Gỡ 'điểm nghẽn' trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ
Thị trường bán dẫn toàn cầu dự báo tăng trưởng mạnh năm nay / Vệ tinh radar đầu tiên của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo vào năm 2025
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả và hội nhập. Đây được coi là “lời giải” cho bài toán “gỡ điểm nghẽn” trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ, đóng góp thực chất cho phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn tới.
Những chính sách đúng đắn
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đưa ra nhiều quyết sách trong phát triển khoa học và công nghệ nói chung, phát triển thị trường khoa học công nghệ nói riêng. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2075/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 và Quyết định số 1158/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 phê duyệt Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 và đến năm 2030.
Đến nay, thị trường khoa học và công nghệ dần hình thành, phát triển và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ từng bước được hoàn thiện. Nguồn cung hàng hóa khoa học và công nghệ ngày càng tăng, kết quả nghiên cứu dần trở thành hàng hóa được các doanh nghiệp đón nhận. Nhu cầu, năng lực tiếp nhận, hấp thụ và làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện. Các tổ chức trung gian từng bước được hình thành và phát triển, công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm khoa học và công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh.
Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường khoa học và công nghệ nước ta còn tồn tại một số rào cản, vướng mắc, “điểm nghẽn” cần được sớm tháo gỡ, khắc phục, như: Hệ thống chính sách, pháp luật về chuyển giao công nghệ, sàn giao dịch công nghệ còn chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực cho thương mại hóa, đẩy mạnh cung - cầu công nghệ; công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chưa tốt; còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung công nghệ từ nước ngoài; nhiều kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn trầm lắng; doanh nghiệp khó tiếp cận với nguồn cung công nghệ có chất lượng; năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn yếu; các tổ chức trung gian chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, năng lực cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, xúc tiến, chuyển giao công nghệ còn yếu; thiếu các tổ chức trung gian có vai trò đầu mối với quy mô cấp vùng, quốc gia và kết nối với thị trường quốc tế.
Việc ban hành Chỉ thị 25/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả và hội nhập với mục tiêu phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả và hội nhập sẽ giúp thị trường này phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Đồng bộ hóa trong phát triển thị trường khoa học công nghệ
Theo ông Phạm Đức Nghiệm, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ luôn đòi hỏi có sự đồng bộ của các chủ thể và thành tố tham gia. Đối với thị trường khoa học công nghệ, không chỉ cần đồng bộ giữa cung và cầu mà còn đòi hỏi sự đồng bộ về năng lực của tổ chức trung gian, hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung. Trên hết, để phát triển được thị trường khoa học công nghệ cần có sự đồng bộ về thể chế chính sách.
Với Chỉ thị 25, Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm phối hợp với các bộ ngành liên quan, tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách. Đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học công nghệ, đẩy mạnh kết nối Trung ương với địa phương; viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật dùng chung về thị trường khoa học công nghệ trong nước và quốc tế để tạo tiền đề đẩy mạnh kết nối liên thông, tiến tới đồng bộ hóa thị trường khoa học công nghệ với các thị trường hàng hóa, dịch vụ, lao động và tài chính; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động vốn từ doanh nghiệp, người dân và xã hội để phát triển thị trường khoa học công nghệ.
Ông Phạm Đức Nghiệm cho rằng, khi chính sách đã “đồng bộ” thì cần tới sự “hiệu quả” và “hiện đại” trong công tác triển khai, bao gồm hiệu quả trong sử dụng quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp; hiệu quả trong triển khai các chính sách liên quan đến tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, tiết kiệm năng lượng phục vụ ngành hàng xuất khẩu chủ lực và công nghệ tiên tiến có khả năng tạo giá trị gia tăng cao.
“Thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam ra đời muộn và đi sau thị trường bất động sản, vốn, lao động. Để phát triển đúng như kỳ vọng, chúng ta không chỉ phải phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, kiến tạo các chính sách vượt trội, thiết lập hạ tầng kỹ thuật hiện đại, thúc đẩy sự vận hành hiệu quả, đúng quy luật... mà còn cần đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế”, ông Phạm Đức Nghiệm nói.
Chỉ thị 25 cho thấy, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách để tiếp tục nối tiếp thành quả đã đạt được và khắc phục tồn tại trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Các bộ, ban, ngành tập trung rà soát, tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để thị trường khoa học công nghệ phát triển đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập. Từ đó, hướng dẫn các địa phương xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển thị trường khoa học công nghệ đến năm 2030. Các cơ chế, chính sách tạo động lực cạnh tranh để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia thị trường khoa học công nghệ; chính sách thương mại hóa, đưa nhanh kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ vào sản xuất, kinh doanh sẽ được tập trung hoàn thiện để phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiện đại và hội nhập. Thông qua các quá trình đó, thị trường khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khoa học công nghệ, dịch vụ khoa học công nghệ, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học công nghệ sẽ được đẩy mạnh.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, các vướng mắc, “điểm nghẽn” sẽ dần được tháo gỡ. Các chính sách mới hoặc được điều chỉnh sẽ tạo động lực cho nhà khoa học, tạo ra chất lượng, hiệu quả trong nghiên cứu phát triển nói riêng và thị trường khoa học công nghệ nói chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo