Khoa học - Công nghệ

Thúc đẩy tăng trưởng, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng xuất khẩu dựa vào công nghệ

DNVN - Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu trên địa bàn TP còn thấp, chưa khai thác hiệu quả lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng có khả năng cạnh tranh cao có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.

Đà Nẵng: Nguồn cung phân khúc đất nền có thể tăng nhẹ trong quý IV / Đà Nẵng: Cho học sinh nghỉ học tại các khu vực nguy hiểm, ngập lụt

Duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng theo bề rộng

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, nhịp độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân của TP thời kỳ 2010 - 2022 luôn đạt ở mức cao 8,5%. Quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 1,34 tỷ USD năm 2010 lên gần 3,6 tỷ USD năm 2022, tăng 2,7 lần. Trong đó, quy mô kim ngạch xuất khẩu (XK) tăng từ 634 triệu USD năm 2010 lên hơn 2,1 tỷ USD năm 2022, tăng 3,3 lần.

Cục trưởng Cục Thống kê Nẵng Trần Văn Vũ phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi xanh – Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp”

Cục trưởng Cục Thống kê Nẵng Trần Văn Vũ phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi xanh – Xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp”.

Tuy nhiên trong 9 tháng năm 2023, do ảnh hưởng tình hình kinh tế thế giới, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ở các thị trường lớn chưa phục hồi nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đà Nẵng chỉ đạt hơn 2,2 tỷ USD, giảm 16% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, XK ước đạt hơn 1,4 tỷ USD, giảm 11,1%; nhập khẩu ước đạt 853 triệu USD, giảm 23%.

Qua theo dõi hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn, Cục Thống kê Đà Nẵng nhận thấy chính sách phát triển XK hiện quá chú trọng chỉ tiêu số lượng mà chưa thật sự quan tâm chất lượng và hiệu quả. Mặt hàng XK và kim ngạch XK phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Giá trị gia tăng của hàng hóa XK còn thấp, do chủ yếu dựa vào khai thác các yếu tố về điều kiện tự nhiên và lao động rẻ. Chưa khai thác một cách hiệu quả lợi thế cạnh tranh dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng XK có khả năng cạnh tranh cao có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.

“Chúng ta chưa thật sự quan tâm đúng mức chất lượng tăng trưởng XK, thiên về chỉ tiêu số lượng, ít quan tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho các ngành sản xuất hàng hóa XK, duy trì quá lâu mô hình tăng trưởng XK theo bề rộng”, Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ nhấn mạnh tại hội thảo “Chuyển đổi xanh – Xu hướng phát triển bền vững cho DN” vừa được Sở Công Thương Đà Nẵng chủ trì phối hợp với Liên minh Hỗ trợ công nghiệp Việt Nam tổ chức.

Cũng theo ông Trần Văn Vũ, nhiều vấn đề nảy sinh từ hoạt động xuất nhập khẩu chưa được giải quyết tốt, chia sẻ lợi ích từ XK chưa thật công bằng, đặc biệt là lợi ích thu được từ các nhóm hàng có nguồn gốc từ tự nhiên. Coi nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực của XK đối với xã hội và môi trường. Chưa có kế hoạch chia sẻ hợp lý lợi ích và hạn chế rủi ro trong hoạt động XK.

Phần lớn nguyên liệu làm hàng XK phải nhập từ bên ngoài. Việc mở rộng XK hàng hóa có nguy cơ làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường sinh thái do khai thác quá mức, không hợp lý các nguồn lợi tự nhiên và sử dụng ngày càng nhiều đất đai, tài nguyên thiên nhiên làm các yếu tố đầu vào để sản xuất, XK.

Cùng với đó, còn nhiều hạn chế về năng lực thực thi các quy định và tiêu chuẩn về môi trường, đặc biệt tại các KCN, vùng nuôi trồng thủy sản, khu vực khai thác, chế biến khoáng sản… là nguyên nhân gây suy thoái môi trường. Dẫn tới hoạt động XK dễ bị tổn thương trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động.

Chuyển đổi sang chiều sâu

Theo Cục Thống kê Đà Nẵng, với một nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn như Việt Nam, việc phát triển XK bền vững là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay. Do vậy, cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng XK từ bề rộng sang chiều sâu để nâng cao chất lượng tăng trưởng XK.

Việt Nam cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu từ bề rộng sang chiều sâu.

Cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng xuất khẩu từ bề rộng sang chiều sâu.

Cục trưởng Cục Thống kê Đà Nẵng Trần Văn Vũ cho rằng, những lợi thế so sánh sẵn có về tài nguyên và lao động rẻ sẽ dần mất phát huy tác dụng trong bối cảnh nhu cầu trên thị trường thế giới về những hàng hóa có hàm lượng khoa học, công nghệ cao ngày càng lớn. Do đó, cần nâng cao chất lượng hàng hóa XK, lấy chất lượng sản phẩm làm lợi thế cạnh tranh.

“Tầm quan trọng của chất lượng hàng hóa là giúp giữ thị trường cũ, thâm nhập thị trường mới. Trong điều kiện Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào thị trường các châu lục khác nhau, chất lượng hàng hóa phải đạt chuẩn mực quốc tế đối với từng ngành hàng/mặt hàng cụ thể”, ông Trần Văn Vũ nói.

Theo ông, để bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong phát triển XK, điều quan trọng hơn nữa là hàng hóa phải đem lại cho người tiêu dùng những “tác dụng đặc biệt”. Vì thế, không chỉ bảo đảm chất lượng sản phẩm theo chuẩn mực mà còn phải phấn đấu chất lượng “vượt trội” và thể hiện sự “khác biệt” so với sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới.

Phát triển sản phẩm mới, đổi mới sản phẩm hiện có dựa trên công nghệ tiên tiến… là yếu tố quan trọng để giành, giữ và mở rộng thị trường hữu hiệu. Đồng thời phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ để rút ngắn “thời kỳ gia công”, tăng dần các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao trong các ngành chế biến XK.

Cùng với đó, lãnh đạo Cục Thống kê Đà Nẵng kiến nghị tận dụng cơ hội thuận lợi của hội nhập quốc tế để mở rộng thị trường XK, thúc đẩy mạnh XK bền vững, đặc biệt là tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để tạo lợi thế cạnh tranh mới đối với hàng XK.

Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng XK và giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích bình đẳng trong hoạt động XK, mang lại lợi ích cho người trực tiếp sản xuất hàng XK, đặc biệt là nông dân.

Đồng thời, giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng XK và bảo vệ môi trường theo hướng nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường đối với cơ quan quản lý và DN sản xuất hàng XK; hỗ trợ DN áp dụng các quy trình và công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.

“Nếu tăng vòng đời sản phẩm dệt may thêm 9 tháng sẽ giảm được 20 - 30% khí thải carbon, nước và chất thải, giảm 20% chi phí sản xuất. Tuy nhiên hiện nay mới chỉ có 1% sản phẩm dệt may toàn cầu được sản xuất theo quy trình tuần hoàn từ dệt đến tái chế”, ông Trần Văn Vũ thông tin.

Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm