Khoa học - Công nghệ

Phát hiện lỗ đen gần Trái Đất nhất, gấp 3 lần Mặt Trời

Tuy to lớn và nặng hơn Mặt Trời nhiều nhưng nó vẫn là một "người tí hon" trong thế giới lỗ đen, được giới thiên văn đặt tên là "Kỳ Lân".

Ngân Hà của chúng ta chứa bao nhiêu lỗ đen? / Sống sót dù bị lỗ đen nuốt, "quái vật" sinh ra 100 "Mặt Trời" mỗi năm

Tên "Kỳ Lân" của lỗ đen xuất phát từ tên chòm sao mà nó đang cư ngụ: Monoceros, tức "Kỳ Lân" trong tiếng La Tinh. Theo tiến sĩ Tharindu Jayasinghe từ Đại học Bang Ohio, trưởng nhóm nghiên cứu dùng hình ảnh kỳ lân huyền thoại để so sánh với vật thể này là rất hợp lý bởi nó quá độc đáo và kỳ lạ.

Phát hiện lỗ đen gần Trái Đất nhất, gấp 3 lần Mặt Trời - Ảnh 1.

Ảnh đồ hoa mô tả lỗ đen Kỳ Lân và ngôi sao khổng lồ đỏ bị nó biến thành hình quả trứng - Ảnh: Lauren Fanfer/Space

Theo tờ Space, với khoảng cách 1.500 năm ánh sáng, nó là lỗ đen gần Trái Đất nhất từng được biết đến. Nó có bạn đồng hành là một ngôi sao khổng lồ đỏ đã đi gần đến cuối đời. Sao khổng lồ đỏ chính là những ngôi sao giống Mặt Trời của chúng ta, bị phình to ra khi đến giai đoạn cạn kiệt năng lượng. Sau giai đoạn "khổng lồ đỏ", nó sẽ bị sụp đổ thành một sao lùn trắng bé nhỏ.

Bạn đồng hành của lỗ đen đã được ghi nhận nhiều năm qua thông qua "thợ săn ngoại hành tinh" – kính viễn vọng không gian TESS của NASA; cũng như 2 đài quan sát thuộc hệ thống All Sky Automated Survey (ASAS), đặt tại Chile và Hawaii.

Các nhà thiên văn đã tìm thấy lỗ đen thông qua tương tác hấp dẫn của nó lên ngôi sao này. "Cũng giống như lực hấp dẫn của mặt trăng làm biến dạng các đại dương trên Trái đất, khiến các vùng biển phình ra về phía và ra khỏi mặt trăng, tạo ra thủy triều cao, thì lỗ đen cũng làm biến dạng ngôi sao thành hình dạng giống như quả bóng bầu dục với một trục dài hơn trục kia" – đồng tác giả Todd Thompson, chủ nhiệm Bộ phận thiên văn của Bang Ohio, giải thích.

Lỗ đen thường rất lớn, nên vật thể có khối lượng chỉ 3 lần Mặt Trời này được xem là tí hon. Để so sánh, lỗ đen "quái vật" nằm ở trung tâm thiên hà Milky Way có khối lượng khoảng 4,3 triệu Mặt Trời.

Rất ít lỗ đen siêu nhẹ như vậy được biết đến, bởi vì chúng cực kỳ khó tìm. Không thể trực tiếp nhìn thấy lỗ đen bởi chúng nuốt chửng mọi thứ, kể cả ánh sáng. Chỉ có thể "nhìn" chúng thông qua việc chúng tác động lên ngoại vật, nhưng lỗ đen càng nhỏ thì tác động càng khó thấy.

 

Nghiên cứu vừa công bố trực tuyến và đã được phê duyệt để xuất bản trên Monthly Notices of the Royal Astronomical Society.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm