Mary Anning: Nhà cổ sinh vật học nữ đầu tiên
Mary Anning là một nữ thợ săn hóa thạch người Anh. Với những khám phá đáng chú ý giúp mở rộng kiến thức của con người về cuộc sống thời cổ đại, cô được mệnh danh là nhà cổ sinh vật học nữ đầu tiên.
Các nhà nghiên cứu công bố loại pin lithium-ion dẻo "bất tử", hứa hẹn sẽ ra mắt trong vòng 2 năm tới / Bí ẩn cái chết của các nhà nghiên cứu UFO
Mary Anning sinh ra tại thị trấn nghỉ mát ven biển Lyme Regis (Anh) vào năm 1799. Khoảng 200 triệu năm trước [trong kỷ Jura], thị trấn Lyme Regis nằm dưới một vùng biển ấm áp với đầy ắp sự sống thời tiền sử, theo tạp chí Hakai. Cuối cùng, nước biển rút xuống để lộ ra những tảng đá trầm tích mềm, và hài cốt của động vật bị chôn vùi dưới đáy biển dần biến thành đá. Theo thời gian, một phần của đáy biển bị bào mòn tạo thành các vách đá. Mỗi đợt sóng hay cơn bão dữ dội tiếp tục làm xói mòn những vách đá, để lộ ra vô số hóa thạch.
Mary Anning và bộ xương hoàn chỉnh của thằn lằn đầu rắn do cô phát hiện. Ảnh: Katherine.
Đến nay, chúng ta không biết chắc rằng cha mẹ của Anning bao gồm Richard và Molly có biết đến điều này khi họ chuyển đến sống ở thị trấn Lyme Regis hay không. Shelley Emling – người viết tiểu sử về Anning với tác phẩm nổi tiếng “Thợ săn hóa thạch: Khủng long, Sự tiến hóa và người phụ nữ có những khám phá đã thay đổi thế giới” (St. Martin’s Press, 2009) – cho biết người cha Richard đã lựa chọn Lyme Regis vì nó có tiềm năng thu hút những khách du lịch giàu có muốn tận hưởng không khí biển. Ông thường xuyên bán các hóa thạch nhỏ cho những khách du lịch muốn làm quà lưu niệm cho kỳ nghỉ của họ. Khi Anning lên 6 tuổi, cô đã thường xuyên có mặt bên cạnh cha mình, giúp ông tìm kiếm, khai quật và làm sạch các hóa thạch.
Bi kịch xảy ra khi Richard qua đời vào ngày 5/11/1810. Emling viết rằng cái chết của ông là do hậu quả của bệnh lao và cú ngã trên vách đá nguy hiểm ở Lyme Regis. Cuộc sống gia đình Anning ngày càng trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, Annings nằm trong số những người bất đồng chính kiến, hoặc những người theo giáo phái tách khỏi Nhà thờ Anh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thành tựu nghiên cứu của cô sau này bị xem thường và không được công nhận.
Theo Emling, không rõ điều gì đã thúc đẩy Anning quay trở lại các bãi biển sau khi cha cô qua đời. Có lẽ cô ấy yêu thích những hóa thạch, hoặc cô ấy muốn tiếp tục công việc kinh doanh của gia đình như trước đây. Không lâu sau, cô đã phát hiện một con cúc đá (ammonite) lớn. Một khách du lịch đã mua nó từ cô ấy với giá cao.
Khi Anning nhận ra mình có thể kiếm tiền cho gia đình thông qua việc săn tìm hóa thạch, cô đã đi biển thường xuyên hơn.
Năm 1811, Anning phát hiện một hóa thạch khiến các nhà khoa học đương thời vô cùng bất ngờ. Hóa thạch dài 5,2m, có 60 đốt sống và Anning đã phải mất nhiều tháng để khai quật với sự giúp đỡ của anh trai. Vào thời điểm đó, trong thị trấn Lyme Regis lan truyền tin đồn rằng cô đã tìm thấy một con quái vật. Một phần cơ thể của nó trông giống một con cá, nhưng phần khác lại tương tự một con cá sấu. Sinh vật như thế này chưa từng được biết đến trước đây. Cuối cùng, giới khoa học đặt tên cho nó là ichthyosaur, hay thằn lằn cá. Mẫu vật của Anning là bộ xương hoàn chỉnh đầu tiên của loài động vật này.
“Tôi không nghĩ rằng đó là một con cá khi so sánh với các loài cá khác. Cấu tạo cơ thể của nó rất khác biệt so với cấu trúc thông thường”, Everard Home, bác sĩ phẫu thuật người Anh, đã viết về hóa thạch thằn lằn cá khi mô tả nó trên tạp chí The Royal Society vào năm 1814.
Khám phá của Anning khiến nhiều nhà khoa học sống cùng thời với cô vô cùng bối rối, bởi vì họ tin vào thuyết sáng thế, phủ nhận quá trình tiến hóa hoặc tuyệt chủng. Chúng ta cần lưu ý rằng lý thuyết tiến hóa của Charles Darwin trong cuốn sách “Về nguồn gốc các loài” chỉ được xuất bản sau đó 48 năm nữa.
Anning bán hóa thạch thằn lằn cá cho một nhà sưu tập giàu có với giá 23 bảng Anh. Vào thời điểm này, số tiền trên đủ để nuôi sống cả gia đình cô trong sáu tháng. Không lâu sau, nhà sưu tập đã tặng mẫu vật cho một bảo tàng tư nhân. Sau đó, hóa thạch được trưng bày tại Bảo tàng Anh và cuối cùng là Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở London, nơi ngày nay hóa thạch chỉ còn lại một hộp sọ.
Anning tiếp tục săn tìm hóa thạch trong suốt những năm tiếp theo. Trong khoảng thời gian từ năm 1815 đến năm 1819, cô đã tìm thấy thêm một số bộ xương thằn lằn cá hoàn chỉnh hơn. Chúng được đưa đến bảo tàng địa phương hoặc trở thành mẫu vật cho các bài giảng trong trường đại học. Một số nam giảng viên khi trình bày lý thuyết của họ về giải phẫu hoặc nguồn gốc của thằn lằn cá trong các buổi diễn thuyết thường không đề cập đến người phụ nữ đã tìm thấy, khai quật và làm sạch các hóa thạch. Điều này khiến họ trở nên nổi tiếng, cũng như phớt lờ công lao của Anning.
Phát hiện quan trọng tiếp theo của Anning thậm chí còn tạo ra nhiều đề tài tranh luận hơn so với lần khám phá đầu tiên của cô. Năm 1823, cô phát hiện bộ xương hoàn chỉnh của thằn lằn đầu rắn (plesiosaurus), một loài bò sát biển bốn chi đã tuyệt chủng. Năm 1828, cô tìm thấy hóa thạch thằn lằn bay (pterosaur) đầu tiên. Đây là loài bò sát có cánh sống trong thời đại của khủng long.
Trong suốt sự nghiệp, Anning tiếp tục khám phá nhiều loài cá đã tuyệt chủng cũng như một số sinh vật biển khác. Cô và nhà nghiên cứu người Anh William Buckland là những người tiên phong trong việc nghiên cứu phân hóa thạch (coprolite). Những khám phá đáng chú ý của cô đã mở đường cho ngành cổ sinh vật học hiện đại.
Harriet Silvester, một phụ nữ giàu có sống ở London (Anh), đã viết trong nhật ký của mình sau khi đến thăm Anning vào năm 1824: “Mặc dù Anning không học qua trường lớp chính quy nhưng cô có kiến thức rất vững chắc về các hóa thạch. Cô có khả năng trao đổi, thảo luận với các giáo sư và những người đàn ông thông minh khác, và họ đều thừa nhận rằng cô am hiểu về chủ đề này nhiều hơn bất kỳ ai”.
Kiến thức sâu rộng của Anning đến từ thói quen ham đọc sách. Cô thường mượn các tài liệu khoa học của thư viện và cẩn thận sao chép chúng bằng tay để tự mình giữ các bản sao. Cô cũng thường sao chép các bản vẽ gốc. Nhà động vật học Christopher McGowan từng viết trên một bài báo: “Tôi rất khó phân biệt bản gốc với bản sao của Anning”.
Anning qua đời vì bệnh ung thư vú vào năm 1847, lúc đó cô 47 tuổi. Tạp chí của Hiệp hội Địa chất London đã đăng tin bản cáo phó của cô. Đây là lần đầu tiên họ vinh danh một người không phải là thành viên của hiệp hội. Nhưng từ đó cho đến nay, danh tiếng của Anning gần như đã bị lãng quên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn 2024: Bước tiến tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Estonia tìm kiếm cơ hội hợp tác chuyển đổi số với Việt Nam
Tạp chí khoa học cần được chú trọng
Phát huy ngành công nghiệp phụ trợ để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn
Hà Nội ban hành kế hoạch thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID
Cột tin quảng cáo