Nâng cao chất lượng sản phẩm thiên nhiên: Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật
DNVN - Quản lý chất lượng sản phẩm, trong đó có sản phẩm thiên nhiên, là trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh. Khi sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm, doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để bảo đảm hàng hóa được lưu thông trên thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Liên kết doanh nghiệp, thúc đẩy mũi nhọn nghiên cứu khoa học / Sắp diễn ra sự kiện trình diễn công nghệ trên xe hơi do kỹ sư người Việt phát triển
Sản phẩm thiên nhiên phát triển mạnh
Hiện nay, việc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên, đặc biệt là các sản phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe của con người đang trở thảnh xu hướng toàn cầu. Theo thống kê có khoảng 30 nghìn sản phẩm chăm sóc sức khỏe, được sản xuất từ thiên nhiên, đang có mặt trên thị trường.
Tại Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp từ thiên nhiên trong những năm qua đã đáp ứng phần nào nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, thực trạng các sản phẩm từ thiên nhiên kém chất lượng vẫn được lưu hành trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, người tiêu dùng. Việc kiểm nghiệm và xác nhận sản phẩm thiên nhiên vẫn còn nhiều bất cập.
Sự phát triển nhanh chóng số lượng các sản phẩm thiên nhiên là cơ hội, nhưng cũng tạo nên áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách. Đồng thời là thách thức cho các tổ chức khoa học, trong việc xây dựng các công cụ tiêu chuẩn, quy chuẩn để kiểm nghiệm và đánh giá chất lượng các sản phẩm từ thiên nhiên. Đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc tạo nên các sản phẩm với sự khác biệt nổi trội, cho tính cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
PGS. TS Trần Thị Oanh - Chủ tịch hội đồng Viện IRDOP phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng sản phẩm từ thiên nhiên” do Viện Nghiên cứu và phát triển sản phẩm thiên nhiên (IRDOP) tổ chức sáng 13/7 tại Hà Nội, PGS. TS Trần Thị Oanh - Chủ tịch hội đồng Viện IRDOP cho biết, trong hoạt động đánh giá chất lượng sản phẩm, thử nghiệm, kiểm nghiệm là một công cụ vô cùng hữu hiệu bởi tính độc lập, khách quan, chính xác thông qua phương tiện khoa học với quy trình thao tác chuẩn trên hệ thống thiết bị tiên tiến.
"Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần xây dựng hệ thống chính sách quản lý có tính chất phù hợp với thực tế của đất nước, góp phần cùng với các doanh nghiệp, xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường", GS. TS Trần Thị Oanh chia sẻ.
Đề cập về tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho sản phẩm thiên nhiên, TS Nguyễn Hữu Nghị - Phó Viện trưởng IDROP cho rằng, việc bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đầu ra cho các sản phẩm thiên nhiên, các hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng trong suốt quá trình sản xuất nguyên liệu đến công nghệ sản xuất sản phẩm tại nhà máy đóng vai trò quan trọng.
Hệ thống quản lý chất lượng GACP- WHO đang được áp dụng rộng rãi tại các nhà máy. Hệ thống quản lý chất lượng GMP, GSP, GDP được quy định áp dụng với toàn bộ các cơ sở sản xuất sản phẩm dược phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Việc kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng sản phẩm phải được thực hiện tại các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn GLP, ISO17025:2017. Trong quá trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho các sản phẩm từ thiên nhiên, khoa học công nghệ trong chiết xuất, phân lập, xác định hàm lượng và đánh giá hoạt tính và độc học giữ vai trò then chốt.
Doanh nghiệp phải quản lý chất lượng sản phẩm
Nhấn mạnh vai trò quản lý chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam cho biết: Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh nhằm bảo đảm an toàn cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; nâng cao sản xuất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam.
Doanh nghiệp cần phải quản lý chất lượng sản phẩm vì chất lượng sản phẩm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, quyết định sự trung thành của khách hàng. Khách hàng sẽ quay trở lại mua và sử dụng nếu sản phẩm hoặc dịch vụ tốt. Việc quản lý chất lượng sản phẩm giúp DN loại bỏ các rủi ro ngay từ đầu, tạo ra các sản phẩm tốt, khắc phục được các tình trạng sửa chữa hoặc loại bỏ được sản phẩm hỏng.
Theo TS. Ngô Thị Ngọc Hà – Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh.
Quản lý chất lượng giúp doanh nghiệp cung cấp những sản phẩm hoặc dịch vụ đạt chất lượng tốt nhất đến khách hàng. Việc áp dụng các phương thức quản lý chất lượng sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được nguồn lực, tiết kiệm được một số chi phí và cung cấp sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất. Từ đó giúp doanh nghiệp có được vị trí vững chắc trên thị trường.
Về phía người tiêu dùng, việc công bố và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật giúp người tiêu dùng có cơ sở lựa chọn sản phẩm phù hợp nhu cầu và yên tâm sử dụng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất, kinh doanh trong điều kiện đảm bảo chất lượng...
Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam khuyến nghị, doanh nghiệp khi sản xuất, sáng tạo ra sản phẩm, hàng hóa cần chủ động nắm bắt thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; kết nối với cơ quản lý Nhà nước khi cần thiết để bảo đảm hàng hóa được lưu thông trên thị trường.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo