Khoa học - Công nghệ

Nhiều "đại bàng" công nghệ mang dự án "tỷ đô" tới Việt Nam

DNVN - Với những chính sách ưu đãi thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hấp dẫn, Việt Nam ngày càng khẳng định là điểm đến tiềm năng, liên tục thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ cao tầm cỡ thế giới với tổng vốn đầu tư cao nhất lên tới hàng tỷ USD.

Thành lập Ủy ban Phát triển Công nghiệp chip bán dẫn Việt Nam / Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh

Nhiều "đại bàng" công nghệ "làm tổ"

Thời gian qua, với "chất xúc tác" là mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, các nước châu Âu… ngày càng bền chặt, liên tục được nâng tầm, thực tế đã thu hút mạnh mẽ dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ cao.

Việt Nam đang liên tục đón dòng vốn đầu tư mới trong lĩnh vực công nghệ cao từ các tập đoàn lớn trên thế giới như Intel, Samsung, Foxconn, Apple...

Theo Bộ Công Thương, trong năm 2023 Apple đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định chip tại TP Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Tính đến nay, Foxconn cũng đã đầu tư 3,2 tỷ USD vào Việt Nam.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC tại Hòa Lạc, Hà Nội.

Hiện nay còn đang có nhiều tập đoàn công nghệ đến Việt Nam tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghệ. Tháng 6/2023, trong phái đoàn hơn 200 công ty tháp tùng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Việt Nam có chủ tịch các tập đoàn lớn như Samsung Electronics, SK, Hyundai Motor, LG, Lotte, Hanwha, Hanjin, Hyosung…

Lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn trong chuỗi cung ứng về công nghiệp bán dẫn như Amkor Technology, Synopsys, Marvell… đều bày tỏ sẽ hợp tác đổi mới công nghệ sáng tạo, đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Cuối năm 2023, tập đoàn sản xuất chip toàn cầu NVIDIA cho biết sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

Để nắm bắt cơ hội trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, Việt Nam đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp chính sách hiệu quả hơn để thu hút mạng mẽ đầu tư, chuẩn bị nhân lực để đón "đại bàng" đa quốc gia đến "làm tổ". Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn đến năm 2023. Thủ tướng cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực bán dẫn đến năm 2030, với mục tiêu 50.000 nhân lực bán dẫn trong thời gian tới.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), tại Hòa Lạc, Hà Nội được đưa vào vận hành trong năm 2023 là nơi tổ chức các hoạt động nhằm góp phần thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. NIC cũng ký hợp tác với 2 tập đoàn lớn nhất của Mỹ về thiết kế chip là Sypnosyps và Cadence để hợp tác thành lập các trung tâm nghiên cứu.

Gần đây, Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết, giao cho Chính phủ xây dựng Nghị định, thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư cho ngành công nghệ cao, trong đó công nghiệp bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đã phối hợp với 30 trường đại học lớn trong nước để triển khai chương trình này; ký hợp tác với Đại học Arizona - nơi đào tạo lớn nhất của Mỹ về ngành bán dẫn...

Hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư

Cùng với cơ chế chính sách của Nhà nước, nhằm thu hút đầu tư nước ngoài hơn nữa, nhiều địa phương đang tập trung cải cách thủ tục hành chính và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử.

Tại Hà Nội, thời gian qua thành phố đã có chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư nước ngoài cũng như cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, tăng cường liên kết, hợp tác để phát triển.

Samsung là một trong những đại bàng công nghệ đang đầu tư thành công tại Việt Nam.

TP Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI trong giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng FDI vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời rà soát, kiến nghị Trung ương các cơ chế, quy định còn vướng mắc, cần tháo gỡ nhằm thực thi các quy định pháp luật phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tuy đạt được những kết quả to lớn trong suốt thời gian qua, tuy nhiên chính sách ưu đãi đầu tư tại Việt Nam được đánh giá là chưa đa dạng, chỉ tập trung vào các hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập mà hầu như chưa có các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí, chưa thực sự khuyến khích các hoạt động đầu tư thực chất, có lợi ích lâu dài.

Việc phụ thuộc quá nhiều vào các ưu đãi thuế dựa trên thu nhập có thể phản tác dụng do công tác quản lý thuế còn nhiều hạn chế, điều này tạo ra các "kẽ hở" để các doanh nghiệp thực hiện các hành vi dịch chuyển lợi nhuận.

Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam chưa bắt kịp với các chính sách tiên tiến, thông lệ quốc tế. Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang triển khai các hình thức ưu đãi dựa trên chi phí để khắc phục các nhược điểm của hình thức ưu đãi dựa trên thu nhập. Ưu đãi dựa trên chi phí đã rất phổ biến và là các thông lệ hàng đầu trên thế giới trong nhiều năm qua ở các quốc gia phát triển như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... và cũng đang trở thành xu hướng trong phát triển chính sách ưu đãi tại các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan…

Chính sách ưu đãi cũng chưa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh chính sách Thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực vào năm 2024. Theo đó, các chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành sẽ không còn nhiều ý nghĩa, gián tiếp ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, đặc biệt là trong thu hút các t ập đoàn, nhà đầu tư chiến lược và các doanh nghiệp vệ tinh thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư này.

Ngoài ra, một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quy định trong Luật nhưng không có hướng dẫn cụ thể để triển khai nên chưa có tác dụng trong thực tế.

Các ưu đãi thuế được quy định tại nhiều luật thuế khác nhau, gây ra vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi, áp dụng ưu đãi và gia tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Sự phức tạp này có nguy cơ khiến cho việc thực thi các chính sách ưu đãi kém hiệu quả hơn và cản trở các nỗ lực cải cách chính sách.

Tại mục 5 Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã đồng ý chủ trương, giao Chính phủ trong năm 2024 rà soát tổng thể để hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách, pháp luật về khuyến khích đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng dự thảo "Báo cáo rà soát đánh giá tổng thể về chính sách khuyến khích đầu tư tại Việt Nam hiện nay và một số kiến nghị", hiện Bộ đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo này.

Nhóm phóng viên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo