Cần cơ chế, chính sách đột phá để phát triển nhân lực bán dẫn
Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo giúp nâng cao bảo hộ bằng sáng chế / Bắt tay NVIDIA, FPT lên kế hoạch chi 200 triệu USD xây nhà máy trí tuệ nhân tạo
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết thị trường chip bán dẫn của thế giới có tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14%/năm liên tục trong 20 năm vừa qua, dự kiến sẽ đạt doanh thu 1.000 tỷ USD vào năm 2030. Từ nay đến năm 2030, thế giới cần khoảng 1 triệu lao động cho tất cả các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán dẫn lớn đang tìm cách đa dạng hoá chuỗi cung ứng, tận dụng nguồn nhân lực trẻ, có trình độ tại các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Bộ KH&ĐT ước tính đến năm 2030 Việt Nam cần khoảng 15.000 kỹ sư thiết kế, 35.000 kỹ sư làm việc trong các nhà máy sản xuất chip bán dẫn; đồng thời sẽ tạo ra 154.000 việc làm gián tiếp, đóng góp 360.000 tỷ đồng vào GDP.
Đề án đặt ra nhiều giải pháp, trong đó đặt mục tiêu đào tạo chuyên sâu cho 1.300 giảng viên; mở rộng mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành liên quan lên khoảng 200 cơ sở; đầu tư 4 trung tâm bán dẫn dùng chung, 20 trung tâm đào tạo bán dẫn tiêu chuẩn…
Với điều kiện hiện hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn nhận định, hai khâu trong ngành công nghiệp bán dẫn mà Việt Nam có lợi thế là thiết kế, đóng gói, kiểm thử chip và các trường đang rất cần dự báo chính xác về nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn để xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo hữu hiệu.
Góp thêm góc nhìn, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Hồng Thái đề nghị, Chính phủ cần đầu tư mạnh cho hoạt động nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ và có chính sách ưu tiên cho các bên tham gia vào hệ sinh thái đào tạo nhân lực ngành bán dẫn.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, chuyên gia, tiếp tục nghiên cứu, "vừa làm, vừa hoàn thiện" dự thảo Đề án, nhằm cụ thể hoá, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong các chiến lược về phát triển nghành công nghiệp vi mạch bán dẫn, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, các chương trình, sản phẩm trọng điểm về khoa học, công nghệ quốc gia… Bên cạnh đó, Đề án cần làm rõ các nguồn lực triển khai cho từng mục tiêu, nhiệm vụ.
Định hướng triển khai Đề án, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, để phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, cần có sự kết hợp giữa chương trình đào tạo chuyển đổi và đào tạo chuyên sâu. Trong đó, phải chuẩn bị kỹ lưỡng về đội ngũ giảng viên, xây dựng chương trình, giáo trình, phương thức giảng dạy.
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn có tầm quan trọng rất lớn, đòi hỏi tầm nhìn chiến lược và sự hiểu biết thấu đáo về mối quan hệ chặt chẽ giữa công nghiệp điện tử và công nghiệp bán dẫn, yêu cầu của nguồn nhân lực, các khâu thiết kế, chế tạo, sử dụng các sản phẩm vi mạch, bán dẫn…
Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn cần đưa ra những "gói" cơ chế, chính sách đột phá đặc thù để tháo gỡ vướng mắc về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu tư công, nghiên cứu và phát triển.
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, cùng với sự tham gia của các doanh nghiệp để hình thành và bảo đảm các điều kiện về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Việt Nam cũng cần đặt hàng nhằm hình thành các nhóm nghiên cứu, chuyên gia về thiết kế vi mạch bán dẫn, vật liệu, công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thể chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo