Khoa học - Công nghệ

Đề xuất phát triển pin lưu trữ cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam

DNVN - Cho rằng sự phát triển ồ ạt của điện mặt trời trong những năm gần đây khiến hệ thống truyền tải bị quá tải nghiêm trọng, ông Lê Hải Hưng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ đề xuất phát triển pin lưu trữ cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Vaccine ngừa COVID-19 do Iran - Cuba hợp tác sản xuất đạt hiệu quả 99% / Ba nhà khoa học giành Nobel Kinh tế 2021

Điện mặt trời phát triển quá nóng
Trong khuôn khổ Tuần lễ Năng lượng thế giới diễn ra trong 3 ngày (5-7/10), TS Lê Hải Hưng - thành viên chuyên gia Hội đồng năng lượng thế giới (WEC), Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ dẫn số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, tính đến ngày 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt ĐMT, bao gồm ĐMT tập trung và ĐMT mái nhà đã đạt xấp xỉ 19.400 MWp, tức là chiếm khoảng 25% tổng công suất của hệ thống điện ở Việt Nam.
Tuy nhiên, sản lượng điện của hệ thống ĐMT mới chỉ chiếm 4,3% (tức khoảng 10 tỷ kWh so với khoảng 247 tỷ kWh) tổng điện năng thương mại của cả nước.
"Sự phát trển ĐMT ồ ạt trong các năm 2018 - 2020 đã gây ra quá tải nghiêm trọng cho hệ thống truyền tải vốn đã khá yếu của Việt Nam. Dẫn đến việc nhiều nhà máy ĐMT phải cắt giảm công suất phát, từ đó gây thiệt hại cho nhà đầu tư và làm giảm động lực phát triển ĐMT. Do chỉ phát vào các giờ nắng, nên ĐMT được coi là một nguồn điện thất thường, không tin cậy trong các quá trình sản xuất công nghiệp và ngay cả trong sinh hoạt dân sinh", ông Hưng đánh giá.

Ảnh minh họa.
Ông Hưng thông tin, trong năm 2021, dự kiến cả nước sẽ phải xả bỏ khoảng 1,7 tỷ kWh ĐMT để đảm bảo an toàn cho hệ thống truyền tải. Tuy nhiên, theo tính toán của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ, điện năng phải xả bỏ trong năm 2021 có thể nhiều hơn.
Cụ thể, riêng hệ thống ĐMT tập trung, với tổng công suất 10.000MWp đã phát điện thương mại, tổng điện năng phát ra đạt khoảng 18 tỷ kWh.
"Giả sử hệ thống truyền tải hiện tại chỉ tiếp nhận được khoảng 10 tỷ kWh như 2020 thì năm 2021 lượng điện phải xả bỏ vào khoảng 8 tỷ kWh. Đó là chưa kể các trạm ĐMT áp mái cũng phải xả bỏ một phần điện năng vào khung giờ cao điểm", Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Công nghệ chia sẻ.
Theo tính toán của ông Hưng, nếu tính giá điện trung bình là 2.000 đ/kWh thì riêng trong năm 2021 Việt Nam có thể sẽ lãng phí khoảng 16.000 tỷ đồng. Đây là một con số lãng phi vô cùng lớn trong hoàn cảnh đất nước còn nghèo và đặc biệt đang EVN đang phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc và Lào.
Lưu trữ năng lượng ĐMT là xu hướng tất yếu
Ông Hưng cho biết, công nghệ lưu trữ điện đã ra đời cùng với sự xuất hiện của ĐMT. Song, lưu trữ điện bằng ắc quy nước đã lỗi thời vì dung lượng nhỏ, nhiều chất thải axit và chì ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của con người. Ngoài ra, công nghệ muối nóng và thủy điện tích năng cũng được áp dụng. Tuy vậy, các quá trình này tốn kém và hiệu quả năng lượng rất thấp.
Hiện cũng có nhiều hãng pin lưu trữ như Lithaco, Sungrow (xuất xứ từ Trung Quốc) đã chào bán các hệ pin lưu trữ công nghệ Lithium quy mô hộ gia đình. Song, theo ông Hưng, việc phát triển các hệ thống lưu trữ một cách tự phát hàm chứa rất nhiều nguy cơ đối với an toàn lưới điện, vệ sinh môi trường.
"Lưu trữ điện năng cho ĐMT và các dạng năng lượng khác là xu hướng tất yếu trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Đây là vấn đề rất cấp bách có tác động và ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, cho nên phải được thực hiện ở tầm quốc gia", ông Hưng nhấn mạnh.
Với những kết quả nghiên cứu ban đầu, Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ, Hội đồng Năng lượng Thế giới (WEC) Việt Nam đề xuất được thực hiện một dự án thử nghiệm khoa học với tên gọi là “Nghiên cứu đặc tính năng lượng trong mô hình hệ thống điện mặt trời nối lưới kết hợp pin lưu trữ công suất 1 MW”.
Ông Hưng chia sẻ, kết quả nghiên cứu sẽ góp phần gợi ý, tư vấn cho Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng Quy trình quốc gia về hệ thống điện có sự tham gia của các nguồn năng lượng tái tạo kết hợp pin lưu trữ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm