Khoa học - Công nghệ

Cần khoảng 10.000 tỷ đồng để triển khai Nghị quyết 57

DNVN - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, dự kiến sẽ dành khoảng gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đáp ứng yêu cầu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách năm nay cho việc thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Liệu một tiểu hành tinh có đâm vào Trái Đất trong 8 năm nữa không? 'Trung Quốc đã bắt đầu triển khai phòng thủ' / Công ty Nhật Bản đặt mục tiêu đưa tàu đổ bộ hạ cánh xuống Mặt Trăng vào tháng 6

Ngày 7/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Các báo cáo tại hội nghị cho thấy, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 9 đã quy định nhiều chính sách mới, có tính đột phá, chưa có tiền lệ, tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ "điểm nghẽn về thể chế, chính sách". Đồng thời hể hiện rõ sự "đột phá về tư duy lập pháp", tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong đề xuất xây dựng luật và tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập pháp của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, để chuẩn bị cho Kỳ họp, Chính phủ đã giao các phó thủ tướng trực tiếp chỉ đạo rà soát các vướng mắc cần tháo gỡ, những nội dung cần bổ sung kịp thời, hiệu quả.

Hội nghị đã thống nhất, đồng tình rất cao với các báo cáo, vì vậy cần tổ chức thực hiện thật tốt các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua, tinh thần là "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quán triệt tinh thần cần tổ chức thực hiện thật tốt các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Ảnh: VGP.

Theo Thủ tướng, quá trình thực hiện, triển khai các luật, nghị quyết sẽ có những vấn đề nảy sinh, vì có nhiều vấn đề mới, khó, quy định thí điểm. Vì vậy, cần chú ý lắng nghe ý kiến phản hồi, góp ý của những người thực thi, các đối tượng tác động, các nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, người dân và doanh nghiệp.

Việc tổ chức triển khai phải rất quyết tâm, phát sinh vướng mắc ở đâu thì phải phát hiện kịp thời, chỉ ra rõ địa chỉ, nội dung để trao đổi kỹ lưỡng, tiến hành sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình thì luật hóa, đưa vào quy định, tiếp tục thực hiện. Những nội dung còn biến động nhiều, biến động nhanh thì tiếp tục thí điểm, mở rộng dần, tinh thần là cầu thị, kịp thời, linh hoạt trong phản ứng chính sách.

Về thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng cho biết, dự kiến sẽ dành khoảng gần 10.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để đáp ứng yêu cầu bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách năm nay cho lĩnh vực này, cùng với các nguồn khác như phát hành trái phiếu, điều chuyển nguồn vốn từ nơi này sang nơi khác…

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương phải xây dựng đề án, dự án cụ thể để Chính phủ bố trí ngân sách cho lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.

Liên quan đến Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đây là nghị quyết thí điểm nên không có tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn mà tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền của Quốc hội về cơ bản đã rõ và có thể thực thi ngay, "đánh trúng" vào các điểm nghẽn kéo dài, "đánh trúng" vào các vấn đề cấp bách để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.

Bộ trưởng KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tháng 5 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét, thông qua Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số, cùng các luật liên quan khác. Đây sẽ là cơ hội để tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Về hạ tầng viễn thông, theo Nghị quyết 193, Nhà nước sẽ hỗ trợ nhà mạng đầu tư 5G để đẩy nhanh phủ sóng toàn quốc, với mức hỗ trợ 15% tổng giá trị đầu tư. Đồng thời, nghị quyết cho phép chỉ định thầu để sớm triển khai các tuyến cáp quang biển do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, bảo đảm tính bền vững cho hạ tầng viễn thông.

Về công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành này, trong đó quan trọng nhất là xây dựng nhà máy chế thử chip đầu tiên. Nghị quyết đề xuất hỗ trợ 30% tổng vốn đầu tư để thu hút doanh nghiệp tham gia.

Ngoài ra, để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, đặc biệt trong giai đoạn 2025-2026, nghị quyết cho phép chỉ định thầu một số dự án trọng điểm, đồng thời thí điểm cho phép sở hữu nước ngoài đến 100% trong lĩnh vực viễn thông vệ tinh tầm thấp, bảo đảm yêu cầu quốc phòng, an ninh.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm