Omicron kết hợp nhiều đột biến nguy hiểm của các biến thể nguy hiểm nhất gây náo động thế giới
Các hãng dược chạy đua cập nhật vaccine COVID-19 diệt siêu biến thể Omicron / Liệu các vaccine COVID-19 hiện nay có duy trì hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron?
Năm loại biến thể của virus SARS-CoV-2 được WHO xếp vào nhóm đáng lo ngại gồm Alpha, Beta, Gamma, Delta và mới nhất là Omicron.
Biến thể Alpha được phát hiện đầu tiên tại Anh, Beta và Omicron được phần hiện lần đầu ở Nam Phi, Gamma tại Brazil và Delta ở Ấn Độ.
Alpha có đột biến N501Y làm thay đổi cấu trúc protein, giúp virus liên kết chặt chẽ hơn với tế bào người. Beta có đột biến E484K giúp virus tăng khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch, giảm hiệu quả của vaccine. Gamma có đột biến K417 tăng khả năng bám dính vào tế bào vật chủ, giảm hiệu quả của vaccine. Delta có đột biến D614G làm tăng khả năng lây lan của virus. Và biến chủng Omicron có tất cả những đột biến nêu trên của bốn biến chủng Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Các phát hiện ban đầu cho thấy, Omicron dường như là phiên bản kết hợp những đặc tính nguy hiểm của những biến thể nguy hiểm nhất hiện nay. Bên cạnh đó, biến thể Omicron còn có 26 đột biến đặc trưng chưa từng được ghi nhận. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lưu ý rằng, nhiều đột biến thường khiến virus nguy hiểm hơn nhưng cũng có thể đẩy chúng vào con đường tự diệt.
Ông Jesse Bloom, nhà sinh vật học tiến hóa ở Seattle, Mỹ, cho biết: "Về nguyên tắc, các đột biến có thể hoạt động chống lại nhau. Omicron có nhiều đột biến cùng có khả năng tăng cường bám dính vào tế bào. Tất cả đột biến này khi cùng hoạt động có thể cho ra kết quả rất khác nhau".
Một rủi ro nữa khiến giới khoa học lo ngại chính là biến thể Omicron có 32 đột biến ở protein gai, nhiều gấp 1,5 - 3 lần so với các biến thể còn lại. Delta có tốc độ lây lan mạnh, cũng chỉ có 18 đột biến ở Protein gai. Protein gai là bộ phận giúp virus xâm nhập tế bào cơ thể người. Đột biến ở gai có thể khiến virus dễ lây lan hơn và khó bị tiêu diệt hơn.
Sẽ cần vài tuần để xác định liệu Omicron có lây nhiễm nhiều hơn không và liệu vaccine vẫn còn hiệu quả chống lại biến thể này. (Ảnh: The Economic Times)
Omicron được phát hiện tại Nam Phi và theo trang tin Financial Times, số ca mắc mới kể từ khi biến thể này xuất hiện cao vượt trội khi so sánh với số ca mới trong làn sóng dịch do biến thể Delta hay Beta gây ra. Thống kê tại Gauteng, một trong những tỉnh đông dân nhất Nam Phi, cho thấy, kể từ khi xuất hiện biến thể Omicron, trung bình mỗi ngày địa phương này ghi nhận khoảng 1.900 ca mắc mới COVID-19, trong khi con số này đối với biến chủng Delta là khoảng 1.300 trường hợp, Beta 500 bệnh nhân.
Người dân Nam Phi đang đổ xô đi tiêm chủng trước mối đe dọa từ Omicron. Nam Phi hiện có tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ vaccine COVID-19 chỉ là 24,6%. Các trung tâm tiêm chủng trở nên đông đúc hơn từ khi có sự xuất hiện của biến thể Omicron. Các chuyên gia dự báo, Omicron sẽ kích hoạt làn sóng dịch thứ tư ở nước này, với lượng lây nhiễm hàng ngày từ khoảng 2.200 ca vào đầu tuần này tăng đến 10.000 trường hợp vào cuối tuần.
Thời báo New York dẫn ý kiến của một nhà virus học cho biết, năm 2020, khi biến thể Beta xuất hiện ở Nam Phi, Beta có đột biến giúp tăng khả năng lẩn tránh hệ miễn dịch của con người. Tuy nhiên, Beta cũng có hai đột biến khác liên quan đến độ nhạy của vaccine. Nhà virus học này cho rằng, nếu chỉ có một đột biến lẩn tránh miễn dịch, Beta sẽ nguy hiểm hơn là kết hợp thêm hai đột biến kia.
Bên cạnh đó, có một điều có thể làm chúng ta tạm thời yên tâm, đó là chưa bao giờ ngành y tế thế giới lại phản ứng nhanh với một biến thể gây bệnh COVID-19 như vậy. Ngay khi Nam Phi phát hiện dấu vết đầu tiên của một biến thể lạ, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu xét nghiệm của 100 bệnh nhân và 36 tiếng sau, họ cảnh báo cho toàn thế giới về Omicron.
Các nước phương Tây đã phản ứng rất nhanh, nhưng biến thể Omicron vẫn "lọt qua" hàng rào biên giới từ lúc nào không hay.
Từ khóa "Omicron" đã phủ sóng trong suốt thời gian từ cuối tuần qua, làm lu mờ nhiều sự kiện mà mọi năm rất được chú ý, trong đó có hai ngày hội mua sắm Black Friday và Cyber Monday. Tại Mỹ, nếu như trong vài năm trước, người ta sẵn sàng xếp hàng từ đêm, thậm chí tranh giành, xô xát để mua bằng được món hàng yêu thích, năm nay không khí mua sắm đìu hiu hơn hẳn.
Lần đầu tiên kể từ năm 2012, số liệu thống kê cho thấy sự sụt giảm chi tiêu vào ngày mua sắm lớn. Cyber Monday, Black Friday và ngày Lễ Tạ ơn đều ghi nhận doanh số thấp hơn dự báo. Vào Black Friday, doanh số bán hàng trực tuyến chỉ đạt 8,9 tỷ USD, giảm so với mức 9 tỷ USD của năm 2020. Vào ngày Lễ Tạ ơn, doanh số bán hàng trực tuyến đạt 5,1 tỷ USD, gần như không đổi so với cùng kỳ năm 2020.
Giới quan sát nhận định thêm rằng, thông tin về biến thể Omicron đe dọa việc mở cửa trở lại nền kinh tế và người dân thận trọng hơn trong việc chi tiêu. Tuy nhiên, dịch bệnh đã kéo dài hai năm qua và cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo