Khoa học - Công nghệ

Đã có ít nhất 6 huyện ngoại thành Hà Nội áp dụng giải pháp xử lý rơm rạ thay vì đốt

DNVN - Trong vụ Đông Xuân 2021, đã có ít nhất 6 huyện ngoại thành Hà Nội gồm: Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì, với hơn 1.000 ha cánh đồng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt nhằm bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị kinh tế cho rơm.

Jonhson & Jonhson sẽ nghiên cứu khả năng chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19 cho Việt Nam / Chuyên gia "hiến kế" 4 giải pháp giúp Việt Nam tiêm chủng vaccine Covid-19 hiệu quả

Việc đốt mở rơm rạ ngoài đồng ruộng gây ảnh hưởng đến chất lượng không khí, an toàn giao thông và sức khỏe cộng đồng. Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, đốt rơm rạ đã được xác định là một trong 12 nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Quá trình đốt rơm rạ sản sinh ra nhiều chất gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người như CO, SO2, NOx, NH3, HC, bụi PM10, bụi PM2,5... Ảnh hưởng trực tiếp của các chất này là làm cay mắt, chảy nước mắt, ho, hắt hơi, thậm chí là buồn nôn, khó thở. Hít các loại khí này trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ nhiễm các bệnh hô hấp và tim mạch.
Theo số liệu từ kết quả từ nghiên cứu Kiểm kê phát thải do hoạt động đốt rơm rạ ngoài đồng ruộng của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Khoa học Tự nhiên: Vụ Đông Xuân năm 2020, tổng sản lượng lúa là 427.713 tấn, lượng rơm rạ bỏ lại trên đồng ruộng là 384.505 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt ngoài đồng ruộng trong vụ Đông Xuân ở Hà Nội năm 2020 trung bình là 20%. Tổng lượng bụi thải ra là gần 350 tấn bụi PM10 và PM2,5 cùng hơn 23.000 tấn CO2 vào không khí.
Hình ảnh đốt rơm rạ còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Trong vụ mùa năm 2020, diện tích canh tác lúa thấp hơn là 57.971 ha tạo ra tổng sản lượng lúa là 296.519 tấn. Sau thu hoạch, lượng rơm rạ khô bỏ lại trên đồng ruộng là 251.266 tấn và tỷ lệ rơm rạ bị đốt trên toàn thành phố vụ này khá thấp, trung bình chỉ khoảng 2%.
Hiện nay, thành phố Hà Nội đã ban hành 2 chính sách liên quan đến kiểm soát và quản lý đốt rơm rạ. Một là, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND ngày 25/12/2019 về các biện pháp khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó có đề cập đến việc người dân không đốt rác thải tự phát, đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch vụ mùa. Hai là, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 18/09/2020 về việc tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường thành phố.
Theo đó, UBND Thành phố yêu cầu các cấp, ngành, nhân dân Thủ đô chủ động xây dựng kế hoạch, hành động cụ thể, thiết thực phấn đấu đến ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn Thành phố.
Đặc biệt tại Chỉ thị 15, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã hoàn toàn chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố trong việc chỉ đạo để đảm bảo từ ngày 1/1/2021 không còn hoạt động đốt rơm rạ, các phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định trên địa bàn. Do đó, các quận huyện đã ra các văn bản, kế hoạch liên quan để giảm thiểu tối đa tình trạng đốt rơm rạ.
Từ tháng 5/2020, Chi Cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội và Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) đã thực hiện các hoạt động hỗ trợ các quận, huyện tham vấn, xây dựng và triển khai Chỉ thị 15. Đồng thực hiện 1 nghiên cứu về tình hình đốt rơm rạ và các giải pháp thay thế đốt mở tại Hà Nội. Xây dựng tài liệu tập huấn, đồng thúc đẩy kế hoạch và hỗ trợ triển khai các buổi tập huấn chuyên môn, chia sẻ thông tin về vụ mùa tại cấp thành phố và 6 huyện ngoại thành Hà Nội. Thúc đẩy và hỗ trợ thực hiện giải pháp kỹ thuật hạn chế đốt rơm rạ.Trao đổi thông tin và kết nối với mạng lưới các doanh nghiệp về giải pháp xử lý rơm rạ (6 doanh nghiệp đã cam kết đồng hành lâu dài và sẵn sàng đồng hành xây dựng các kế hoạch hỗ trợ cụ thể với các địa phương).
Theo đó, trong vụ Đông Xuân 2021, đã có ít nhất 6 huyện ngoại thành Hà Nội, gồm: Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì, với hơn 1.000 ha cánh đồng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt nhằm bảo vệ môi trường và gia tăng giá trị kinh tế cho rơm.
Các huyện này đã triển khai hoạt động đào tạo nhóm nông dân nòng cốt; triển khai truyền thông thông qua các kênh trực tuyến hội nhóm và trực tiếp; hướng dẫn kỹ thuật và thực hành các giải pháp xử lý; hỗ trợ ngân sách cho các địa phương, hợp tác xã, nông dân tiếp cận các giải pháp như chế phẩm sinh học hay thu cuốn rơm...
Từ đây, nhiều mô hình nhỏ hay sáng kiến địa phương đã được khuyến khích triển khai. Có thể kể đến việc Hội Phụ nữ Sóc Sơn xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, Hội Nông dân Đan Phượng triển khai phân rắc chế phẩm sinh học, nông dân Ba Vì thu rơm phay rơm làm thức ăn cho gia súc, Hội Phụ nữ Đông Anh dùng rơm làm mái nhà giáo xứ, thu rơm hỗ trợ nuôi ao cá tại Mỹ Đức.
Tất cả cho thấy toàn hệ thống chính quyền, các đoàn thể, tổ chức xã hội môi trường và người dân các quận/huyện, phường/xã đã, đang hay sẽ có những lưu tâm, những học hỏi để cùng chung tay đưa Chỉ thị 15 của UBND TP Hà Nội vào đời sống.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm