Khẩn trương có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ
Cần bổ sung ưu tiên cho doanh nghiệp và sản phẩm khoa học công nghệ / Cần cú hích lớn về khoa học công nghệ để tăng năng suất lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đầu kỳ họp, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng và dự báo cả năm 2023. Trong tháng 10, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng tăng 3,2%. Khu vực công nghiệp phục hồi tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Các khu vực nông nghiệp, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt. Xuất khẩu nông sản 10 tháng đạt 43,08 tỷ USD, trong đó, vừa bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, vừa xuất khẩu 7,12 triệu tấn gạo, trị giá 3,97 tỷ USD.
Kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 10 đạt 61,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng đạt khoảng 558 tỷ USD, xuất siêu 24,61 tỷ USD. Thu ngân sách Nhà nước 10 tháng đạt 86,3% dự toán.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt 18 tỷ USD, tăng 2,4%. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công đạt 56,74% kế hoạch, cao hơn 5,5% so với cùng kỳ (51,34%), số tuyệt đối cao hơn 104 nghìn tỷ đồng.
“Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những hạn chế, bất cập. Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn; thị trường lao động, việc làm trong một số lĩnh vực suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất tiếp tục ảnh hưởng lớn đến khu vực miền Trung…, đúng như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu”, Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong thời gian còn lại của năm 2023, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, vừa giải quyết những vấn đề trước mắt, vừa chuẩn bị cơ sở, tiền đề cho những năm tiếp theo. Trong đó, tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng.
Thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ. Tăng khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, mở rộng thị trường, đa dạng sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.
Thúc đẩy phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội thị trường vào dịp cuối năm, lễ, Tết. Nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, tạo đà cho việc thực hiện kế hoạch năm 2024.
Về đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, Thủ tướng khẳng định đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến phát triển nhanh và bền vững, được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược, là quốc sách hàng đầu và đã đạt được những kết quả tích cực.
Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, bất cập, như các vị đại biểu Quốc hội băn khoăn, trăn trở. Cơ cấu, trình độ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đối với các ngành, lĩnh vực mới. Thị trường khoa học công nghệ còn bất cập, chưa có nhiều sản phẩm thành công. Các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp chưa nhiều…
Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan có nội dung còn chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đầu tư cho đào tạo nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ còn dàn trải, kém hiệu quả.
Hiện chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh khuyến khích phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Nhất là chính sách về thuế, tín dụng, nhân lực, hạ tầng; quy trình các khâu thanh toán, công tác quản lý Nhà nước còn bất cập…
Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo đột phá phát triển nhân lực chất lượng cao, thu hút, trọng dụng nhân tài, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, lao động trình độ cao cả trong và ngoài nước. Ưu tiên bố trí nguồn lực đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mới nổi (như chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch, hydrogen...).
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và khoa học công nghệ. Xây dựng cơ chế đặc thù chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học; nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ phát triển khoa học công nghệ.
“Phát triển mạnh thị trường khoa học công nghệ hiệu quả, hội nhập và bền vững. Khẩn trương hình thành các sàn giao dịch công nghệ, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ. Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát huy hiệu quả Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia”, Thủ tướng nhấn mạnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo