Khoa học - Công nghệ

Chính sách pháp luật khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo còn thiếu đồng bộ

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh, từ thực tiễn cho thấy, để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ.

Đà Nẵng: Thu giữ số lượng lớn thực phẩm chức năng, bánh trung thu nhập lậu / Đà Nẵng: Yêu cầu bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế

Thế hệ doanh nghiệp mới từ khởi nghiệp sáng tạo

Tham dự tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Đà Nẵng – SURF 2024 ngày 30/8, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho hay, thời gian qua hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo (KNST) của Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, tạo ra thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu.

Thứ trường Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại SURF 2024.

Thứ trường Bộ KH&CN Hoàng Minh phát biểu tại SURF 2024.

Mạng lưới hỗ trợ KNST đã và đang phát triển năng động, hiệu quả với sự tham gia tích cực của các chủ thể trong hệ sinh thái; văn hóa, tinh thần KNST lan tỏa mạnh mẽ khát vọng vươn lên. Trung tâm Đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia thuộc Bộ KH&ĐT đã bắt đầu đi vào hoạt động; Trung tâm hỗ trợ KNST quốc gia đang hình thành tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

Hơn 20 địa phương đã và đang thành lập Trung tâm KNST để kết nối các nguồn lực địa phương, vùng và quốc gia. Năm 2024, hệ sinh thái KNST của Việt Nam tăng 2 bậc, lên vị trí thử 56 trong bảng xếp hạng Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Blink.

Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp KNST, trong đó 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD và có 2 kỳ lân khởi nghiệp, có 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, số lượng nhà đầu tư thiên thần tiếp tục phát triển tích cực. Cùng với Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, năm 2024, Đà Nẵng lần đầu tiên có tên trong bảng xếp hạng 1.000 TP khởi nghiệp toàn cầu.

“Tuy nhiên bên cạnh các kết quả đạt được, thực tiễn triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách về KHCN và ĐMST, đặc biệt là ĐMST và KNST còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu sự đồng bộ, thống nhất trong cách hiểu cũng như thực thi các chính sách, pháp luật”, Thứ trưởng Hoàng Minh nói.

Còn nhiều vướng mắc, thiếu thống nhất, đồng bộ

Ông Minh nêu ví dụ, trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính hiện đang sử dụng các thuật ngữ ĐMST và KNST theo các cách hiểu khác nhau, gây ra sự không chuẩn xác, lúng túng, không thống nhất, chồng chéo... trong thực thi các hoạt động chuyên môn và trong công tác quản lý nhà nước.

Việc định danh, phân định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức liên quan đến ĐMST và KNST đang không có sự thống nhất. Trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hành chính hiện sử dụng rất nhiều tên gọi khác nhau và nhiều quy định khác nhau về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền, cơ chế, chính sách đối với việc thành lập và hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động hoặc hỗ trợ hoạt động ĐMST và KNST.

Các văn bản quy phạm pháp luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh liên quan đến ĐMST và KNST được xây dựng, ban hành bởi nhiều cơ quan chủ trì khác nhau nhưng chưa có sự thống nhất xuyên suốt, dẫn đến sự khó khăn, thậm chí không thực hiện được các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ĐMST và KNST...

Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh, từ thực tiễn cho thấy, để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái KNST của Việt Nam cần phải nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong xây dựng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bồ trí nguồn lực để thúc đây ĐMST và KNST.

Xây dựng Luật KH&CN sửa đổi

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, tại Nghị định 28/2023/NĐ-CP ngày 2/6/2023, Bộ KH&CN được Chính phủ giao là cơ quan thống nhất quản lý hoạt động ĐMST; xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, phát triển ĐMST, hoạt động KNST và huy động các nguồn lực đầu tư cho ĐMST và KNST.

Hiện nay Bộ KH&CN đang xây dựng hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật KH&CN sửa đổi (dự kiến trình Quốc hội cuối năm 2025). Trong đó sẽ thống nhất, đồng bộ hoá và luật hoá các vấn đề lớn, có tính cơ bản như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho ĐMST, KNST; mô hình quỹ quốc gia về ĐMST, KNST; các chính sách ưu đãi về thuế, sử dụng tài sản công... hiện đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau.

Thứ trưởng Hoàng Minh cũng cho biết, trong thời gian chờ Luật KH&CN sửa đổi và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này được ban hành, nhiều cơ quan, đơn vị yêu cầu cần sớm có văn bản quy phạm pháp luật quy định nội dụng liên quan đến ĐMST và KNST. Do đó, Bộ KH&CN đã báo cáo và được Chính phủ giao xây dựng Nghị định quy định một số nội dung liên quan đến ĐMST và KNST.

Trong đó tập trung vào các nội dung: Quy định rõ khái niệm, nội hàm về ĐMST và KNST; phân biệt ĐMST và KNST với các chủ thể khác… Quy định về điều kiện, tiêu chí... thành lập, hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ ĐMST và KNST. Áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích để thúc đây, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ ĐMST và KNST...

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm