Khoa học - Công nghệ

Gỡ vướng trong hoạt động đổi mới sáng tạo

DNVN - Chưa có tổ chức trung gian có tính dẫn dắt thị trường Khoa học và công nghệ, liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đại học chưa đủ mạnh, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp còn rời rạc... được coi là những điểm nghẽn cần giải quyết để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo phát triển, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế Việt Nam.

Kho thuốc súng giúp hoàng đế Quang Trung đại phá quân Thanh / Đề xuất giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng mặt trời

Chìa khóa tăng trưởng

Theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Đổi mới sáng tạo (ĐMST) mang đến những tác động tích cực trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp tới 95% đối với mức độ cạnh tranh của nền kinh tế. 66% giá trị ĐMST sẽ tác động đến cuộc sống người dân. 65% các trường đại học và viện nghiên cứu sẽ tham gia hoạt động ĐMST.

Giới chuyên gia cho rằng, ĐMST thông qua KH&CN là chìa khóa giúp Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình và sớm thoát khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ thấp và nguồn tài nguyên. Vì vậy, Việt Nam đang ngày càng hoàn thiện các yếu tố thúc đẩy ĐMST một cách hiệu quả.

Tại phiên toàn thể Diễn đàn ĐMST quốc gia năm 2023 do Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp (CSK) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) phối hợp với một số đơn vị tổ chức sáng 23/6 tại Hà Nội, PGS,TS Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm CSK cho rằng, hiện nhiều nước trên thế giới đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng, phát triển năng suất dựa trên ĐMST và đây là yếu tố giúp tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

PGS,TS Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp.

Thực tế phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây đã từng bước tiếp cận theo định hướng dựa trên ĐMST. Chỉ số ĐMSTcủa Việt Nam (GII) liên tục được cải thiện trong những năm qua.

PGS,TS Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐHQGHN khẳng định, ĐMST là chìa khoá cho phát triển ở bất kỳ lĩnh vực nào. Các cơ sở giáo dục đại học đóng một vài trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy và nuôi dưỡng ĐMST thông qua các hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng động, hợp tác với doanh nghiệp (DN).

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó TGĐ Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông chia sẻ, con đường phát triển bằng KHCN, ĐMST và chuyển đổi số chính là chìa khóa để DN tăng trưởng nhanh. Các quá trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các trường đại học nhằm hiện thực hóa khát vọng "Make in Vietnam" đã tạo ra bước đột phá làm thay đổi chiến lược sản phẩm, mô hình tăng trưởng, phát triển mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số để gia tăng giá trị, vươn tầm khu vực và thế giới.

Những điểm nghẽn

Theo Phó Giám đốc ĐHQGHN, thực tiễn cho thấy, các cơ sở giáo dục đại học nói chung vẫn còn khoảng cách giữa nguồn nhân lực đào tạo và thị trường, liên kết giữa trường đại học và DN còn chưa mạnh, chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của các cơ sở giáo dục đại học cũng như nhu cầu thực tế của DN.

Cùng góc nhìn, ông Đặng Quang Vinh - Chuyên gia cao cấp về khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới đánh giá, các trường đại học chưa được tích hợp tốt vào hệ sinh thái khởi nghiệp và chưa phải là nguồn lực có ý nghĩa của các công ty mới. Chỉ 12% báo cáo của DN cho rằng, ý tưởng cho sản phẩm hoặc dịch vụ chính của họ xuất hiện từ (hoặc được lấy cảm hứng từ) nghiên cứu khoa học hoặc hàn lâm. Hoạt động của DN khởi nguồn bị hạn chế do thiếu ngân sách. Thêm vào đó, các khuôn khổ pháp lý về ưu đãi sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ không rõ ràng. Thiếu hụt kỹ năng và nguồn lực cho các hoạt động thương mại hóa.

Trong khi đó, các DN Việt Nam thuộc mọi quy mô đều báo cáo những trở ngại tương tự đối với ĐMST. Trong đó, tiếp cận tài chính vẫn là một thách thức chính. Thị trường vốn rủi ro, mặc dù tăng trưởng, phụ thuộc nhiều vào các quỹ và nhà đầu tư nước ngoài, khiến thị trường vốn toàn cầu dễ bị tổn thương trước các cú sốc. Chính sách hỗ trợ còn rời rạc và chất lượng tổng thể còn thấp, mục tiêu và mức độ hỗ trợ chưa cao.

Các diễn giả chia sẻ về những điểm nghẽn cũng như giải pháp thúc đẩy hoạt động ĐMST.
Theo ông Phạm Đức Nghiệm - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), một trong những điểm nghẽn đáng chú ý của hoạt động ĐMST là Việt Nam chưa có tổ chức trung gian đủ mạnh, có tính dẫn dắt của thị trường KH&CN.

Trong khi đó, hàng hóa KH&CN có tính đặc thù bởi khó nhận biết được rõ ràng; khó đánh giá, định giá, thẩm định; có tính đơn nhất, được sở hữu độc quyền.

Giao dịch hàng hóa KH&CN có sự bất cân xứng về thông tin, nhận thức, trình độ, năng lực giữa cung và cầu trên thị trường KH&CN. Các vấn đề phát sinh về pháp lý, chi phí giao dịch trong quá trình trao đổi, đàm phán, tiếp nhận và đưa công nghệ vào sử dụng là những rào cản đối với sự thành công trong giao dịch.

Cần có cơ chế đặc thù

Từ thực trạng trên, TS Đặng Quang Vinh cho rằng, cần định hướng lại mục tiêu chính sách bằng việc loại bỏ những thành kiến chống lại việc phổ biến hoặc áp dụng công nghệ. Xóa bỏ những thành kiến chính sách đối với ĐMST trong ngành dịch vụ. Cải cách các tổ chức ĐMST, tăng cường năng lực, khuyến khích và quản trị.

Các trường đại học và viện nghiên cứu là nơi sản xuất kiến thức cơ bản quan trọng nhất bằng cách tiến hành nghiên cứu cơ bản và ứng dụng. Đại học là nơi sản xuất quan trọng của lực lượng lao động khoa học & kỹ thuật có chất lượng. Do vậy, ưu tiên hàng đầu đối với các trường là xây dựng năng lực mạnh mẽ trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đổi mới nói chung. Đồng thời tạo ra lực lượng lao động để hỗ trợ hệ sinh thái ĐMST của Việt Nam.

Trong khi đó, theo PGS,TS Trương Ngọc Kiểm, để ĐMST trở thành động lực tăng trưởng mới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, cần có một cơ chế đặc thù tập trung thúc đẩy mạnh mẽ năng lực sáng tạo, KHCN. Cần đặt nhân tố con người - nguồn nhân lực chất lượng cao vào trung tâm của sự phát triển, tạo thành “tam giác vàng" Con người - Thể chế - Công nghệ. Bảo đảm đồng bộ tính khả thi về KHCN, KT-XH và bảo vệ môi trường. Từ đó, giúp KHCN và ĐMST thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nền tảng, quan trọng nhất của quá trình phát triển đất nước.

Còn ông Phạm Đức Nghiệm kiến nghị, việc hình thành các tổ chức trung gian có sứ mệnh rõ ràng, kết nối đủ mạnh, có tính chuyên nghiệp, hiểu rõ các quy định pháp lý… để hỗ trợ bên cung, bên cầu trong quá trình giao dịch hàng hóa KH&CN và tài sản trí tuệ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm