Chính phủ luôn quan tâm phát triển các ngành khoa học cơ bản
Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ / Giải mã gene giúp trị bệnh vảy cá, giải pháp điều trị dựa trên đặc điểm di truyền
Phát biểu trong hội nghị khoa học quốc tế “Hạt, Dây và Vũ trụ học lần thứ 29” ngày 8/7 tại Bình Định, ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định nhấn mạnh, đây là một sự kiện quan trọng trong chuỗi các sự kiện khoa học của chương trình Gặp gỡ Việt Nam lần thứ 20 năm 2024 tổ chức tại Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Hội thảo được tổ chức với mục đích tập hợp các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới về Quy Nhơn để chia sẻ kết quả nghiên cứu mới nhất về các vấn đề liên quan đến vật lí hạt cơ bản, vũ trụ học và tiếp tục củng cố sự hợp tác cho nghiên cứu, giáo dục giữa các nhà khoa học giữa các quốc gia.
Đánh giá cao ý nghĩa khoa học và tầm quan trọng của hội nghị, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm phát triển các ngành khoa học cơ bản. Các chương trình nghiên cứu khoa học cơ bản trong nhiều lĩnh vực đã được triển khai từ nhiều năm nay.
Cụ thể, từ năm 2009, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted) luôn ưu tiên dành phần lớn kinh phí tài trợ các đề tài nghiên cứu khoa học cơ bản, đồng hành hỗ trợ các nhà khoa học thực hiện và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học cơ bản. Các chương trình phát triển khoa học cơ bản cấp quốc gia, trong đó bao gồm chương trình phát triển Vật lý, đã được thực hiện liên tục từ năm 2016, với các hướng ưu tiên nghiên cứu cơ bản về Vật lý trong một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh. Đồng thời, chương trình cũng đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng như quan trắc xử lý môi trường, khoa học vật liệu…
Ngoài ra, ứng dụng các phương pháp, kỹ thuật vật lý trong các đề tài nghiên cứu thuộc các chương trình KH&CN cấp Quốc gia trong thời gian qua đã gia tăng và đạt nhiều kết quả tốt. Có thể kể tới như ứng dụng hạt nhân trong công nghiệp, ứng dụng vật lý-kỹ thuật hạt nhân trong môi trường, ứng dụng đồng vị phóng xạ trong ngành thủy văn, trong xác định tuổi mẫu vật và ứng dụng vật lý trong y khoa...
Theo Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, để tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản ở Việt Nam hướng đến các kết quả nghiên cứu xuất sắc, đóng góp tích cực cho phát triển bền vững đất nước cũng như đóng góp chung vào kho tàng tri thức của nhân loại, cần đẩy mạnh nuôi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học cơ bản, từng bước tăng cường đầu tư cho hạ tầng và tài trợ nghiên cứu KH&CN.
"Một trong số những giải pháp quan trọng mà Chính phủ Việt Nam, Bộ KH&CN luôn quan tâm, ưu tiên là tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế thông qua trao đổi khoa học, tổ chức các nhiệm vụ nghiên cứu chung giữa nhà khoa học Việt Nam và quốc tế. Tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế lớn, thu hút các nhà khoa học xuất sắc đến thực hiện nghiên cứu và trình bày các báo cáo khoa học tại Việt Nam ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có khoa học vật lý", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.
Theo xếp hạng của tổ chức Scimago, dựa trên số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực vật lý và thiên văn học các quốc gia, Việt Nam đã vươn lên từ vị trí thứ 60 năm 2013, lên vị trí thứ 46 vào năm 2023. Việt Nam cũng đã có 1 trung tâm vật lý quốc tế được UNESCO công nhận và bảo trợ từ năm 2018.
Để có được những thành tựu này, theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, bên cạnh những chính sách được đề cập trên, Bộ KH&CN luôn ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực, những đóng góp vô cùng quan trọng của các nhà khoa học trong và ngoài nước, mà tiêu biểu là GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc.
"Bộ KH&CN rất vui mừng nhận thấy, Trung tâm quốc tế về khoa học và giáo dục liên ngành đã và đang thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình. Đó là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế. Mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao.
Bộ KH&CN tin tưởng rằng, các nhà khoa học trẻ tham dự hội nghị hôm nay sẽ được các giáo sư, các nhà khoa học uy tín trực tiếp chia sẻ, cập nhật những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực, cũng như những kinh nghiệm trong cuộc đời làm khoa học. Qua đó, các nhà khoa học trẻ sẽ càng thêm yêu khoa học, dám dấn thân vào con đường khoa học và tự tin khám phá những chân trời mới", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt bày tỏ.
Phát biểu trực tuyến từ đầu cầu Pháp, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp Oliver Brochet khẳng định, lĩnh vực khoa học cơ bản của Việt Nam là một trong những lĩnh vực có sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ nhất, vì nó đòi hỏi sự huy động không chỉ các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới mà còn cả các nguồn lực đáng kể từ các quốc gia. Các quốc gia đang cùng chung tay hỗ trợ các nghiên cứu này và nhà khoa học Việt Nam cũng là những người thúc đẩy sự phát triển các mối quan hệ quốc tế.
Đại sứ Olvier Brochet cho biết, Việt Nam cũng góp phần lan tỏa tinh thần hòa bình, điều mà hiện nay trên thế giới lại đang dần mất đi.
Trong khi đó, GS Trần Thanh Vân cho rằng, mục đích chính của ICISE là tạo điều kiện để các nhà khoa học thế giới đến Việt Nam và chia sẻ với các nhà khoa học Việt Nam các tiến bộ, khám phá mới nhất trong một bầu không khi thảnh thơi, thuận lợi cho sự xuất hiện những ý tưởng mới.
Do đó, GS Trần Thanh Vân bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm và đồng hành của lãnh đạo Trung ương và địa phương để Hội Gặp gỡ Việt Nam có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển khoa học và giáo dục nước nhà.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thể chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo