Cần cơ chế đột phá về hạ tầng phát triển khoa học công nghệ
DNVN - Tại phiên thảo luận ngày 17/2 về Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra các kiến nghị quan trọng về đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ lĩnh vực này.
Cần chính sách vượt trội, khơi thông nguồn lực phát triển khoa học công nghệ / Thủ tướng đề xuất 5 cơ chế đặc biệt để khoa học công nghệ phát triển đột phá
Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy và đại biểu Nguyễn Duy Minh đã nhấn mạnh sự cần thiết của các cơ chế đặc thù và đột phá để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và đón đầu công nghệ mới, yếu tố quan trọng nhất là phải đầu tư nhanh kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đại biểu nhấn mạnh việc cần thiết xây dựng không gian làm việc, phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm dữ liệu, hạ tầng số, trạm thu phát sóng 5G-6G, cùng với các nhà máy kiểm thử trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI).
Tuy nhiên, theo bà Thúy, các quy định pháp luật hiện nay chưa đầy đủ hoặc còn chung chung, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng còn rườm rà, chưa có quy chuẩn kỹ thuật cụ thể. Vì vậy, đại biểu đề xuất Quốc hội cần bổ sung các điều khoản cụ thể để đẩy nhanh quá trình đầu tư.
Trong đó, cần áp dụng cơ chế đầu tư kết hợp giữa ngân sách nhà nước với vốn ngoài ngân sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng khoa học, công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.
Đề xuất giao đất sạch trực tiếp không qua đấu giá, miễn tiền sử dụng đất trong 10 năm và giảm 50% cho thời gian tiếp theo nếu dự án hiệu quả.
Cơ chế khai thác, vận hành linh hoạt. Các tài sản do Nhà nước đầu tư có thể được cho thuê hoặc sử dụng chung phục vụ nghiên cứu mà không cần đấu giá quyền khai thác. Cho phép các nhà nghiên cứu được hưởng trọn vẹn quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm khoa học công nghệ phát triển từ hạ tầng có nguồn vốn nhà nước.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh việc tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư kết cấu hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đại biểu đề xuất hai điểm bổ sung quan trọng vào dự thảo nghị quyết. Thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, thay vì chỉ giới hạn trong chỉ tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước. Cần bổ sung các cơ chế thu hút nguồn lực xã hội và đẩy mạnh hợp tác công - tư, bảo đảm dòng vốn đầu tư cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.
Thứ hai, miễn trừ trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức trong quản lý hạ tầng khoa học, công nghệ nếu thất thoát, lãng phí không xuất phát từ hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Theo đại biểu, hiện dự thảo nghị quyết chỉ đề cập đến miễn trừ trách nhiệm trong xây dựng chính sách, trong khi những người trực tiếp thực hiện vẫn chịu rủi ro pháp lý khi triển khai các dự án. Vì vậy, cần có quy định cụ thể để bảo vệ các nhà quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo