Khoa học - Công nghệ

Trở ngại lớn khi phục hồi sau đại dịch trên nền tảng công nghiệp 4.0

DNVN - Tại Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 diễn ra sáng 6/12, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên nền tảng công nghiệp 4.0 của Việt Nam đang gặp phải những trở ngại lớn.

Omicron kết hợp nhiều đột biến nguy hiểm của các biến thể nguy hiểm nhất gây náo động thế giới / Khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu để phát triển tài sản trí tuệ

Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về Công nghiệp 4.0 với chủ đề “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19 và đẩy mạnh công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) trong kỷ nguyên số” do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương liên quan tổ chức.
Tại Phiên toàn thể cấp cao của Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về định hướng chính sách và triển khai hành động trong thời gian tới đối với các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Tuấn Anh - Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, dịch bệnh COVID-19 được dự báo còn tiếp tục kéo dài, khó lường. Nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ vượt quá sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.
"Nhu cầu cấp bách, khẩn trương hiện nay là tìm kiếm những giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu COVID-19, đồng thời tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng trong dài hạn thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) phù hợp với bối cảnh và yêu cầu phát triển triển mới", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH, trong giai đoạn vừa qua đã đạt được những tiến bộ đáng kể về kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch và thực hiện CNH, HĐH trên nền tảng Công nghiệp 4.0 của Việt Nam đang gặp phải những trở ngại lớn. Điển hình như mô hình tăng trưởng chưa dựa nhiều trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tính tự chủ của nền kinh tế còn thấp; vẫn còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước nhằm nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Ngoài ra, phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu CNH, HĐH, chủ yếu phát triển theo mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Các chính sách phát triển các ngành công nghiệp chậm được cụ thể hóa. CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn còn thiếu một chiến lược phát triển rõ ràng.
Đề cập đến Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống KT-XH cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Nhiều giải pháp, chính sách đã được ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của dịch bệnh, duy trì và ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nếu không có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời, nền kinh tế không thể sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại như trước khi có dịch; ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển KT-XH hằng năm, các kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm và có nguy cơ lỡ nhịp với xu hướng phục hồi của kinh tế toàn cầu.
"Đến nay, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Nghị quyết 128/NQ-CP đã phát huy hiệu quả, tác động tích cực đến nền kinh tế trên nhiều ngành, lĩnh vực. Do vậy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội là rất cần thiết", Thứ trưởng Tràn Quốc Phong nhận định.
Với chương trình này, theo ông Trần Quốc Phương cần thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng, chống dịch; an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển; hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm