Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Đức và châu Âu tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 khác Việt Nam như thế nào?
Thuốc chống trầm cảm rẻ tiền – Hy vọng mới cho cuộc chiến chống COVID-19 / Quảng Bình huy động Robot Call vào cuộc truy vết COVID-19
Tiến sĩ ngành Y sinh Lê Đức Dũng.
Ông có thể chia sẻ cách tổ chức tiêm phòng vaccine COVID-19 ở Đức như thế nào? Và việc triển khai tiêm phòng ở Đức có những ưu, nhược điểm ra sao?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Cuối năm 2020, sau khi công ty BioNTech và Pfizer đưa ra kết quả khả quan của vaccine thì Đức đã tiến hành đặt vaccine, cũng như lập tức triển khai thiết lập các trung tâm tiêm phòng trên cả nước. Ban đầu Đức sử dụng các nhà thi đấu thể thao, khu triển lãm hoặc tương tự như thế và các khu đất lớn thuận lợi giao thông để thiết lập xây dựng, chuyển đổi thành các trung tâm tiêm chủng COVID-19 cho người dân. Bên cạnh đó các bệnh viện lớn cũng có thể tự thiết lập các phòng tiêm phòng COVID-19 để tiêm cho nhân viên của mình. Đối với các trung tâm tiêm phòng, người dân cần phải đăng ký trước trên website của địa phương cung cấp và chờ đợi. Khi được sắp xếp tiêm phòng người dân sẽ được thông báo lịch tiêm. Sự sắp xếp dựa trên nhóm ưu tiên theo quy định của chính quyền.
Các tháng đầu năm 2021 việc tiêm phòng của Đức diễn ra với tốc độ chậm hơn dự kiến chủ yếu do hai yếu tố là: Còn thiếu vaccine cũng như việc tiêm phòng chỉ diễn ra tại các trung tâm tiêm phòng, nhu cầu rất lớn và các trung tâm không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Sau đó nước Đức đã điều chỉnh chính sách bằng cách cho phép tất cả các phòng khám đều được tiêm vaccine để sử dụng hết nguồn lực y tế rất lớn bên cạnh các trung tâm tiêm phòng. Kể từ đó tốc độ tiêm phòng được đẩy lên một cách nhanh chóng, có những ngày cả nước gần 1,4 triệu liều được tiêm.
Ở Đức thì hệ thống y tế có khác ở Việt Nam. Đó là Đức có hệ thống phòng khám tư nhân rất lớn và các phòng khám này được trang bị khá tốt. Do khi tiêm phòng đều có nguy cơ xảy ra các phản ứng như sốc phản vệ hoặc các nguy cơ khác nên các phòng khám và các trung tâm tiêm phòng đều có phòng theo dõi và các trang thiết bị, thuốc cấp cứu cần thiết. Mọi người phải ngồi lại 15 phút theo dõi sau khi tiêm.
Do vaccine cần được bảo quản tốt nên các phòng khám sẽ được phân bổ vaccine mỗi lần một tuần để bảo đảm chất lượng. Đối với các phòng khám, người dân không cần đăng ký qua website tiêm phòng của chính quyền nữa, mà có thể gọi điện trực tiếp đến phòng khám để hỏi và lấy lịch tiêm. Sau một thời gian, tốc độ được đẩy nhanh thì việc tiêm theo nhóm ưu tiên cũng dần được gỡ bỏ. Tính đến 30/8/2021 thì đã có 65,1% dân số Đức đã được tiêm vaccine, trong đó 60,4% đã được tiêm 2 mũi. Hiện nay tốc độ tiêm ở Đức đang chậm lại vì nhu cầu người tiêm đang ít dần.
Ở Đức và châu Âu thì thứ tự để ưu tiên các đối tượng tiêm vaccine được sắp xếp như thế nào? Và lý do để các nước này đưa ra các thứ tự ưu tiên như vậy?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Ở châu Âu mỗi nước đều đưa ra thứ tự các nhóm ưu tiên cho riêng mình, tuỳ vào số lượng dân số và lượng vaccine mình có. Ở Đức trong thời gian đầu do lượng vaccine có giới hạn nên cũng đưa ra quy định ưu tiên đối tượng tiêm, theo đó Đức phân ra 6 nhóm đối tượng ưu tiên như trong hình kèm theo.
Về cơ bản sự ưu tiên đó dựa trên nhóm có nguy cơ bị bệnh nặng khi mắc COVID-19 như người cao tuổi, người có bệnh nền, sau đó là cho các đối tượng làm việc trực tiếp với bệnh nhân hoặc những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, điều dưỡng viên nhà dưỡng lão. Tiếp theo đó là những đối tượng làm việc có nguy cơ cao các nhân viên siêu thị, công chức, cảnh sát.
Trẻ em dưới 18 tuổi ở Đức và châu Âu có được tiêm vaccine COVID-19 hay chưa? Và EU có khuyến cáo gì về việc tiêm vaccine cho trẻ em hay không?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Trước đây trẻ em dưới 18 tuổi không được phép tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên từ ngày 31/5/2021 thì Uỷ ban châu Âu đã đề nghị cho phép tiêm vaccine của BioNtech/Pfizer cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi, sau khi cơ quan y tế châu Âu cấp phép cho vaccine này được sử dụng trên trẻ em 12 đến 17 tuổi.
Ngày 19/8/2021 Uỷ ban thường trực tiêm chủng của Đức chính thức có bản đề nghị cho tiêm chủng trên trẻ em từ 12 đến 17 tuổi với 2 loại mRNA vaccine của BioNtech/Pfizer và của Moderna. Hiện nay ở Đức đã có 31,4% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đã được tiêm vaccine, trong đó có 20,9% đã được tiêm 2 mũi. Trẻ em dưới 12 tuổi chưa được phép tiêm chủng COVID-19.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến ngày 31/8, đã có hơn 20 triệu người đã tiêm vaccine (cả mũi 1 và mũi 2). So với mục tiêu tiêm vaccine cho 75 triệu người dân đến tháng 4/2022, tính đến nay có khoảng 26% dân số trên 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine; 4% người dân đã được tiêm đủ 2 mũi. Ông có bình luận gì về các số liệu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 ở Việt Nam như hiện nay?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Tỷ lệ trung bình tiêm chủng COVID-19 trên toàn thế giới tính đến 30/8/2021 là 39,73%. Như vậy thì tỉ lệ của Việt Nam còn khá thấp so với tỉ lệ bình quân của thế giới. Tỉ lệ 75% số dân được tiêm chủng là khá cao, hy vọng trong các tháng tới Việt Nam sẽ nhận được nhiều vaccine hơn, cộng với việc đẩy nhanh tốc độ tiêm sẽ giúp Việt Nam tiệm cận được mục tiêu đề ra.
Với tình hình khan hiếm vaccine như hiện nay thì Việt Nam cần xem xét để phân nhóm ưu tiên các đối tượng được tiêm vaccine, ví dụ như kinh nghiệm các nước đã làm. Theo đó có thể phân loại theo nhóm nguy cơ về sức khoẻ, nhóm nguy cơ tiếp xúc và cũng có thể tính đến nhóm ưu tiên liên quan đến công việc sản xuất, để giảm nguy cơ đình trệ sản xuất và ảnh hưởng đến kinh tế.
Số liệu phân bổ và tiêm vaccine ở các địa phương tại Việt Nam tính đến sáng ngày 1/9/2021.
Ở Việt Nam, Bộ Y tế đã khuyến cáo cần ưu tiên vaccine cho người lớn tuổi, người có bệnh nền. Trên thực tế, trừ TP Hồ Chí Minh đã tổ chức tiêm sớm vaccine cho người trên 65 tuổi, còn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác dù đang trong tâm dịch thì nhiều người lớn tuổi vẫn đang xếp hàng chờ, trong khi nhiều người trẻ hơn lại được tiêm rồi. Theo quan điểm của ông thì người lớn tuổi, người có bệnh nền cần được tổ chức tiêm như thế nào? Thay vì chỉ kêu gọi ưu tiên nhưng thực tế thì họ đang bị xếp hàng sau cùng?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Nhóm người cao tuổi và những người có bệnh nền là những người có nguy cơ có diễn biến nặng và nguy hiểm khi bị mắc COVID-19 do vậy chắc chắn nhóm này cần được ưu tiên. Việc ùn tắc trong việc tiêm cho nhóm đối tượng này thì các chính quyền cần xem xét kỹ nguyên nhân ùn tắc ở đâu. Nếu là do thiếu các trung tâm tiêm phòng thì cần sử dụng trung tâm y tế có điều kiện để mở rộng các trung tâm tiêm phòng. Nếu ùn tắc ở khâu xử lý hồ sơ, phân loại nhóm thì cần bổ sung nhân lực hoặc nâng cao hiệu quả bằng cách áp dụng công nghệ để phân loại nhanh hơn hiệu quả và khách quan hơn.
Bên cạnh đó cung cấp thông tin đầy đủ và tạo điều kiện để các nhóm ưu tiên được tiếp xúc và đăng ký tiêm một cách dễ dàng, nhất là các khu vực nông thôn. Cần lưu ý là nhóm người cao tuổi thì rất nhiều người không quen sử dụng máy tính hay Internet để đăng ký tiêm, vì vậy các chính quyền cần cung các cấp các phương tiện đăng ký phù hợp cho các đối tượng này. Thêm vào đó, các chính quyền địa phương phường, xã đều có danh sách dân số, các cơ quan này có thể lập danh sách theo nhóm tuổi và gửi thông báo về từng hộ để họ có thể được biết và đăng ký.
Ở Việt Nam hiện có 9 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 12-18 tuổi, trong điều kiện vaccine Pfizer ở Việt Nam rất ít. Theo ông Chính phủ cần có chính sách dành riêng vaccine Pfizer cho đối tượng này ngay từ thời điểm này hay không?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Theo các nghiên cứu và thống kê trên thế giới thì trẻ em ở độ tuổi này bị ảnh hưởng do COVID-19 ít hơn, tức là thường chỉ bị triệu chứng nhẹ khi mắc, tỉ lệ tử vong hiếm hơn. Các thông tin về nghiên cứu vaccine trên trẻ em cũng còn ít, nên hầu hết các nước cũng còn rất thận trọng trong việc sử dụng vaccine cho nhóm tuổi này.
Để đưa ra chính sách hợp lý, Việt Nam có thể làm một khảo sát nhanh về tỉ lệ nhiễm và diễn biến bệnh khi nhiễm COVID-19 của trẻ em. Nếu tỉ lệ này vẫn thấp như tình hình chung của cả thế giới thì Việt Nam vẫn cần ưu tiên cho nhóm có nguy cơ cao trước, vì số lượng vaccine hiện này trong nước vẫn còn giới hạn.
Hiện có một số nhà chuyên môn ở Việt Nam cho rằng, không cần thiết phải tổ chức đo huyết áp, hoặc test COVID-19 trước khi tiêm phòng. Ông có quan điểm thế nào về ý kiến này?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Tôi cũng đã đi tiêm 2 lần tại Đức và không thấy có việc đo huyết áp, các trung tâm tiêm phòng ở Đức cũng không đo huyết áp trước khi tiêm. Trước khi tiêm các bác sĩ sẽ hỏi các thông tin về vấn đề sức khoẻ của người tiêm và có vấn đề dị ứng hay không.
Đối với test COVID-19 trước khi tiêm phòng thì Uỷ ban châu Âu cũng như Uỷ ban thường trực tiêm chủng của Đức khuyến cáo là không cần thiết phải test, miễn là người đó không có triệu chứng gì. Các Uỷ ban này cũng cho biết, việc nhiễm COVID-19 trong lúc tiêm không ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine, tuy nhiên những người này có thể có các phản ứng mạnh hơn sau khi tiêm.
Đối với trường hợp của Việt Nam với tình hình thiếu vaccine thì có thể nên lưu ý các vấn đề sau để xem xét cân bằng việc sử dụng dụng hiệu quả lượng vaccine đang có, và về lợi ích kinh tế khi làm test:
Thứ nhất, những người đã nhiễm COVID-19 thì không cần thiết phải tiêm vaccine liền, theo khuyến cáo thì họ có thể tiêm vaccine sau 6 tháng kể từ đợt nhiễm trước đó.
Thứ hai là hiệu quả kinh tế, việc test COVID-19 cũng sẽ rất tốn kém nếu thực hiện với số lượng lớn. Do vậy nếu như những người đã hay đang bị nhiễm chiếm một tỉ lệ nhỏ trong số người những được tiêm phòng thì chúng ta có thể bỏ việc test COVID-19 trước khi tiêm, để giảm bớt sự tốn kém không cần thiết.
Theo quan điểm của ông, Việt Nam cần có chiến lược tăng tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 như thế nào trong lúc số ca nhiễm đang tăng nhanh ở khu vực Nam Bộ và Hà Nội như hiện nay?
Tiến sĩ Lê Đức Dũng: Ngay từ đầu đại dịch các nhà khoa học thế giới đã cảnh báo là nhân loại phải sống chung với COVID-19 ít nhất trong 2-3 năm, thậm chí có thể lâu hơn trước khi cuộc sống dần trở lại bình thường. Tính chất lây lan và biến đổi nhanh của virus và diễn biến phức tạp của đại dịch thì các nhà khoa học cũng đã xác định chỉ có vaccine mới có thể giúp chúng ta sống chung an toàn, ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 hiệu quả. Do vậy Việt Nam cũng không thể ngoại lệ, không có cách nào khác Việt Nam phải sử dụng vaccine đề phòng chống COVID-19.
Phong tỏa là biện pháp cuối cùng và là biện pháp cấp bách vì nó ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tăng tốc độ tiêm chủng là cách tốt nhất để rút ngắn các biện pháp giãn cách và phong toả. Đối với các địa phương đang bị nhiễm nặng cũng nên đẩy nhanh tiêm phòng, cần mở rộng các trung tâm tiêm phòng, sử dụng tất cả các nguồn lực y tế nhà nước và tư nhân đáp ứng đủ yêu cầu làm nơi tiêm chủng, cũng như tăng cường hoạt động liên tục các trung tâm sẵn có.
Tuy nhiên cũng cần tổ chức đăng ký- xếp lịch và tiêm một cách hợp lý. Có khu vực chờ trước và sau khi tiêm đủ điều kiện để giữ khoảng cách, tránh tập trung một lần quá nhiều người chờ tiêm đứng sát nhau như trước đây. Cần có đội ngũ hỗ trợ để mọi người xếp hàng, giữ khoảng cách hợp lý. Tạo điều kiện để nhân dân nắm thông tin và đăng ký một cánh dễ dàng nhất.
Theo tôi quan sát diễn biến dịch trên thế giới thì các khu vực, thành phố kinh tế phát triển mạnh thường có tỉ lệ nhiễm rất cao, do những khu vực đó mật độ dân cư cao, mức độ giao thương mạnh. Do vậy Việt Nam cũng nên cần có chiến lược đẩy nhanh tiêm chủng ở những tỉnh, thành kinh tế phát triển, mật độ dân số cao.
Trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
OpenAI mất lợi thế độc nhất trên 365 Copilot sau quyết định của Microsoft
Cách xác thực tài khoản Facebook để tránh bị khóa 2025
Nga lên kế hoạch thực hiện 15 vụ phóng tên lửa Angara từ năm 2027 đến 2033
Đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
Nhìn lại thế giới 2024: Bản giao hưởng vang khắp không gian