Khoa học - Công nghệ

Quản trị số: Giải pháp tự động hóa toàn diện cho doanh nghiệp sản xuất

DNVN - Tại hội thảo "Quản trị số tự động hóa toàn diện cho doanh nghiệp sản xuất" sáng 26/10 tại Hà Nội, các diễn giả có kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyển đổi số, quản trị số đã chia sẻ về thực trạng, thách thức trong hoạt động quản trị số, từ đó đưa ra giải pháp toàn diện cho doanh nghiệp.

Giải pháp quản lý chất lượng không khí tối ưu cho công trình xây dựng "xanh" / 20 triệu USD đầu tư Trung tâm Nghiên cứu và lưu trữ mô - tế bào gốc tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng

Doanh nghiệp "đau đầu" bài toán quản trị
Chuyển đổi số là 1 trong những chủ đề được bàn luận nhiều trong thời gian qua do tính tất yếu của chúng cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Trong sản xuất, công nghệ số đóng vai trò ngày càng tăng như tự động hóa quy trình sản xuất, điều phối sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn, giảm giá thành và cập nhật thông tin liên tục, hỗ trợ ra quyết định thông minh cho công tác vận hành, quản trị...

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia, và DN tham gia trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến trên nền tảng zoom.
Tại hội thảo "Quản trị số tự động hóa toàn diện cho doanh nghiệp sản xuất" do Hội Tự động hóa Việt Nam phối hợp với Ban Công nghệ và Quản trị số thuộc Hội các nhà quản trị DN Việt Nam (VACD) cùng Tập đoàn DKNEC, Công ty Công nghệ CyberLotus tổ chức sáng nay, ông Lê Minh Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CyberLotus, đơn vị SI cung cấp giải pháp OnERP cho biết: Một hệ thống quản trị nguồn lực DN (ERP) đầy đủ sẽ bao gồm 6 phân hệ, gồm kế toán tài chính, lập kế hoạch và quản lý sản xuất, quản lý mua hàng, quản lý bán hàng và phân phối, quản lý dự án và quản lý nhân sự. Song tùy đặc thù của mỗi ngành sản xuất mà DN có quy trình sản xuất khác nhau.
Trên thực tế, các doanh nghiệp (DN) "đau đầu" với 4 bài toán trong quản trị sản xuất hiện nay. Đó là các hệ thống quản lý bị tách rời, theo dõi và báo cáo sản xuất chậm trễ, lập lịch sản xuất kém hiệu quả, kế hoạch nhu cầu nguyên vật liệu không sát thực tế.
Trong khi đó, với giải pháp của CyberLotus, những hạn chế này sẽ được giải quyết. Tất cả các nghiệp vụ quản lý sản xuất kinh doanh trong một hệ thống ERP tổng thể sẽ tiết kiệm thời gian, đơn giản hóa và nâng cao hiệu suất.

Ông Lê Minh Hưng - Tổng Giám đốc Công ty CyberLotus, đơn vị SI cung cấp giải pháp OnERP.
Cụ thể, ERP MPS đưa ra kế hoạch sản xuất chính xác và kịp thời bởi dữ liệu cung và cầu thực tế, phân bổ nguồn lực hiệu quả, giảm thiểu chi phí; đạt được mục tiêu, tiến độ sản xuất và giao hàng; hạn chế sự thiếu hụt, rối loạn trong việc lập kế hoạch bất ngờ.
ERP MRP cũng giải quyết được bài toán kế hoạch nguyên vật liệu không sát yêu cầu thực tế bởi ứng dụng này giúp lập và kiểm soát kế hoạch để bảo đảm nguyên vật liệu sẵn có, duy trì mức vật liệu và sản phẩm thấp nhất có thể trong kho hàng, mô phỏng kịch cung ứng và giảm thời gian chu kỳ lập kế hoạch.
Trong khi đó, ERP BOM xây dựng và định mức vật tư. Theo đó, tổng hợp các thành phần và bộ phận của sản phẩm, quản lý và định lượng chính xác các nguồn lực, cung cấp để lựa chọn nhà cung cấp.
Ngoài ra, việc triển khai ERP tích hợp với MES giúp giảm 9,8% thời gian ngừng máy, tiết kiệm 12,6 giờ làm kế hoạch mỗi tuần, giảm 10,8% thời gian quy trình sản xuất và tăng 9,3% tổng năng suất.
ERP DN sản xuất không chỉ là quản trị sản xuất mà còn nhiều phân hệ khác, giúp chủ DN quản lý và kinh doanh hiệu quả. Theo đó, DN cần triển khai theo module (phân hệ), tích hợp thông báo SMS, Zalo, Email... Đồng thời tích hợp dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử như thuế điện tử, hóa đơn điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, ngân hàng điện tử.

Quản trị sản xuất toàn diện với DMEs
Nhấn mạnh đến hệ thống tự động hóa quản trị DN, GS. TS Đinh Văn Hiến - Chủ tịch Tập đoàn DKNEC cho biết, hệ thống tự động hóa quản trị DN toàn diện DME bao gồm hệ thống điều khiển phân tán (DCS), hệ thống điều hành sản xuất (MES) và hệ thống quản trị nguồn lực DN (ERP).

GS. TS Đinh Văn Hiến - Chủ tịch Tập đoàn DKNEC.
Về hiện trạng ERP trong DN, ông Đinh Văn Hiến đã lấy ví dụ tại Công ty CP Bia Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (SABECO). Trước đây, với ERP tại SABECO, đa số thực hiện thủ công, một số đơn vị có sử dụng phần mềm nhưng còn mang tính riêng lẻ, tự phát. Mức độ tự động hóa ở các nhà máy không đồng đều, sử dụng nhiều hệ thống điều khiển khác nhau, không đồng nhất.
Ngoài nhà máy ở Củ Chi đã triển khai MES, cụ thể đã thiết lập hệ thống nhưng mới khai thác một phần, đa số hiện đang thực hiện thủ công. Một số đơn vị đã và đang triển khai một số phần mềm riêng lẻ.
Tuy nhiên, sau đó, SABECO đã áp dụng hệ thống tự động hóa quản trị DN toàn diện DME cho hàng chục nhà máy. Kết quả là DN đã quản trị tốt hơn các quy trình từ trên xuống dưới. Phần lớn các hệ thống được điều khiển theo thời gian thực cho nên tính chính xác cao. Với DMEs, DN đạt sản lượng nhiều hơn, năng suất tốt hơn, sản phẩm lỗi giảm đi và chất lượng sản phẩm tốt hơn.
4 yếu tố chính trong quản trị số doanh nghiệp
Trong khi đó, đề cập tới vấn đề kiến trúc số nền tảng quản trị DN thông minh, ông Bùi Quý Phong - Phó Ban Công nghệ và Quản trị số thuộc Hội các nhà Quản trị DN Việt Nam (VACD) cho rằng, dữ liệu và sự kết nối thông minh không chỉ định hình lại cạnh tranh mà còn thay đổi bản chất của các công ty sản xuất.

Ông Bùi Quý Phong - Phó Ban Công nghệ và Quản trị số thuộc Hội các nhà Quản trị DN Việt Nam (VACD).
Quản trị số hướng tới hệ thống kinh doanh thông minh, kết hợp giữa con người và máy móc, dự báo tự động và hỗ trợ ra quyết định theo thời gian. Quản trị số không chỉ là về công nghệ số. Quản trị số là quá trình quản trị chiến lược và chuyển đổi DN, không đơn thuần chỉ là áp dụng công nghệ số trong vận hành.
Khi công ty phát triển, bước vào thị trường mới và chuyển sang áp dụng công nghệ mới, cơ cấu chức năng và mô hình lãnh đạo phải thay đổi. Song, không có công nghệ mới nào có thể chuyển đổi một ngành trừ khi một mô hình kinh doanh có thể kết nối công nghệ ấy với nhu cầu thị trường đang phát triển.
Do đó, 4 yếu tố căn bản trong quản trị số DN cần lưu tâm là năng lực lãnh đạo, quy trình tổng thể, dữ liệu và công nghệ. Sự yếu kém ở bất cứ 1 trong 4 lĩnh vực liên quan đến nhau này có thể làm thất bại tiến trình chuyển đổi số trong DN.

Đại diện Ban tổ chức và diễn giả trao đổi với khách mời tại sự kiện.
"Trong đó, lãnh đạo là khoang lái, năng lực chuyển đổi là đôi cánh, quy trình là hệ thống truyền dẫn, dữ liệu là nhiên liệu, công nghệ là động cơ. Để DN cất cánh được, tất cả những yếu tố này phải cùng hoạt động tốt với nhau. Dĩ nhiên cần có sự thay đổi về công nghệ, nhưng chuyển đổi thành công sau cùng nằm ở việc đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt nhất", ông Bùi Quý Phong khuyến nghị.
Trong phần thảo luận, các chuyên gia, đại diện các DN khách mời đều đánh giá phần chia sẻ của các diễn giả. Các khách mời cũng đã đưa ra nhiều câu hỏi nhằm làm rõ hơn về các giải pháp mà diễn giả đưa ra tại hội thảo. Đại diện Ban tổ chức, các chuyên gia và diễn giả đưa ra một số gợi mở để các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi nhiều hơn để từ đó có thể lựa chọn, áp dụng giải pháp phù hợp với DN của mình.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm