GenZ chế tạo mắt kính thông minh giúp người khiếm thị "tìm lại" ánh sáng
Nanosalt: Lưu giữ tinh hoa từ biển / Làng Tôi: Để lối sống xanh - sạch không chỉ là trào lưu
Theo thống kê vào năm 2019, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. 1/3 trong số đó là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng. Nói về cơ duyên đưa đến việc nghiên cứu, chế tạo nên sản phẩm đặc biệt nói trên, Minh Nhật cho biết: “Trong gia đình em có người thân bị bệnh về mắt, sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Chúng em có kiến thức về trí tuệ nhân tạo nên đã ngồi bàn bạc lại với nhau để nghiên cứu chế tạo sản phẩm với mục đích giúp đỡ phần nào đó cho cuộc sống người khiếm thị”.
Huỳnh Minh Nhật (trái) và Trịnh Quốc Huy tại kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 26.
Khi có cơ hội tiếp xúc với những người khiếm thị, Huy và Nhật nhận ra họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, học tập, làm việc, sinh hoạt và cập nhật thông tin. Hai bạn đã dành nhiều thời gian đi khảo sát thực tế tại một số trung tâm và các hội dành cho người khiếm thị và nhận ra những người khiếm thị cần một thiết bị, trong đó có một số chức năng quan trọng như hỗ trợ di chuyển, tìm kiếm đồ vật, nhận diện vật thể, đối tượng, tiền mặt, đọc sách và tìm kiếm thông tin.
Từ đó ý tưởng tạo ra chiếc mắt kính thông minh tích hợp trợ lý ảo (Google Assistant) và thị giác máy tính (Computer Vision) để hỗ trợ những người khiếm thị đã ra đời. Chiếc mắt kính được tích hợp trợ lý ảo có khả năng tìm kiếm thông tin, trò chuyện với người khiếm thị, gọi các tính năng mà nhóm đã xây dựng cho mắt kính như mô tả môi trường trước mắt người sử dụng, tìm kiếm đồ vật, hỗ trợ người khiếm thị di chuyển và nhận diện người thân, vật thể, tiền mặt, đọc sách… Quãng thời gian đầu phát triển là một giai đoạn khó khăn với cả Huy và Nhật vì các em phải cân bằng giữa giai đoạn học hành, thi cử và thời gian nghiên cứu phát triển thiết bị. Nhưng vì quyết tâm làm để giúp những người khiếm thị nên cả hai đã nỗ lực hết sức mình
Nhờ vào những nỗ lực bền bỉ, thiết bị đã ra đời thành công với cấu tạo đơn giản, không cầu kỳ, với máy tính nhúng (hay còn gọi là Raspberry Pi 3), webcam, pin sạc dự phòng, tai nghe, cảm biến hồng ngoại... Tuy nhiên, với sự kết hợp của camera và công cụ trí tuệ nhân tạo, cụ thể là thị giác máy tính cùng với trợ lý ảo, mắt kính sẽ tương tác với người dùng, xử lý thông tin và truyền kết quả qua tai nghe. Cùng với việc thiết kế gọn nhẹ, dễ dàng đeo và sử dụng, với các chức năng có độ chính xác cao, Kính mắt thông minh là thiết bị góp phần quan trọng hỗ trợ người khiếm thị hòa nhập cuộc sống và giải quyết việc làm.
Sản phẩm mắt kính cho người khiếm thị áp dụng trí tuệ nhân tạo của Huy và Nhật.
“Rất nhiều tính năng mà mắt kính có thể giúp được như: tìm kiếm, gợi ý thông tin (thiết bị trả về các thông tin theo yêu cầu), đọc sách (thiết bị đọc các đoạn văn bản), hỗ trợ người khiếm thị di chuyển (thiết bị sẽ mô tả các vật cản phía trước, xác định khoảng cách đến vật cản), tìm đồ vật trong nhà (hỗ trợ xác định vị trí đồ vật), nhận diện người quen (thiết bị nhận diện và cho biết danh tính của người quen), hay nhận diện tiền mặt (thiết bị nhận diện mệnh giá tờ tiền), nhận diện biểu cảm khuôn mặt (thiết bị nhận diện biểu cảm người đối diện đang hạnh phúc, đang sợ hay đang buồn…”, Huy giới thiệu.
Sau khi hoàn thành sản phẩm, Huy và Nhật đã đem đến Hội Người mù TP Hồ Chí Minh để trình bày, thử nghiệm thiết bị, đồng thời nghiên cứu thêm về các khó khăn của người sử dụng. “Rất mừng là sản phẩm đem lại độ chính xác khá cao, được các cô chú phản hồi tích cực. Tụi em cũng được góp ý thêm để có thể cải thiện sản phẩm”, Nhật tự hào chia sẻ.
Theo Nhật, sản phẩm sáng tạo của hai bạn có nhiều ưu điểm là áp dụng các thuật toán Deep Learning để hỗ trợ người khiếm thị; có tích hợp trợ lý ảo tương tác với người khiếm thị; góp phần hỗ trợ người khiếm thị một số tính năng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày; giúp người khiếm thị thoải mái, tự tin hơn trong cuộc sống…
Hai nam sinh rất muốn nhân rộng sản phẩm này đến với đông đảo người khiếm thị tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Sản phẩm này của hai bạn đã đoạt giải Ba tại kỳ thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 26, do Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và một số đơn vị tổ chức. Hiện nay, giải pháp này đã được các chuyên gia về lĩnh vực khoa học và công nghệ phân tích và đánh giá thông qua các cuộc thi, hội thi, giải thưởng có uy tín được các cơ quan có thẩm quyền cấp nhà nước tổ chức và được xếp giải thưởng cao. Giải pháp đã nộp yêu cầu xem xét đơn và cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích và được Cục Sở hữu Trí tuệ ra Quyết định Về việc chấp nhận đơn hợp lệ, dự kiến thẩm định nội dung và lấy bằng độc quyền giải pháp hữu ích vào giữa năm 2022.
Hiện Dự án Mắt kính thông minh cho người khiếm thị đang tham gia Cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh” năm 2022 do Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo TECHFEST 2022 cùng Đoàn Thanh niên Bộ Khoa học và Công nghệ, Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các đơn vị phối hợp tổ chức.
Lễ phát động Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh 2022.
Cuộc thi là cơ hội để các bạn trẻ, các đoàn viên thanh niên đang mong muốn khởi nghiệp, lập nghiệp, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tiếp cận, nắm bắt kịp thời những ý tưởng hay, sáng tạo, những mô hình kinh doanh tiềm năng. Từ đó, có thể đăng ký sở hữu trí tuệ, đăng ký bảo hộ sáng chế, phát triển thành dự án/ mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng, hình thành chuỗi giá trị. Đổi mới sáng tạo là cánh cửa mở ra sự phát triển mạnh mẽ, có tính đột phá cho doanh nghiệp và đất nước; Và quyền sở hữu trí tuệ, bằng độc quyền sáng chế sẽ là chìa khóa để doanh nghiệp và đất nước mở cánh cửa để phát triển một cách bền vững.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thể chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo