Khoa học - Công nghệ

Đề xuất hợp tác phát triển điện hạt nhân với Nhật Bản

DNVN - Làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác về phát triển điện hạt nhân.

TechFest Vĩnh Phúc 2024: Nhiều cơ hội hợp tác đầu tư / Kết nối nhà khoa học với doanh nghiệp: Chìa khóa vàng đưa sáng chế vào đời sống

Phát biểu tại buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản ngày 20/12, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, điện hạt nhân là nguồn điện nền, xanh và bền vững, ngày càng được nhiều quốc gia quan tâm lựa chọn.

Tại Việt Nam, sau 8 năm (kể từ 2016) tạm dừng các Dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, mới đây Quốc hội Việt Nam đã quyết nghị tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam hiện đang hết sức cấp thiết và được dự báo tiếp tục tăng cao.

Theo Bộ tưởng, hiện nay tổng công suất hệ thống điện năm 2024 khoảng 85.000 MW, tổng công suất cần đạt năm 2030 là khoảng 150.000 MW, và năm 2050 cần đạt 400.000 - 500.000 MW. Do vậy, phát triển nguồn điện hạt nhân sẽ đa dạng nguồn cung, bảo đảm an ninh năng lượng và chuyển dịch năng lượng xanh, giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết tại COP 26.

Đồng thời, việc thực hiện dự án điện hạt nhân còn là cơ hội để đất nước phát triển nhân lực chất lượng cao, nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân toàn cầu.


Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại buổi làm việc với nhóm doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản ngày 20/12.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Đảng và Chính phủ Việt Nam chủ trương chỉ lựa chọn những công nghệ hạt nhân, đối tác tốt nhất và đào tạo nhân lực để vận hành an toàn, hiệu quả dự án năng lượng của quốc gia. Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Điện lực sửa đổi, trong đó có nội dung liên quan đến việc phát triển điện hạt nhân. Bên cạnh đó, Chính phủ đã thông qua dự kiến và sẽ báo cáo với Quốc hội để sửa đổi Luật về năng lượng nguyên tử, cũng là một cơ sở liên quan đến các vấn đề nội dung cơ bản, liên quan đến công nghệ, vấn đề an toàn trong phát triển điện hạt nhân.

Với hành lang như vậy, cơ bản đã đầy đủ các cơ sở pháp lý để triển khai. Cùng với đó, Việt Nam có các hệ thống pháp luật khác có liên quan đến đầu tư, xây dựng, an toàn, bảo vệ môi trường... Tất cả những cơ sở pháp lý như vậy tạo ra nền tảng để Việt Nam có thể sớm khởi động lại dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, Việt Nam chưa có kinh nghiệm xây dựng Nhà máy điện hạt nhân. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh và khẳng định, hợp tác quốc tế về năng lượng nguyên tử là giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực, rút ngắn thời gian và giảm chi phí đầu tư.

Nhật Bản là quốc gia phát triển có những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, bản thân Nhật Bản có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành và xử lý sự cố liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân. Chưa kể, các công ty Nhật Bản ngày hôm nay cũng là những đại diện nổi bật trong số các công ty chuyên về năng lượng của Nhật Bản.

Theo đó, người đứng đầu Bộ Công Thương đề nghị phía Nhật Bản phối hợp, tư vấn, hỗ trợ vấn đề lựa chọn công nghệ. Đề nghị các công ty Nhật Bản giới thiệu các công nghệ hiện đại, bảo đảm an toàn để Việt Nam xem xét, đánh giá, lựa chọn ứng dụng cho cả quá trình xây dựng cũng như vận hành nhà máy điện hạt nhân.

Về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, trong thời gian tới các đơn vị liên quan của Việt Nam và Nhật Bản sẽ cùng nhau rà soát lại số nhân lực về điện hạt nhân đã được đào tạo tại Nhật Bản. Nếu còn đủ điều kiện và có nguyện vọng sẽ tiếp tục đào tạo lại. Đồng thời, hai bên cùng lập kế hoạch đào tạo lượng nhân lực mới vì Việt Nam rất cần lực lượng nhân lực chất lượng cao nắm rõ chuyên môn về điện hạt nhân.

Theo Bộ trưởng, đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng đóng góp vào việc Việt Nam có thể thực hiện xây dựng, vận hành nhà máy điện hạt nhân thành công. Trong thành phần đoàn Việt Nam có đại diện của Trường Đại học Điện lực và các trường đại học trực thuộc Bộ Công Thương Việt Nam. Do đó, đề nghị các công ty Nhật Bản cùng với các trường đại học, hiệp hội liên quan của Nhật Bản trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực điện hạt nhân sẽ sớm trao đổi với phía Việt Nam nhằm xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực chất lượng cao nhằm phục vụ phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.

Trước đó, trong kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Nhật Bản về công nghiệp, thương mại, năng lượng diễn ra chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã trao đổi và chính thức đề nghị Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong triển khai chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng đã đề xuất nhiều nội dung hợp tác trong việc chia sẻ để hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam. Hợp tác để lựa chọn công nghệ tốt nhất cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận theo kinh nghiệm của Nhật Bản. Hợp tác đào tạo, đào tạo lại nhân lực triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận cũng như tái rà soát lại Hiệp định Liên Chính phủ Việt Nam - Nhật Bản về tài trợ vốn cho dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kỳ vọng, Nhật Bản sẽ hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi, vì mục tiêu phát triển của mỗi nước, vì những mục tiêu chung như “phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050” và xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm