Khoa học - Công nghệ

PC Đà Nẵng với bài toán cung ứng nguồn điện phát triển mạng lưới trạm sạc ô tô điện

DNVN - Việc UBND TP Đà Nẵng công bố loạt vị trí dự kiến lắp đặt hàng trăm trạm sạc ô tô điện đặt ra bài toán về cung ứng nguồn điện phục vụ phát triển mạng lưới này. Vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm là Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) sẽ tổ chức cấp điện như thế nào để đáp ứng phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện trên địa bàn TP?

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Đà Nẵng: Không cấp chứng nhận kiểm định cho ô tô lắp còi hơi, còi âm lượng lớn, đèn chiếu sáng xanh trái quy định

Hiện Đà Nẵng có số trạm sạc điện ô tô nhiều nhất trên cả nước

Như tin đã đưa, ngày 18/3, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC), Vinfast và Mitsubishi Motors Việt Nam tổ chức hội nghị chính thức công bố Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện và cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP Đà Nẵng.

EVNCPC tiên phong nghiên cứu phát triển một hệ thống trạm sạc xe điện cùng với 2 mẫu xe điện i-MIEV phục vụ đưa đón khách của EVNCPC tại Đà Nẵng

EVNCPC tiên phong nghiên cứu phát triển một hệ thống trạm sạc xe điện cùng với 2 mẫu xe điện i-MIEV phục vụ đưa đón khách của EVNCPC tại Đà Nẵng.

Tại hội nghị, Sở Công Thương Đà Nẵng cũng đã công bố 265 vị trí dự kiến lắp đặt trạm sạc ô tô điện giai đoạn 2020 – 2025 (gồm 250 trạm sạc cấp 1, 2; 15 trạm sạc cấp 3) với tổng công suất 3.400kW và 535 trạm sạc điện ô tô giai đoạn 2025 – 2030 (gồm 500 trạm sạc cấp 1, 2; 35 trạm sạc cấp 3) với tổng công suất 8.500kW.

Theo ông Thái Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương Đà Nẵng), với ưu điểm vượt trội về tiết kiệm nguyên liệu, góp phần bảo vệ môi trường, hạn chế tiếng ồn và an toàn cho người sử dụng nên nhu cầu sử dụng xe dùng điện đang ngày một tăng cao. Điều này cho thấy tiềm năng phát triển của các phương tiện dùng điện trong tương lai là rất lớn.

Đón đầu xu hướng này, EVNCPC đã tiên phong nghiên cứu phát triển một hệ thống trạm sạc xe điện cùng với 2 mẫu xe điện i-MIEV phục vụ đưa đón khách của EVNCPC tại Đà Nẵng. Năm 2017, EVNCPC đã đưa vào sử dụng trạm sạc điện nhanh tại trụ sở của Tổng Công ty này (78A Duy Tân, phường Hòa Thọ Đông, quận Hải Châu).

Trạm sạc điện ô tô của EVNCC tại Đà Nẵng cũng là trạm sạc điện nhanh đầu tiên được nghiên cứu và chế tạo tại Việt Nam. Tiếp đó, năm 2018, TP Đà Nẵng hợp tác với Công ty Mitsubishi Motors Việt Nam đầu tư 1 trạm sạc tại Trung tâm Hội chợ triển lãm (09 Cách Mạng Tháng Tám, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ).

Ngoài ra, trên địa bàn Đà Nẵng hiện có thêm 2 trạm sạc điện ô tô đã được triển khai tại Cửa hàng xăng dầu PVOil Lê Văn Hiến (đường Lê Văn Hiến, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) và tại Cửa hàng xăng dầu PVOil Hòa Xuân (đường Đô Đốc Lộc, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Như vậy hiện Đà Nẵng có số trạm sạc điện ô tô nhiều nhất trên cả nước (4 trạm), tiếp đó là Hà Nội (2 trạm), Quảng Nam (1 trạm) và TP.HCM (1 trạm).

Theo khảo sát của Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC), trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện có 4 xe ô tô chạy hoàn toàn bằng điện và 2 xe ô tô động cơ lai điện (có thể dùng xăng hoặc điện) đang được các doanh nghiệp vận hành. Dự báo từ nay đến năm 2025, số lượng xe điện tăng trưởng hàng năm là hơn 50 chiếc.

Theo Sở Công Thương Đà Nẵng, nhu cầu của người dân với loại phương tiện này đang ngày một tăng nên trong tương lai gần, số lượng xe tăng lên mỗi năm có thể nhiều hơn so với con số dự báo. Trong thời gian đến, khi các cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện tăng lên thì việc đầu tư phát triển hạ tầng trạm sạc theo đó cũng gia tăng.

Điều đó đặt ra bài toán về việc cung ứng nguồn điện phục vụ phát triển mạng lưới này. Sau khi Doanh nghiệp Việt Nam đăng tin “Đà Nẵng: Công bố loạt vị trí dự kiến lắp đặt hàng trăm trạm sạc ô tô điện”, vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm là Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) sẽ tổ chức cấp điện như thế nào để đáp ứng việc phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện trên địa bàn TP?

Xe ô tô điện của Công ty du lịch Công đoàn Đà Nẵng đang lưu hành trên đường phố

Xe ô tô điện của Công ty du lịch Công đoàn Đà Nẵng đang lưu hành trên đường phố.

PC Đà Nẵng xây dựng phương án cấp điện tối ưu cho mạng lưới trạm sạc ô tô điện

Theo đề án “Đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP Đà Nẵng” do CPCEMEC lập, lộ trình phát triển các trạm sạc cấp 1,2,3 trên địa bàn TP Đà Nẵng chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 đến năm 2025 và giai đoạn 2 từ năm 2025 đến năm 2030.

Với các trạm sạc cấp 1, 2 có mức công suất nhỏ từ 6,6-22 kW (trung bình 10kW), người dùng hoàn toàn có thể tự trang bị tại nhà để sử dụng. Đáng quan tâm là các trạm sạc cấp 3 có mức công suất cao, PC Đà Nẵng phải xây dựng phương án đảm bảo cấp điện tối ưu cho mạng lưới trạm sạc dựa trên tính khả thi và yêu cầu cụ thể theo từng giai đoạn.

Cụ thể, ở giai đoạn 2020-2025, công suất các trạm cấp 3 ở mức từ 30kW-100kW (trung bình 60kW/vị trí), các phương tiện dùng điện vẫn duy trì số lượng nhỏ, nhu cầu sử dụng trạm sạc chưa cao. Dự kiến có 15 trạm sạc cấp 3, đặt tại các vị trí trung tâm thành phố, gần các trục đường chính hoặc gần các khu dân cư, trung tâm thương mại, khu nghỉ dưỡng…

PC Đà Nẵng sẽ cấp điện cho các trạm này qua các trạm biến áp, lưới điện hạ áp hiện có tại khu vực xây dựng trạm sạc. Hiện nay đã có 02 trạm sạc điện thí điểm được xây dựng tại khu vực Cẩm Lệ và Ngũ Hành Sơn được cấp điện trực tiếp tại các vị trí đặt trạm.

Ở giai đoạn 2025-2030, công suất các trạm cấp 3 ở mức 100kW-350kW (trung bình 200kW/vị trí), số lượng xe điện gia tăng, nhu cầu sử dụng trạm sạc gia tăng. Dự kiến số lượng trạm sạc xây dựng mới là 35 trạm. Công suất và số lượng như thế đặt ra yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện đầu tư các trạm biến áp chuyên dùng để cấp điện cho trạm sạc.

PC Đà Nẵng cũng nghiên cứu, xây dựng các phương án để đảm bảo nhà đầu tư cân nhắc, tính toán, bố trí kinh phí và không gian để lắp đặt các trạm biến áp chuyên dùng này, cũng như lưu ý đến khoảng cách an toàn khi đặt trạm và bổ sung công suất max trạm sạc khi quy hoạch xây dựng.

“Các trạm sạc trong giai đoạn này dự báo sẽ phổ biến hơn trên địa bàn TP Đà Nẵng, tuy nhiên vẫn tập trung nhiều tại khu vực trung tâm như quận Hải Châu, các trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng tại hai quận Sơn Trà, Ngũ hành Sơn phục vụ phát triển du lịch của TP Đà Nẵng!” – Phó Giám đốc PC Đà Nẵng Nguyễn Đình Tuân nhận định.

Theo ông, các phương tiện dùng điện (xe điện nói chung và ô tô điện nói riêng) được đánh giá là tương lai của ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới cũng như sự phát triển của các phương tiện đi lại trên toàn thế giới. Việc góp phần cấp điện phát triển mạng lưới trạm sạc xe điện trên địa bàn TP cho thấy nỗ lực của PC Đà Nẵng trong việc đồng hành, góp phần xây dựng và phát triển đô thị thông minh, xanh sạch đẹp.

“PC Đà Nẵng hoàn toàn ủng hộ và thống nhất với Đề án của TP Đà Nẵng xuất phát những lợi ích lớn hướng đến cộng đồng. Để đảm bảo cấp điện tối ưu phục vụ phát triển mạng lưới trạm sạc điện, Công ty mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng và đơn vị liên quan” – Ông Nguyễn Đình Tuân nhấn mạnh.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm