Chủ động ứng dụng công nghệ để 'xanh' hoá khu công nghiệp
Trợ lý AI hỗ trợ tra cứu đơn vị hành chính mới / Gia Lai: Khai mạc hai sự kiện khoa học quốc tế, quy tụ hàng trăm chuyên gia
Rào cản chính sách
Theo chia sẻ của các chuyên gia, doanh nghiệp tại phiên thảo luận "Khu công nghiệp xanh, mô hình hạ tầng tối ưu cho tăng trưởng công nghiệp bền vững" (diễn đàn công nghiệp xanh 2025 ngày 9/7 tại Hà Nội), trong bối cảnh Việt Nam hướng tới hai mục tiêu lớn – trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và đạt Net Zero vào năm 2050 – công nghiệp xanh được xem là điều kiện tiên quyết.
Tuy nhiên, con đường chuyển đổi này đang đối mặt với nhiều thách thức, từ sự phức tạp của chính sách đến thực trạng "tẩy xanh" (greenwashing) và chi phí tuân thủ đắt đỏ.
TS Nguyễn Thế Hùng - Phó Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển cho biết, dù khung pháp lý như Nghị định 35 và Thông tư 05 đã được ban hành để hướng dẫn phát triển khu công nghiệp sinh thái, các doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Qua khảo sát thực tế tại các khu công nghiệp sinh thái cho thấy, ý thức chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp, dù là vốn trong nước hay nước ngoài, đều rất cao. Họ trăn trở về việc làm thế nào để cân bằng giữa lợi nhuận và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất lại nằm ở chính sách.

"Các tiêu chí để được công nhận là khu công nghiệp sinh thái đều chưa đạt 100%, phần lớn chỉ ở mức 60-70%. Khi được hỏi, các doanh nghiệp đều mong muốn sự đơn giản và minh bạch", ông Hùng nhấn mạnh.
Chuyên gia lấy ví dụ tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền (Hải Phòng), doanh nghiệp phải có một phòng gồm 5 luật sư chỉ để nghiên cứu chính sách pháp luật của Việt Nam. Tương tự, khu công nghiệp Deep C cũng cần 3-5 luật sư cho công việc này.
Cũng liên quan đến rào cản chính sách, ông Hùng cho biết, đến nay, chưa có khu công nghiệp nào được cấp chứng chỉ "khu công nghiệp sinh thái" chính thức vì không có đơn vị nào dám ký xác nhận. Quy định về năng lượng sạch cũng còn bất cập, chẳng hạn doanh nghiệp không được phép bán điện mặt trời dư thừa cho nhà máy bên cạnh, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Với góc nhìn từ người trong cuộc, ông Đỗ Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc thứ nhất Khu công nghiệp Nhật Bản - Hải Phòng, người từng có kinh nghiệm tại Deep C, cảnh báo về tình trạng "tẩy xanh" (greenwashing).
"Thực chất, tôi biết rằng rất nhiều doanh nghiệp, khu công nghiệp đang 'greenwashing'. Họ phao lên mình là khu công nghiệp sinh thái nhưng bản chất chỉ là sơn vẽ bên ngoài", ông Hưng nói.
Thêm vào đó là gánh nặng chi phí tạo rào cản lớn cho doanh nghiệp khi làm khu công nghiệp sinh thái. Ví dụ, quy định yêu cầu 25% diện tích cây xanh, trong khi trước đây chỉ là 10%. Với giá đất tăng từ 75 USD/m² lên 220 USD/m², việc tăng thêm 15% diện tích cây xanh khiến chủ đầu tư mất hàng nghìn tỷ đồng.
Lối thoát từ công nghệ
Ông Phạm Tuân - đồng sáng lập giải pháp VERT ZERO (giải pháp công nghệ) VertZéro, FPT IS, Tập đoàn FPT chỉ ra một thực tế đáng báo động: năng lực và nhận thức về chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt còn rất hạn chế.
"Ở Việt Nam, có lẽ chưa tới 10 doanh nghiệp có chứng nhận đo lường khí nhà kính chính xác, và tôi chưa gặp được trên 20 người giữ vị trí Giám đốc phát triển bền vững", ông Tuân chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề này, FPT đã phát triển phần mềm giúp doanh nghiệp tự động hóa quá trình kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, chỉ cần nhập các thông số điện, nước, AI có thể tự động tạo ra báo cáo theo Nghị định 06 hoặc chuẩn GRI, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và nguồn lực", ông Tuân chia sẻ.
AI không chỉ giúp đo lường mà còn có thể tối ưu hóa vận hành. FPT sử dụng camera AI để phát hiện lỗi sản phẩm, giảm thiểu hàng hỏng và chi phí lao động. Doanh nghiệp cũng dùng AI để dự báo nhu cầu và đặt hàng chính xác, như trường hợp nhà thuốc Long Châu. Qua đó, vừa giảm chi phí vận tải, vừa tránh lãng phí do thuốc hết hạn, vừa bảo đảm đủ hàng phục vụ khách. AI cũng giúp tự động điều chỉnh hệ thống đèn, điều hòa dựa trên dự báo thời tiết và thói quen sử dụng để tiết kiệm năng lượng.

"Bài toán xanh ở đây đồng hành với tăng trưởng, vì nó giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả. AI có tiềm năng cực kỳ lớn để tiết giảm chi phí nhân công, điện năng mà vẫn tạo ra hiệu quả cao hơn", ông Tuân kết luận.
Từ góc độ kỹ thuật, ông Dennis Martin - Giám đốc dự án Artelia, Phòng Thương mại Công nghiệp Pháp tại Việt Nam nhấn mạnh vai trò của thiết kế và kiến trúc trong việc hình thành khu công nghiệp xanh. Các nguyên tắc thiết kế thông minh, từ việc chọn hướng tòa nhà để tận dụng ánh sáng, gió tự nhiên đến việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời, điều hòa thông minh, tái sử dụng nước đều đóng vai trò then chốt.
Ông Dennis Martin cũng đề xuất ý tưởng xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, nơi các tập đoàn lớn và chủ đầu tư khu công nghiệp có thể đặt ra bài toán, qua đó kích thích các startup đưa ra giải pháp công nghệ sáng tạo, giúp quá trình chuyển đổi xanh diễn ra nhanh hơn.
Các ý kiến tại diễn đàn có chung nhận định, việc chuyển đổi xanh của các khu công nghiệp tại Việt Nam vừa có cơ hội, vừa nhiều thách thức. Để hành trình chuyển đổi xanh không dừng lại ở mức "sơn xanh" bề ngoài, cần có sự đồng hành của một khung chính sách minh bạch, dễ tuân thủ cùng việc chủ động ứng dụng công nghệ để tối ưu hóa chi phí và hiệu quả, biến thách thức thành động lực tăng trưởng bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo