Khoa học - Công nghệ

Giáo sư Cullis: VinFuture kết nối Việt Nam với thế giới bằng sứ mệnh khoa học

GS. Pieter Cullis, đồng Chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture mùa 1, đánh giá cao tầm nhìn và tính toàn diện của Giải thưởng VinFuture khi công nhận nghiên cứu về nano lipid và màng sinh học của ông trong công nghệ vaccine mRNA - điều mà Giải Nobel năm nay đã không làm.

BUSADCO giành 7 giải thưởng danh giá tại hội thi Sáng tạo KHCN quốc tế / Khẩn trương có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ

Chú thích ảnh
GS. Pieter Cullis (ngoài cùng bên trái) cùng GS. Drew Weissman và TS. Katalin Karikó được trao Giải thưởng Chính VinFuture mùa 1 cho công trình phát triển công nghệ vắc-xin mRNA. Ảnh: VFP.

Giải thưởng gây tiếng vang lớn trên toàn cầu

Thưa Giáo sư, xin Giáo sư chia sẻ đôi chút về cuộc sống và việc nghiên cứu của ông sau 2 năm kể từ khi nhận Giải thưởng VinFuture?

VinFuture đã thay đổi rất nhiều cuộc sống của tôi. Giải thưởng thực sự góp phần giúp nghiên cứu của chúng tôi được công chúng biết đến nhiều hơn, và nhờ đó, tôi nhận được thêm các khoản tài trợ cho nghiên cứu của mình. Đây là nền tảng quan trọng để chúng tôi tập trung nghiên cứu những ứng dụng khác của hạt nano lipid trong vận chuyển mRNA và các loại liệu pháp ứng dụng axit nucleic khác giúp điều trị cho nhiều loại bệnh khác nhau.

Cụ thể, công nghệ nano lipid nói riêng và vaccine mRNA nói chung đã có những bước tiến ra sao trong thời gian qua, thưa Giáo sư?

Công nghệ nano lipid có nhiều tiềm năng chưa được khai phá và ngày càng có nhiều ứng dụng để điều trị bệnh như ung thư và các bệnh truyền nhiễm. Hiện tại, trên thế giới có nhiều liệu pháp điều trị hiệu quả sử dụng công nghệ mRNA. Trong tương lai gần, việc tiêm phòng cúm hàng năm sẽ không còn cần thiết vì khả năng cao chúng ta có thể cho ra đời loại vaccine giúp chống được tất cả các chủng vi-rút cúm.

 

Công nghệ mRNA còn đẩy nhanh sự phát triển của y học cá thể khi có thể ứng dụng trong liệu pháp tế bào miễn dịch CAR-T điều trị ung thư hay chỉnh sửa gen để giảm lượng cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể hoặc chữa các bệnh hiếm như thiếu hụt một protein nào đó…

Chúng ta đang chứng kiến một cuộc cách mạng trong y học. Bằng cách ứng dụng sinh học phân tử và khai thác chính cơ chế của tế bào, chúng ta có thể tìm ra phương thuốc cho bất kỳ bệnh nào. Tôi nghĩ rằng khoảng 30 - 40% các liệu pháp điều trị mới ra đời trong 5 năm tới sẽ dựa trên công nghệ này.

Chú thích ảnh
GS. Pieter Cullis tham dự và trình bày tại sự kiện tọa đàm Khoa học và Cuộc sống trong khuôn khổ Tuần lễ trao giải VinFuture mùa 1. Ảnh: VFP.

Theo Giáo sư, trong 3 năm qua, sức ảnh hưởng và đánh giá từ cộng đồng khoa học quốc tế về VinFuture đã thay đổi như thế nào?

VinFuture đã thực sự gây được tiếng vang lớn trong giới khoa học trên toàn cầu. Tôi chắc chắn đến nay mọi người đã biết đến VinFuture nhiều hơn. Những nhà khoa học trong ngành của tôi đều biết đến Giải thưởng này.

Về quy mô tổ chức, VinFuture cũng là một trong những sự kiện khoa học quốc tế rất nổi bật và thành công khi quy tụ được những nhà khoa học tầm cỡ đến từ khắp nơi trên thế giới. Đây còn là một trong những giải thưởng toàn cầu có giá trị cao nhất hiện nay. Nhưng quan trọng hơn, VinFuture đã góp phần kết nối Việt Nam với thế giới bằng những nỗ lực đáng nể trong sứ mệnh phát triển khoa học, công nghệ.

 

Chú thích ảnh
GS. Pieter Cullis hiện là một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học sự sống. Ảnh: BIV.

Tầm nhìn khác biệt và tầm vóc toàn cầu

Giá trị cốt lõi nào của Giải thưởng VinFuture mà Giáo sư tâm đắc nhất?

Tôi muốn nhấn mạnh tính tiên phong của VinFuture trong việc tôn vinh những nghiên cứu đột phá và đổi mới công nghệ đi trước thời đại. Ngoài ra, Giải thưởng còn chú trọng hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhà sáng chế trong giai đoạn then chốt của sự nghiệp để giúp họ phát huy hết tiềm năng và giúp các nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi hơn trong cuộc sống.

Những năm gần đây, có rất nhiều nghiên cứu khoa học, nhưng thường chưa đi đến đích để trở thành những sản phẩm thực sự có ích cho con người. Tôi đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về hạt nano lipid và màng sinh học. Thật khó có thể tưởng tượng ra rằng chúng ta có thể tạo ra một loại vaccine mới từ đó. Nhưng cuối cùng, thì chính nhờ những nghiên cứu cơ bản này, chúng tôi đã góp phần vào sự thành công của vaccine mRNA. Đổi mới sáng tạo là quan trọng, nhưng nó sẽ có ý nghĩa hơn nếu thực sự giúp mang lại cuộc sống tốt hơn cho con người.

Vaccine mRNA là một “trái ngọt” của hợp tác liên ngành trong nghiên cứu. Điều này cũng phù hợp với chủ đề của Giải thưởng VinFuture mùa 3 - “Chung sức toàn cầu”. Đối với Giáo sư, chủ đề này có ý nghĩa như thế nào?

 

Hợp tác liên ngành trong khoa học có vai trò cực kỳ quan trọng. Bản thân tôi vốn là một nhà Vật lý học, rồi tôi chuyển sang mảng Hóa sinh sau đó. Tôi đã quen với việc kết hợp kiến thức Vật lý và áp dụng nó để hiểu hơn về đặc tính của các phân tử sinh học. Với mục tiêu tạo ra một điều gì đó có ích cho con người, tôi đã tìm hiểu về một lĩnh vực rất lớn là thuốc và bào chế thuốc. Cuối cùng, để hiện thực hóa những ý tưởng đó, để đem thuốc đến được tận tay người bệnh, tôi còn tìm hiểu thêm về kinh doanh và khởi nghiệp.

Để biến ý tưởng trong phòng thí nghiệm thành một điều gì đó hữu ích cho con người, ta cần tư duy và sự hợp tác y liên ngành. Vì thế, tôi đánh giá rất cao chủ đề của VinFuture năm nay. Nó cho thấy tầm nhìn cũng như tầm vóc toàn cầu của một Giải thưởng với sứ mệnh phụng sự nhân loại.

Chú thích ảnh
GS. Pieter Cullis dự và phát biểu tại buổi lễ khánh thành Trung tâm Sản xuất Sinh học và Kỹ thuật Miễn dịch Canada vào ngày 15/3/2023. Ảnh: CIEBH.

Vậy, Giáo sư có dự đoán gì về lĩnh vực được trao giải năm nay?

 

Thật sự là rất khó vì các lĩnh vực nghiên cứu đều ghi nhận những thành tựu vượt bậc. Đơn cử, ngành Khoa học sự sống đang chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chưa từng có dưới sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo. Hay khi dân số thế giới ngày một già đi thì việc tìm kiếm phương thức để làm chậm quá trình lão hóa và phòng ngừa các bệnh tuổi già là một trong những thách thức lớn. Nghiên cứu trong các lĩnh vực này vì thế rất tiềm năng.

Một câu hỏi hơi riêng tư, cảm nhận của Giáo sư ra sao khi công nghệ vaccine mRNA được trao giải Nobel Y sinh năm nay mà chỉ có tên 2 nhà nghiên cứu?

Tôi đã hy vọng giải thưởng sẽ được trao cho cả ba chúng tôi, nhưng vì một lý do nào đó Hội đồng Nobel chỉ quyết định trao giải cho công trình sửa đổi mRNA ít gây phản ứng miễn dịch mà TS. Katalin Karikó và GS. Andrew Weissman tham gia thực hiện. Phạm vi khá cụ thể và họ đã không xét đến “phương tiện vận chuyển” mRNA là hạt nano lipid, mặc dù yếu tố này cũng quan trọng không kém.

Tôi cũng không lý giải được tại sao Hội đồng Nobel lại có quyết định như vậy. Ngược lại, Hội đồng VinFuture đã có đánh giá toàn diện hơn khi công nhận vai trò của cả 3 thành viên.

Xin cảm ơn Giáo sư!

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm