Khoa học - Công nghệ

Tạo động lực cho doanh nghiệp chuyển giao công nghệ

DNVN - Trong bối cảnh hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào R&D qua chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các công nghệ mới...

Microsoft công bố khoản đầu tư khủng cho Trí tuệ nhân tạo / Công bố 20 gương mặt đề cử trao giải thưởng Quả Cầu Vàng năm 2024

Câu chuyện chung của doanh nghiệp

Tại diễn đàn Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sáng 30/9 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh - khẳng định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.

Với Việt Nam, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu mà còn là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu của hội nhập sâu rộng.

TS Nguyễn Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 đã có những quy định mới nhằm thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trong đó có những chính sách, quy định liên quan đến thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ.

Chính sách pháp luật của Nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ đã được quy định ngày một hoàn thiện hơn, với một loạt chính sách ưu đãi, hỗ trợ cùng với các chính sách quản lý nhà nước phù hợp nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động này trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Nhấn mạnh vai trò của hoạt động chuyển giao công nghệ, ông Trần Lê Phương - Phó tổng giám đốc CTCP Sản xuất và Kinh doanh VinFast cho rằng, hoạt động chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến cũng giúp các doanh nghiệp Việt Nam, vốn dĩ có xuất phát điểm thấp hơn về mặt công nghệ so với các quốc gia phát triển, rút ngắn khoảng cách và tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn quốc tế.


Hoạt động chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến tại Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

"Hoạt động chuyển giao và làm chủ công nghệ tiên tiến tại Việt Nam có nhiều thuận lợi nhưng cũng đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Đây là câu chuyện chung của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có VinFast", ông Phương nhìn nhận.

Về thuận lợi, các kỹ sư Việt Nam có nền tảng tốt, khả năng học hỏi nhanh chóng và có thể nắm bắt các công nghệ mới trong thời gian ngắn khi được tiếp cận và hướng dẫn bởi các chuyên gia quốc tế. Việt Nam cũng có thế mạnh về phần mềm và dịch vụ, đặc biệt là các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, trải nghiệm người dùng…

“Tại VinFast, chúng tôi còn được thúc đẩy bởi tinh thần quyết liệt của VinGroup trong việc hiện thực hoá mục tiêu kiến tạo bằng được một thương hiệu quốc gia đẳng cấp thế giới về công nghệ - công nghiệp và mang mới một tương lai xanh cho mọi người", ông Phương nói.

Tuy nhiên, theo Phó tổng giám đốc VinFast, Việt Nam không có sẵn nền tảng và nguồn lực về công nghệ ô tô, từ thiết kế, sản xuất đến phát triển các hệ thống điện tử phức tạp. Điều này buộc VinFast và các doanh nghiệp phải tự học hỏi và hợp tác với các chuyên gia quốc tế.

Doanh nghiệp cần cơ chế ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính

Trong bối cảnh này, để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ tiên tiến, ông Phương cho rằng, cần tổ chức các chương trình hợp tác với các công ty công nghệ ô tô trên thế giới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận và học hỏi công nghệ thông qua các hội thảo, khoá đào tạo kỹ thuật tại Việt Nam.

Phối hợp đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ ô tô, cơ khí, điện - điện tử.

Đặc biêt, cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào R&D thông qua các chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn đầu tư.

Về hành lang pháp lý, cần tạo cơ chế thông thoáng, linh hoạt để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai các công nghệ mới như phát triển xe điện. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô tại Việt Nam. Điều này không chỉ giúp nâng cao tỷ lệ nội địa hoá mà còn giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng nước ngoài, nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Đoàn Kết – Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông nhấn mạnh, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt và sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, việc chuyển giao công nghệ trở thành yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực và khả năng thích ứng. Để tối ưu hoá quá trình này, các doanh nghiệp cần chú trọng vào những giải pháp chiến lược không chỉ bảo đảm hiệu quả ngắn hạn mà còn mang lại giá trị bền vững trong dài hạn.

Theo ông Kết, để thúc đẩy quá trình chuyển giao công nghệ, một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường hợp tác công – tư. Các cơ chế ưu đãi về thuế và hỗ trợ tài chính cần được đề xuất để khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình này một cách tích cực.

Doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư vào R&D, từ đó nâng cao khả năng đổi mới và sáng tạo. Ngoài ra, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao là yếu tố then chốt để thúc đẩy đổi mới công nghệ trong thời đại số hoá. Doanh nghiệp cần đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên sâu về công nghệ cho nhân viên để nâng cao kỹ năng và kiến thức cần thiết.

Cùng đó, cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh và bền vững. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng năng lượng tái tạo và phát triển công nghệ thân thiện với môi trường cần được đẩy mạnh.

Ở góc độ cơ quan quản lý, theo TS Nguyễn Hoàng Linh, để chính sách quản lý Nhà nước về công nghệ được hoàn thiện hơn, góp phần đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, cần xem xét, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan đến công nghệ.

Trong đó, cần cân nhắc xem xét việc sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng quy định chính sách ưu đãi liên quan đến chuyển giao công nghệ cho đối tượng là bên nhận công nghệ chuyển giao, bao gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam. Đồng thời, cần áp dụng ưu đãi miễn, giảm thuế cho dự án đầu tư của bên nhận công nghệ trong nhiều năm.

Việc tiếp tục hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động chuyển giao công nghệ trong pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai là cần thiết. Để đồng bộ với quy định về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư (dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao) và hình thức ưu đãi đầu tư về đất đai của Luật Đầu tư, ông Linh đề nghị xem xét bổ sung vào Nghị định của Chính phủ quy định việc miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2, Điều 157 Luật Đất đai, trong đó có chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.

Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm