Thị trường

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực

DNVN - Trên cơ sở ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 9/3/2021, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có văn bản số 1249/BKHĐT-KTĐPLT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

'Ngọn hải đăng' hay khách sạn trá hình ? / Sinh viên, học viên, lưu học sinh Đại học Đà Nẵng trở lại học tập trung từ ngày 1/3/2021

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực, trên cơ sở đề xuất của UBND TP Đà Nẵng tại Công văn 8000/UBND-STC (ngày 03/12/2020), Bộ KH-ĐT đã có văn bản số 459/BKHĐT-KTĐPLT (ngày 26/01/2021) lấy ý kiến của các Bộ Tài chính, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Khu đất đắc địa trên đường Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt dự kiến sẽ thực hiện dự án Trung tâm tài chính Đà Nẵng Gateways

Khu đất đắc địa trên đường Võ Nguyên Giáp - Võ Văn Kiệt dự kiến sẽ thực hiện dự án Trung tâm tài chính Đà Nẵng Gateways

Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 9/3/2021, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng đã có văn bản số 1249/BKHĐT-KTĐPLT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Trong văn bản này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, về chủ trương cho phép TP Đà Nẵng lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp có ý kiến nhất trí với kiến nghị và đề nghị Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP Đà Nẵng lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến không phản đối việc cho phép Đà Nẵng lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực mà chỉ lưu ý “việc phát triển TP Đà Nẵng thành trung tâm tài chính cần đảm bảo đưa ra các mục tiêu và giải pháp liên quan đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 986/QĐ-TTg ngày 8/8/2018”.

Về các kiến nghị cơ chế, chính sách liên quan đến chính sách thuế, chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng, xây dựng dự án khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại có khu vui chơi, giải trí casino và chung cư cao cấp…, Bộ KH-ĐT lưu ý khi xây dựng Đề án, cơ quan chủ quản Đề án phải thực hiện việc phân tích kỹ các nội dung liên quan. Đồng thời phải có đánh giá các tác động của những cơ chế chính sách trên trong Đề án; ngoài ra phải cập nhật thêm diễn biến và tác động của dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam đối với lộ trình thực hiện Đề án.

Tại văn bản 1249/BKHĐT-KTĐPLT (ngày 9/3/2021), Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo tại Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: “Xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính...".

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 43-NQ/TW và ý kiến thống nhất của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ KH-ĐT kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấp thuận chủ trương cho phép UBND TP Đà Nẵng lập Đề án xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực.

Tại văn bản 1249/BKHĐT-KTĐPLT (ngày 9/3/2021), Bộ KHĐT cũng kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến của các Bộ: Tài chính, Tư pháp và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và văn bản của Bộ KH-ĐT để lập Đề án cho phù hợp.

Đồng thời giao UBND TP Đà Nẵng nghiên cứu và thuê tư vấn (ưu tiên tư vấn quốc tế) để lập Đề án bao gồm các đề xuất về các cơ chế, chính sách xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực, trong đó cần nêu rõ cơ chế nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, các Bộ ngành và TP Đà Nẵng; giao UBND TP Đà Nẵng lựa chọn nhà tài trợ và đơn vị tư vấn để xây dựng Đề án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Trước đó, như Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa tin, ngày 18/9/2020, Liên doanh Công ty Sakae Holding và Công ty TNHH Đầu tư SSF (Liên doanh SK-SSF) đã có Văn bản số 18092020/SK-SSF gửi Thủ tướng Chính phủ xin được tài trợ Đề án nghiên cứu khả thi xây dựng Trung tâm tài chính Đà Nẵng (Dự án Đà Nẵng Gateways).

Theo đó, dự án Đà Nẵng Gateway tọa lạc tại một trong những vị trí đắc địa của TP Đà Nẵng, gồm khu đất 3,42ha (ký hiệu Lô A12, A13, A14, A15) trên đường Võ Văn Kiệt và khu đất 2,7ha phía Tây Bắc nút giao thông Võ Văn Kiệt – Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà). Theo quy hoạch, dự án Đà Nẵng Gateway sẽ là khu phức hợp trung tâm thương mại, tài chính, casino, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp quốc tế, chung cư cao tầng… với số vốn đầu tư dự kiến hơn 2 tỷ USD.

Ngày 31/12/2020, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng có văn bản 8919/BKHĐT-KTĐPLT báo cáo Thủ tướng Chính phủ “đề xuất xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực là có cơ sở”. Trong đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh đến 4 cơ sở, nhất là lợi thế riêng có và đặc biệt để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm