Khai giảng chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số
Nguồn nhân lực ngành bán dẫn: Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam / Đà Nẵng hợp tác vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo với đối tác chiến lược
Sáng ngày 17/2, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty TNHH Dolphin Technology Việt Nam Center, Tập đoàn Cadence và Đại học Bách khoa Hà Nội đã phối hợp tổ chức Lễ khai giảng “Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số”. Đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam.
“Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số” nằm trong khuôn khổ triển khai Đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”.
Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Vũ quốc Huy - Giám đốc Trung tâm NIC cho biết, NIC tiếp tục phối hợp với khối tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và khối viện trường đẩy mạnh triển khai các chương trình nhằm kết nối và thúc đẩy đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, bày tỏ sự tin tưởng mục tiêu của Việt Nam đặt ra trong đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó có 15.000 kỹ sư cho công đoạn thiết kế sẽ sớm đạt được và đáp ứng được nhu cầu nhân lực bán dẫn trong và ngoài nước đến năm 2030.

“Khóa đào tạo lần này chính là bước khởi đầu quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của thị trường. Khóa học được thiết kế với mục tiêu cung cấp cho học viên những kiến thức nền tảng về thiết kế vi mạch, kỹ năng thực hành và tư duy sáng tạo cần thiết để làm việc trong lĩnh vực này”, ông Huy nói.
Theo ông Lê Hải Anh - Giám đốc Công ty Dolphin Technology Vietnam, hiện nay, nhu cầu về thiết kế vi mạch tại Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ, nhưng nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế. Chính vì vậy, việc phát triển các chương trình đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch là yếu tố then chốt để ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của Việt Nam có thể vươn lên mạnh mẽ trong khu vực và thế giới.
Lợi ích của khóa học không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức lý thuyết, mà còn giúp học viên tiếp cận những công nghệ và công cụ thiết kế vi mạch số tiên tiến nhất trong ngành. Học viên sẽ được trang bị những kỹ năng thực tiễn từ việc viết mô tả thiết kế cho đến kiểm thử và tối ưu hóa các vi mạch số.

“Với sự đầu tư mạnh mẽ của Việt Nam vào lĩnh vực thiết kế, sản xuất và kiểm thử vi mạch bán dẫn, nhu cầu nhân lực sẽ tăng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là mục tiêu xây dựng đội ngũ 50.000 kỹ sư vi mạch vào năm 2030.
Đây là một cơ hội nghề nghiệp rộng mở cho các học viên tham dự Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch số. Từ việc gia nhập các tập đoàn quốc tế, cho đến việc phát triển sự nghiệp trong các công ty thiết kế vi mạch trong nước, thậm chí khởi nghiệp với những sáng tạo về công nghệ bán dẫn”, ông Hải Anh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo