GS Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc được thăng cấp huân chương Bắc đẩu Bội tinh
ICISE lập tủ sách cộng đồng, mang khoa học đến gần hơn với công chúng / Bình Định: Nâng tầm trung tâm ICISE thành đầu mối hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Biểu tượng trí thức gốc Việt trên đất Pháp
Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet cho biết, nhân ngày Quốc khánh Pháp 14/7, Tổng thống Emmanuel Macron vừa ký sắc lệnh chính thức về việc thăng cấp và trao tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh quốc gia – Huân chương cao quý nhất của nước Pháp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân cùng vợ chồng GS Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc.
Trong đó, hai nhà khoa học gốc Việt là GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc đã được thăng cấp từ tước Hiệp sĩ (Chevalier) lên hạng Sĩ quan (Officier), ghi nhận những cống hiến xuất sắc và bền bỉ của hai ông bà cho nước Pháp và cộng đồng quốc tế.
Sắc lệnh ghi rõ: GS Trần Thanh Vân - nhà vật lý uy tín quốc tế, người sáng lập chuỗi hội nghị “Gặp gỡ Việt Nam” nổi tiếng, đã từng được phong Hiệp sĩ Bắc đẩu Bội tinh ngày 23/2/2000. Nay ông được nâng cấp lên hạng Sĩ quan.
GS Lê Kim Ngọc - nhà sinh vật học nổi tiếng thế giới, nhà hoạt động xã hội nhân đạo, người sáng lập Làng trẻ em SOS Việt Nam và Chủ tịch Hội bảo trợ trẻ em Việt Nam tại Pháp, cũng được thăng cấp tương tự. Bà từng được Tổng thống François Hollande đích thân trao tặng Huân chương Hiệp sĩ vào ngày 6/9/2016 trong chuyến thăm chính thức Việt Nam.
Huân chương Bắc đẩu Bội tinh (Légion d'honneur) do Hoàng đế Napoléon Bonaparte sáng lập năm 1802, là phần thưởng cao quý nhất của nước Pháp, được trao cho những cá nhân có thành tích đặc biệt trong lĩnh vực quân sự, khoa học, nghệ thuật, kinh tế hoặc đóng góp lớn cho cộng đồng.
Chevalier (Hiệp sĩ) là cấp đầu tiên trong hệ thống Huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Officier (Sĩ quan) là cấp thứ hai, dành cho những cá nhân có thành tích đặc biệt nổi bật trong thời gian dài. Việc thăng cấp được xét duyệt kỹ lưỡng và công bố vào dịp trọng đại như Quốc khánh hoặc kỷ niệm lớn của nước Pháp.
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc.
Việc cùng lúc thăng cấp huân chương cho hai vợ chồng, hai trí thức tiêu biểu của cộng đồng người Việt tại Pháp không chỉ thể hiện sự tri ân sâu sắc từ nước Pháp, mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Đây là minh chứng rõ nét cho những giá trị vượt biên giới của tri thức, khoa học và lòng nhân ái.
Một đời song hành vì khoa học và cộng đồng
Không chỉ là những trí thức xuất sắc trong giới khoa học Pháp, vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc còn là biểu tượng sống động cho sự kết hợp giữa tri thức và lòng nhân ái. Trong suốt nhiều thập kỷ, họ đã dấn thân song hành trên cả hai lĩnh vực khoa học và cộng đồng.
GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc tại Trung tâm ICISE.
Từ năm 1966, hai ông bà đã cùng sáng lập chuỗi hội nghị khoa học quốc tế “Gặp gỡ Moriond” – một diễn đàn danh giá quy tụ các nhà khoa học trẻ và các công trình nghiên cứu đột phá. Sau đó, họ tiếp tục mở rộng mô hình này qua các hội nghị “Gặp gỡ Méribel”, “Gặp gỡ Blois” và đặc biệt là “Gặp gỡ Việt Nam” từ năm 1993. Chính tinh thần của “Gặp gỡ” – khơi mở, kết nối, khích lệ tuổi trẻ, đã trở thành cốt lõi trong sự nghiệp khoa học của hai người.
Không dừng lại ở học thuật, đôi vợ chồng khoa học này còn dành tâm huyết lớn cho các hoạt động xã hội. Từ năm 1970, GS Lê Kim Ngọc sáng lập Hội “Giúp đỡ trẻ em Việt Nam”, kiến tạo hàng loạt Làng trẻ em SOS trên khắp đất nước.
Đồng thời, các chương trình học bổng như “Gặp gỡ Việt Nam” và “Vallet” do ông bà khởi xướng và đồng hành, đã trao hàng chục nghìn suất học bổng cho học sinh, sinh viên Việt Nam có hoàn cảnh khó khăn nhưng giàu nghị lực, giúp các em tiếp tục theo đuổi ước mơ, khát vọng của mình.
Đại diện cựu sinh viên, học sinh nhận học bổng Vallet tặng hoa tri ân GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc và TS Espéran Padonou.
Đặc biệt, năm 2013, hai giáo sư đã đưa vào hoạt động Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn (nay thuộc tỉnh Gia Lai), biến nơi đây trở thành điểm hội tụ khoa học của khu vực và thế giới. Đây là minh chứng cụ thể cho khát vọng làm khoa học gắn liền với phát triển đất nước, phát triển con người.
Suốt hành trình dài, họ đã lặng lẽ cống hiến bằng cả trái tim cho khoa học và cộng đồng. Việc nước Pháp trao tặng và thăng cấp huân chương cho hai vợ chồng GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc như một lời tri ân đầy ý nghĩa dành cho những điều tốt đẹp mà họ đã âm thầm mang đến cho cuộc đời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo