Quảng Trị: Đánh thức tiềm năng điện gió, du lịch và nông nghiệp hữu cơ
TP Hồ Chí Minh bắt đầu kiểm tra việc chi trả 3 gói hỗ trợ / Xi măng, thép đồng loạt tăng giá
“Không có việc gì khó…”
Trong chiến tranh, Quảng Trị được mệnh danh là vùng đất “trấn biên” là “phên dậu”, là cửa ngõ vào Nam ra Bắc, là tiêu điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, đến nay nhiều ký ức chiến tranh vẫn còn đó.
Ký ức trong mỗi người dân Quảng Trị không thể nào quên được, đó là ngày 1/5/1972 là ngày lịch sử đáng nhớ, 81 đêm ngày dưới làn mưa bom, bão đạn, cuộc chiến sống còn của cả hai phía ta và địch, sự hy sinh quên mình cao cả vì cuộc chiến đối với hàng ngàn cán bộ chiến sỹ quân giải phóng.
Trong khói lửa đạn bom ấy, cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 9, thuộc sư đoàn 304 băng mình giữa làn bom đạn của kẻ thù, đứng lên để cắm lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc trên nóc tòa nhà hành chính Quảng Trị vào ngày 01/5/1972, và chính thức tuyên bố với bạn bè Quốc tế ngày Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.
Sau chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975, ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hợp nhất lại thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đến năm 1989, Bộ Chính trị ra quyết định số 86-QĐ/TW về chia tách tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh như cũ. Và cho đến hôm nay, Quảng Trị đang vươn mình mạnh mẽ dáng vóc “Phù Đổng” giữa đời thường với nhiều thành tích đáng tự hào.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Đến 31/10/2021, tổng thu ngân sách của Quảng Trị đã đạt 4.500,791 tỷ đồng, đạt 130,5% dự toán địa phương và 157,3% dự toán Trung ương, bằng 161,5% cùng kỳ năm 2020.
Trong đó, thu nội địa đạt 3.167,651 tỷ đồng đạt 106,7% dự toán địa phương và đạt 133% dự toán Trung ương, bằng 129,3% cùng kỳ năm 2020. Thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đạt 1.325,492 tỷ đồng đạt 276,1% dự toán địa phương, đạt 276,1% dự toán Trung ương và bằng 440,1% so với cùng kỳ 2020.
Đánh thức tiềm năng điện gió
Ngày xưa, Miền Tây Quảng Trị được đánh giá là vùng đất cằn cỗi, khí hậu thất thường, chịu ảnh hưởng rất lớn của gió Lào bỏng rát, nhưng hôm nay tại huyện Hướng Hóa trở nên tấp nập, nhộn nhịp bởi những đoàn xe vận chuyển vật liệu, thiết bị vào đại công trường với không khí thi đua lao động, sản xuất khẩn trương hơn bao giờ hết.
Với tốc độ gió trung bình đạt từ 6 - 7 m/s, miền Tây Quảng Trị được đánh giá là vùng rất có tiềm năng trong phát triển điện gió từ nhiều năm trước. Vì vậy, mảnh đất này đã và đang thu hút nhiều “ông lớn” trong phát triển năng lượng và giờ đây những dự án điện gió đã bắt đầu hoạt động, đem lại nguồn thu đáng kể cho kinh tế tỉnh Quảng Trị.
Theo thông tin UBND tỉnh Quảng Trị, trong 29 dự án điện gió được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, có 18 dự án điện gió đã triển khai đầu tư, xây dựng tại huyện miền núi Hướng Hóa.
Điện gió bắt đầu quay ở miền Tây Quảng Trị.
Vào giữa tháng 9/2021, căn cứ vào tiến độ, sự nỗ lực của nhà đầu tư và sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị nhận định, 18 dự án điện gió sẽ kịp vận hành thương mại COD. Tuy nhiên, vì một số lý do, 2 dự án chưa kịp vận hành. 16 dự án với công suất 615,9MW/632,2MW đã được công nhận COD trước ngày 1/11.
Cụ thể, 16 nhà máy điện gió ở Quảng Trị kịp hưởng giá FIT: Hướng Tân, Tân Linh, Liên Lập, Gelex 1, Gelex 2, Gelex 3, Hướng Linh 7, Hướng Linh 8, Amaccao Quảng Trị 1, Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3, Tài Tâm, Hoàng Hải, Phong Huy, Phong Liệu, Phong Nguyên.
Theo ước tính, các dự án điện gió đã được công nhận COD, 1 năm sẽ đóng góp cho Quảng Trị khoảng 5.000-7.000 tỉ đồng. Với mỗi MW đóng góp ngân sách cho địa phương khoảng 400-500 triệu đồng, thì đây là một khoản đóng góp rất lớn.
Ngoài 18 dự án điện gió đã thi công và đang hoàn thành, các dự án đã được UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận chủ trương đầu tư hiện đã, đang tiến hành giải phóng mặt bằng, triển khai đầu tư, xây dựng.
Nông nghiệp, dịch vụ du lịch cùng song hành với công nghiệp
Quảng Trị có diện tích tự nhiên 470.123 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 88% diện tích tự nhiên. Nông nghiệp Quảng Trị được xác định là một trong ba trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh gắn với đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng. Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp Quảng Trị đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế từng vùng miền, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với công nghiệp chế biến.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh xây dựng được thương hiệu và xuất khẩu mang lại giá trị gia tăng cao như: Gạo hữu cơ Quảng Trị, Cà phê Khe Sanh, tinh bột sắn, Tiêu Cùa, Tiêu Vĩnh Linh, dược liệu (chè vằng, cà gai leo, tinh bột nghệ…), tôm, gỗ nguyên liệu rừng trồng…
Người dân vui mừng vì được một vụ mùa bội thu.
Chia sẻ về chuyện phát triển du lịch, ông Võ Văn Hưng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Nói đến du lịch Quảng Trị, với nhiều lợi thế như hệ thống di tích lịch sử cách mạng đồ sộ và độc đáo như: Thành cổ Quảng Trị, Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải, Đường 9 – Khe Sanh; đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, đảo Cồn Cỏ anh hùng… cùng với các Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, đã tạo nên tính đặc thù, độc đáo và hấp dẫn của hệ thống di tích chiến tranh của Quảng Trị. Đây cũng là cơ sở để khai thác loại hình du lịch văn hóa tâm linh mang màu sắc lịch sử cách mạng tại Quảng Trị.
Ngoài ra, tỉnh Quảng Trị có 602 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng và danh thắng, thì có đến 479 di tích được công nhận di tích cấp tỉnh, 33 di tích và cụm di tích được công nhận là di tích cấp quốc gia, trong đó có 4 di tích và cụm di tích được công nhận…thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nhận thức được tiềm năng to lớn từ ngành du lịch, vì vậy tỉnh Quảng Trị đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, ngành kinh tế động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển. Vì vậy, trong những năm qua ngành du lịch Quảng Trị đã có bước phát triển mới và đạt được những kết quả quan trọng, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, huy động được nhiều nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư phát triển du lịch...
Đảo Cồn Cỏ - Nơi thu nhiều nhiều du khách trong và ngoài nước của tỉnh Quảng Trị.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các địa phương khác trong vùng, các địa phương trên hành lang kinh tế Đông – Tây tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động xúc tiến, quảng bá về du lịch. Tiếp tục định hình và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch mang đặc trưng của tỉnh như du lịch lịch sử cách mạng, du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, biển, đảo, mua sắm… từng bước hình thành một số tuyến, địa bàn, khu du lịch trọng điểm.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thu hút được khá nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, triển khai đầu tư dự án với tổng số vốn đăng ký 6.500 tỉ đồng. Trong đó đã thu hút được một số nhà đầu tư chiến lược như: Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Tập đoàn AE, Công ty Cổ phần Tập đoàn Pacific Health Care, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T … làm cho hoạt động đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nhất là các khu du lịch ven biển Cửa Tùng, Cửa Việt…
Theo Chủ tịch Võ Văn Hưng, tất cả với hi vọng, du lịch Quảng Trị đến năm 2025 sẽ hoàn thành về cơ bản đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch, nhất là tại các khu, điểm du lịch trọng điểm; hình thành các tour, tuyến du lịch chủ đạo, xây dựng và khẳng định thương hiệu các sản phẩm du lịch của tỉnh. Đến năm 2030 hoàn thành về cơ bản việc đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch; khai thác, phát huy hiệu quả thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo bước phát triển đột phá cho giai đoạn tiếp theo nhằm thu hút khách du lịch, tăng thu nhập và tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Di tích đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải.