Khoa học - Công nghệ

Tìm động lực tăng trưởng mới từ khoa học công nghệ

DNVN - Theo bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, nếu tận dụng công nghệ tiên tiến, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2024, tạo ra môi trường có tính cạnh tranh cao, tiến tới thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình…

Tìm lời giải cho bài toán xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học công nghệ / Chuyển giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội: Phát huy vị thế Thủ đô

Tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2023 sáng 6/12 tại Hà Nội, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2023 là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam và thế giới.

Mặc dù kinh tế Việt Nam năm 2023 không đạt được mục tiêu đề ra nhưng đã có những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước hết sức khó khăn. Sang năm 2024, tình hình địa chính trị và lạm phát thế giới được dự báo vẫn có những chuyển biến phức tạp và khó lường.

Do vậy, theo Viện trưởng CIEM, để có sự đột phá trong năm 2024 và những năm tiếp theo, các chính sách điều hành kinh tế cần có giải pháp phù hợp để hạn chế khó khăn, tận dụng được lợi thế từ những thành tựu của cuộc CMCN 4.0 cũng như sự đồng thuận về bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững.

Đặc biệt, Việt Nam cần phải tìm thêm động lực cho tăng trưởng mới, trong đó có động lực xuất phát từ khoa học công nghệ (KHCN).


Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

Việt Nam từ lâu đã rất chú trọng đến vai trò của KHCN trong phát triển kinh tế, xã hội. Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam xác định KHCN là một trong những động lực quan trọng cho phát triển. Đồng thời coi phát triển KHCN là nhiệm vụ có ý nghĩa đặc biệt.

“Thời gian qua, qua theo dõi và nghiên cứu, chúng tôi đã phát hiện thấy KHCN là một trong những nhân tố làm tăng năng suất các nhân tố tổng hợp, và là động lực quan trọng giúp Việt Nam chuyển đổi thành công trong công cuộc chuyển đổi số. Qua đó, đóng góp trực tiếp và gián tiếp đến tăng trưởng kinh tế đất nước. Hi vọng kinh tế Việt Nam sẽ "cất cánh" từ một trong những động lực quan trọng là KHCN”, Viện trưởng CIEM nói.

Bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, đổi mới công nghệ, chuyển đổi năng lượng và những thay đổi trong chiến lược địa chính trị đã tạo ra những cơ hội lịch sử để Việt Nam đẩy nhanh chuyển đổi kinh tế, thâm nhập các thị trường mới cho hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn và tăng giá trị của hàng xuất khẩu.

“Khả năng tận dụng những cơ hội này của Việt Nam sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng duy trì tăng trưởng năng suất ở mức thu nhập cao hơn, nói cách khác là tránh bẫy thu nhập trung bình. Chúng tôi kì vọng kinh tế Việt Nam tận dụng tốt công nghệ tiên tiến để có thể tiến tới phục hồi vào năm sau, tạo ra môi trường có tính cạnh tranh cao”, bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trường Thắng - Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh, KHCN và đổi mới sáng tạo là đòn bẩy quan trọng để Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.


Ông Nguyễn Trường Thắng - Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Dự báo trong 5 - 10 năm tới là thời đại của các doanh nghiệp KHCN và đổi mới sáng tạo. Các công ty công nghệ lớn hiện nay tiếp tục đổi mới để cạnh tranh và tồn tại.

Với Việt Nam, trước mắt, cần phát triển nguồn nhân lực để giải quyết thách thức và tận dụng cơ hội trongbối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Cùng với đó, cần chuyển dịch cơ sở sản xuất và dịch vụ ở quy mô quốc tế.

Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và kinh tế số phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực sản xuất định hướng xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do mất việc làm và sự xuất hiện của công nghệ tiết kiệm sức lao động.

“Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để bắt kịp về công nghệ vì đây là con đường phát triển duy nhất với Việt Nam, tạo ra dư địa mới cho tăng trưởng kinh tế, chuyển từ công nghệ “thay thế” sang công nghệ “hỗ trợ” trong chuỗi giá trị toàn cầu, tức tạo ra giá trị gia tăng cao hơn thông qua đổi mới sáng tạo", ông Thắng chia sẻ.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo