Khoa học - Công nghệ

Cần xác định rõ vai trò, vị thế, quan điểm phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ

DNVN - Kết luận tại tại buổi “Họp bàn về những vấn đề liên quan chính sách ưu đãi và những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp cần tháo gỡ”, ngày 6/7, ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) yêu cầu cần tập trung xác định rõ vai trò, vị thế, quan điểm phát triển doanh nghiệp KHCN.

Tăng cường thanh tra trên lĩnh vực khoa học công nghệ / Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là con đường ngắn nhất để đạt được các mục tiêu

Tại buổi “Họp bàn về những vấn đề liên quan chính sách ưu đãi và những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp cần tháo gỡ”, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề liên quan chính sách ưu đãi và những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp cần tháo gỡ. Đưa ra những ý kiến đóng góp cho các chính sách hỗ trợ hoạt động KH&CN.

Đồng thời, xây dựng chương trình hành động của Bộ nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 66/NQ-CP của Chính phủ về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Tại hội nghị, bà Phan Thị Mỹ Yến - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (VST), Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Thương Hiệu Việt - VUSTA, thay mặt Hiệp hội trình bày báo cáo tóm tắt các hoạt động của Hiệp hội kể từ khi thành lập đến nay, đông thời nêu một số kiến nghị nhằm thúc đẩy doanh nghiệp KHCN phát triển thời gian tới.

Các đại biểu khác cũng bổ sung ý kiến vào Dự thảo Chương trình hành động của Bộ trong việc thực hiện triển khai hai nghị quyết trên.

Các đại biểu họp bàn về chính sách ưu đãi và những vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp KHCN.

Theo đó, đại diện cho VST khuyến nghị các cơ quan chức năng cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn Luật Đấu thầu, trong đó thực thi các quy định về ưu đãi hoạt động đổi mới sáng tạo. Tăng cường năng lực Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và thúc đẩy hoạt động KHCN.

Phối hợp với các sở KH&CN, cơ quan thuế của các địa phương về tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai thực hiện Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN. Qua đó, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bảo đảm tính khả thi của các chính sách liên quan đến hoạt động KHCN đã ban hành.

Bộ KH&CN cần xem xét trình Chính phủ xin chủ trương thiết lập cơ chế chính sách đặc thù, theo hướng xem hoạt động đầu tư nghiên cứu KHCN là một hoạt động đầu tư rủi ro, mạo hiểm cần được bảo trợ chính sách thiệt thực của Nhà nước. Tổ chức cơ chế phối hợp nhằm thống nhất trình tự thủ tục chống xâm phạm và bảo vệ chủ sở hữu, tác giả độc quyền sở hữu trí tuệ .

Đặc biệt, cần tạo cơ chế ưu tiên rút ngắn thời gian cấp bằng sở hữu trí tuệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất thương mại hóa sản phẩm ra thị trường. Bộ KH&CN cần tạo điều kiện cho VST được hợp tác, tiếp cận, tiếp nhận, thụ hưởng các nguồn lực KHCN của các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho đoanh nghiệp KHCN Việt Nam.

Lắng nghe các ý kiến đánh giá, đề xuất trên, ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao kết quả mà VST đã đạt được. Đồng thời, yêu cầu Bộ KH&CN và VST có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy vị trí, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp KHCN trong nền kinh tế.

Ông Hoàng Minh - Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá cao kết quả mà VST đã đạt được.

Theo đó, ông Minh nhấn mạnh, cần tập trung xác định rõ vai trò vị thế, quan điểm phát triển về doanh nghiệp KHCN; hướng tới sự phát triển bền vững của doanh nghiệp KHCN. Đúng với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm cùng thắng và cùng phát triển với doanh nghiệp.

“Bởi vậy, trong mọi hoạt động, không tách rời doanh nghiệp với quản lý Nhà nước. Bộ KH&CN luôn xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp KHCN và trách nhiệm của hiệp hội, của bộ là phải xây dựng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN. Cần tập trung xác định rõ vai trò vị thế, quan điểm phát triển về doanh nghiệp KHCN”, ông Minh yêu cầu.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ KH&CN, Nghị định 13/2019/NĐ-CP (về doanh nghiệp KH&CN) và Luật KHCN xác định, doanh nghiệp KHCN được hình thành từ quá trình nghiên cứu, rồi sản xuất sản phẩm dựa trên nền tảng nghiên cứu; các doanh nghiệp được chuyển giao công nghệ.

Hiện nay, những tập đoàn lớn, những tổng công ty lớn đang thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, với những bước đi rất nhanh. Nếu doanh nghiệp KHCN dựa trên hoạt động chuyển giao công nghệ thì sản phẩm của doanh nghiệp này nhận được nhiều ưu đãi hơn là sản phẩm hình thành từ quá trình nghiên cứu.

Ông Minh nhấn mạnh, cần tăng cường thảo luận, trao đổi về cơ sở hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp KHCN. Nhận định rõ những gì làm được và làm luôn, những gì khả thi hoặc chưa làm được.

Bộ KH&CN và VTS cần có nhiệm vụ cụ thể cho sự phối hợp hoạt động trong năm 2024 và năm 2025. Làm sao có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp KHCN trình diễn được sức mạnh và vai trò của mình trước sự lãnh đạo Chính phủ và cơ quan Nhà nước. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ Bộ KH&CN và VST thời gian tới.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm