình tại Trung tâm y tế Đại học Hadassah ở Jerusalem đã trồng hạt giống để tiếp tục điều tra.
Kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Communications Biology ngày 10/9, hé lộ nhiều bí mật về hạt giống mà bà Sallon đặt tên là “Sheba”.
Để giúp "Sheba" nảy mầm, đồng tác giả nghiên cứu, bà Elaine Solowey thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường Arava (Israel), đã ngâm hạt vào nước, kết hợp với hormone và phân bón, trước khi gieo vào chậu đất vô trùng.
Chỉ năm tuần rưỡi sau đó, một chồi nhỏ nhô lên, với phần nắp bảo vệ được gọi là operculum. Sau khi phần này rụng, nhóm nghiên cứu tiến hành xác định niên đại bằng cacbon, phát hiện hạt giống có từ năm 993 đến 1202 sau Công nguyên.
Sau đó, cây bắt đầu mọc lá, và Sallon đã gửi hình ảnh của nó cho các nhà thực vật học trên khắp thế giới. Một chuyên gia cho rằng cây thuộc chi Commiphora, với khoảng 200 loài chủ yếu sinh trưởng ở châu Phi, Madagascar, và Bán đảo Arab.
Nhóm nghiên cứu cũng đã gửi mẫu lá đến giáo sư Andrea Weeks tại Đại học George Mason (Mỹ) để giải trình tự DNA. Tuy nhiên, kết quả không khớp với bất kỳ loài Commiphora nào đã được ghi nhận.
Hạt giống này có thể đại diện cho một loài đã tuyệt chủng, có nguồn gốc từ khu vực sa mạc Judean. Cây hiện đã hơn 14 năm tuổi và cao gần 3 mét, nhưng vẫn chưa ra hoa hoặc kết trái, khiến việc xác định loài trở nên khó khăn.
Dựa trên nghiên cứu lịch sử, bà Sallon dự đoán loài cây này có thể là loại được nhắc đến trong các văn bản cổ, như Kinh thánh, dưới tên "Judean Balsam" hay "Balm of Gilead" – loại nhựa thơm tạo ra nước hoa quý hiếm và từng được xuất khẩu rộng rãi.
“Tôi muốn chắc chắn rằng nó không phải là ‘Judean Balsam’ trước khi công bố. Và cách duy nhất để xác minh là ngửi nó,” bà Sallon chia sẻ.
Dù cây không tỏa ra mùi hương, nhóm nghiên cứu đã phân tích các hợp chất có trong nhựa, lá và cành, phát hiện một số chất có công dụng chữa bệnh, bao gồm guggulterols, được cho là có tiềm năng chống ung thư. "Nó không phải là ‘Judean Balsam’, nhưng có thể là họ hàng gần, với nhiều hợp chất dược liệu quý giá," bà Sallon nhận định.
Bà và các đồng nghiệp cho rằng cây có thể là nguồn gốc của một loại thuốc cổ gọi là tsori, được đề cập trong các văn bản lịch sử.
Bà Louise Colville, nhà nghiên cứu tại Vườn thực vật Hoàng gia Kew (Anh), người không tham gia vào nghiên cứu, chia sẻ rằng việc hạt giống tồn tại trong thời gian dài như vậy là điều cực kỳ hiếm. Bà cũng bày tỏ hy vọng rằng các ngân hàng hạt giống sẽ giúp bảo tồn hạt giống lâu dài hơn.
Các dự án hồi sinh các loài đã tuyệt chủng, như voi ma mút, chim dodo, và hổ Tasmania, đang đạt đến bước ngoặt quan trọng, dù mục tiêu không phải là tạo ra bản sao hoàn toàn mà là giống lai gần giống.
Nghiên cứu DNA cổ đại cũng đang mở ra hy vọng tìm nguồn thuốc mới. Một số nhà khoa học khác đang hồi sinh các loài thực vật cổ xưa để nghiên cứu về tiến hóa và đa dạng di truyền, điều có thể mang lại lợi ích chữa bệnh trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo