Làm giàu nhờ chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
Hiện nay, chuyển đổi cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội phát triển kinh tế gia đình, tạo dựng nên cơ nghiệp được nông dân Tiền Giang tích cực hưởng ứng. Nhiều người đã có những cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả, tạo dựng cuộc sống ổn định.
1 triệu lượt đổi ảnh đại diện trên Zalo mang thông điệp chống dịch COVID-19 chỉ trong 1 ngày / 5 người Việt lọt top 100 nhà khoa học xuất sắc nhất châu Á
Chọn cây mít Thái đưa vào cơ cấu trồng trọt thay cho cây lúa năng suất cao, hình thành vườn trồng cây ăn quả chuyên canh trên địa bàn ngập lũ trước đây đã giúp nông dân Nguyễn Văn Nhã, ấp 5, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy vượt khó, thoát nghèo và làm giàu bền vững. Mô hình của ông đang được nông dân địa phương học hỏi, áp dụng và mang lại thành công, giảm nhẹ nguy cơ thiên tai do khô hạn và xâm nhập mặn gay gắt “đến hẹn lại lên” hàng năm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.
Chăm sóc vườn mít Thái ở ấp 5, xã Mỹ Thành Nam.
Ông Nhã cho biết, gia đình ông có 2,2 ha đất trồng lúa hiện đã chuyển đổi toàn bộ sang lập vườn trồng mít chuyên canh, giống mít Thái siêu sớm đang được thị trường ưa chuộng, giá trị kinh tế cao. Trong số 2,2 ha chuyên canh, 1,5 ha đang cho thu hoạch ổn định, còn lại 0,7 ha (7 công đất) mới trồng được 8 tháng tuổi, dự kiến vài năm nữa mới có thể khai thác. Theo ông Nhã, ưu điểm của mít Thái siêu sớm là mau cho trái, dễ trồng, năng suất cao và đầu ra nông sản rất thuận lợi. Trong hai năm trở lại đây, mít Thái luôn có giá cao, khi xuống thấp nhất cũng 15.000 đồng/kg và lúc nghịch vụ, hút hàng, giá có thể lên đến 40.000 đồng - 45.000 đồng/kg, nông dân có lãi. Lợi nhuận từ vườn chuyên canh mít Thái do vậy hơn hẳn nhiều loại cây ăn quả khác.
Về kỹ thuật trồng, trung bình mỗi công đất (1.000 m2) trồng được 100 gốc mít Thái. Vốn đầu tư ban đầu khoảng hơn 10 triệu đồng/1.000 m2 cho các khoản chi phí cần thiết như: mua con giống, công, lắp đặt hệ thống tưới phun tự động tiết kiệm nước,…Vốn đầu tư ban đầu khoảng 100 triệu đồng/ha. Cây mít sau khoảng 2,5 năm tuổi đã có thể cho thu hoạch. Những năm sau, cây càng lớn, năng suất càng cao. Mít 5 năm tuổi, trung bình đạt năng suất 30 tấn quả trở lên.
Để vườn mít sung mãn, cho trái tốt, chất lượng ngon, bán có giá cao, nông dân cần áp dụng đồng bộ những giải pháp kỹ thuật cơ bản. Kinh nghiệm thâm canh vườn quả mà ông Nguyễn Văn Nhã đúc kết được là chú trọng bón nhiều phân hữu cơ cho cây mít, không dùng phân bón gốc vô cơ, thường xuyên tỉa cành, tạo tán, theo dõi sinh trưởng cây trồng để phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Ngoài ra, nông dân cần tỉa thưa trái, bỏ bớt những quả bị đèo đẹt hoặc nhiễm sâu bệnh, chỉ chừa lại những quả to, hình dáng đầy đặn dễ bán, thị trường ưa chuộng.
Ông Nhã hạch toán cho thấy, với khu vườn mít chuyên canh 1,5 ha đang cho trái, trung bình một tuần lễ (7 ngày) thu hoạch 1 đợt trái, bán thu khoảng 10 triệu đồng. Mỗi tháng, nguồn thu từ vườn mít đạt 40 triệu đồng và mỗi năm thu gần 500 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 300 triệu đồng. So với cây lúa trước đây, nguồn lợi từ cây mít cao gấp nhiều lần. Nhờ vườn mít chuyên canh, sau một thời gian ngắn, gia đình ông Nguyễn Văn Nhã đã dựng nên cơ nghiệp bền vững, có của ăn của để.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam Trần Văn Hát cho biết, ông Nguyễn Văn Nhã được bình chọn nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương liên tiếp nhiều năm liền. Không chỉ giỏi làm ăn, nhạy bén phát huy những tiềm năng đất đai, lao động, biến thách thức thành cơ hội tạo dựng cơ nghiệp, ông Nguyễn Văn Nhã còn đi đầu trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới tại địa phương thông qua việc ủng hộ tiền của phát triển giao thông nông thôn theo chuẩn quốc gia. Vừa qua, ông đã đóng góp và vận động thêm các hộ dân trong xóm ủng hộ để có kinh phí nâng cấp tuyến đường nông thôn trong xóm, tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương và tiêu thụ nông sản hàng hóa tại địa phương. Qua đó, giúp diện mạo vùng nông thôn sâu Mỹ Thành Nam đổi thay sâu sắc.
Để nhân rộng những mô hình chuyển đổi sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu làm giàu cho vùng thuần nông, Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam đã thành lập Chi hội trồng mít Thái, quy tụ những nông dân giàu kinh nghiệm trên lĩnh vực chuyển đổi cây trồng, tạo lập vườn chuyên canh, phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm một cách rộng rãi giúp hội viên nông dân cùng áp dụng thành công vào thực tế sản xuất trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt.
Hội viên chi hội trồng mít Thái của Hội Nông dân xã Mỹ Thành Nam đã tín nhiệm bầu ông Nguyễn Văn Nhã làm Chi hội trưởng. Thông qua sinh hoạt của chi hội, những kinh nghiệm, kỹ thuật trồng mít Thái thành công của ông Nguyễn Văn Nhã đang được nhân rộng trong hội viên nông dân xã Mỹ Thành Nam. Diện tích mít Thái tại đây đã tăng nhanh và hiện lên đến gần 500 ha, trong đó ấp 5 là một trong những ấp có diện tích chuyên canh mít Thái tập trung lớn nhất ở Mỹ Thành Nam.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo