Khoa học - Công nghệ

Kỳ vọng Gen Al sẽ mang lại lợi nhuận trong vòng 5 năm tới

DNVN - Theo ông Phạm Đỗ Nhật Vinh – Phó Tổng giám đốc, trưởng khối tư vấn ngành tài chính - ngân hàng, Công ty KPMG Việt Nam, một trong những công nghệ được nhắc đến nhiều nhất là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen Al). 70% giám đốc điều hành giới ngân hàng trên thế giới được khảo sát kỳ vọng Gen Al sẽ mang lại lợi nhuận trong vòng 5 năm tới.

Tham vọng nâng cao kỹ năng AI cho 2,5 triệu người ASEAN vào năm 2025 / AI tiên tiến có thể đã học được cách lừa dối con người

Ông Phạm Đỗ Nhật Vinh - Phó Tổng giám đốc, trưởng khối tư vấn ngành tài chính - ngân hàng, Công ty KPMG Việt Nam cho biết, năm 2023, KPMG thực hiện khảo sát với gần 140 giám đốc điều hành (CEO) ngân hàng ở nhiều nước trên thế giới. Khảo sát cho thấy, yếu tố quan ngại hàng đầu đối với các ngân hàng là “chi phí sinh hoạt".

“Các CEO thừa nhận rằng, cuộc suy thoái kinh tế đã để lại những tác động nghiêm trọng đến khách hàng và lực lượng lao động của họ, vì nó dẫn đến tình trạng sụt giảm khối lượng vay và đầu tư. Bên cạnh đó, lạm phát tiền lương làm gia tăng áp lực khi các ngân hàng gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân tài.

Chúng tôi cũng đã thấy những điểm tương đồng trong nền kinh tế Việt Nam thời gian gần đây”, ông Vinh nhận định.

Gen Al đang dần trở thành chủ đề chính của ngành ngân hàng.

Cũng theo ông Vinh, kết quả khảo sát cũng như làm việc với lãnh đạo nhiều định chế ngân hàng, bảo hiểm toàn cầu của KPMG cho thấy, công nghệ đang dần trở thành chủ đề chính của ngành.

Một trong những công nghệ được nhắc đến nhiều nhất là Gen Al với những lợi ích mang lại như tạo hiệu quả và nâng cao chất lượng dữ liệu, giảm thiểu sai sót và thời gian xử lý. Cùng với đó là tăng cường khả năng ra quyết định, hỗ trợ phát hiện gian lận, kích hoạt lập kế hoạch kịch bản.

Gen AI được các CEO coi là khoản đầu tư quan trọng nhất cho tổ chức của họ. Những lợi ích hàng đầu của việc triển khai Gen AI cho cả hai ngành đều nổi bật với “tăng lợi nhuận” và “phát hiện gian lận và phản ứng tấn công mạng”.

Đối với ngành ngân hàng, 74% CEO được khảo sát kỳ vọng Gen Al sẽ mang lại lợi nhuận trong vòng 5 năm tới. Trong đó, 23% kỳ vọng đạt được lợi nhuận trong vòng 3 năm.

Yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) cũng ngày càng được quan tâm, trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới nỗ lực thực thi ESG. Một trong những quy định nổi bật là cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) và có tác động đáng kể đến các nước xuất khẩu cũng như một số ngành.

Tại Việt Nam, ngân hàng là ngành giữ vai trò tiên phong trong việc thực thi ESG. Ngành ngân hàng đã chủ động triển khai ESG, tập trung vào hoạch định lộ trình, xây dựng báo cáo phát triển bền vững. Từng bước tích hợp vào hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động quan trọng của ngân hàng.

Tuy nhiên, việc triển khai ESG không phải là một cái đích, mà đó là một hành trình. Trên con đường đó, cần thời gian để "tinh thần" của ESG dần lan tỏa vào tất cả các khía cạnh của hoạt động tài chính - ngân hàng như quản lý bên thứ ba, yêu cầu đối với khách hàng trong hoạt động gửi tiền, cấp tín dụng, lượng hóa rủi ro.

Trong tương lai, tương tự như các đầu tư về datawarehouse (kho dữ liệu), xây dựng datamart (cơ sở dữ liệu), các tổ chức tài chính ở Việt Nam sẽ dần xây dựng chỉ số hiệu suất ESG mà nền tảng cần có là ESG datamart.

Hiện tại, có nhiều quy định khác nhau liên quan đến việc sử dụng AI ở EU. Một số sáng kiến bao gồm các nguyên tắc quản trị AI của Cơ quan Lương hưu và Bảo hiểm nghề nghiệp châu Âu và Đạo luật AI của Ủy ban châu Âu. Tuy nhiên, một số ấn phẩm này vẫn còn ở dạng dự thảo, tài liệu thảo luận chứ chưa phải là luật áp dụng.

“Cột mốc lớn diễn ra vào cuối năm 2023 khi các nước thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về bộ quy tắc quản lý AI và sẽ được công bố chính thức trong năm 2024. Đây sẽ là khuôn khổ pháp lý đầu tiên liên quan đến AI tại EU và là nền tảng cho quy định hoàn chỉnh về quản lý AI”, ông Vinh cho biết.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm