Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng công nghệ AI theo từng ngành, lĩnh vực

Sau trào lưu tìm hiểu về ChatGPT tại Việt Nam đầu năm nay với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đến nay việc ứng dụng AI vào từng ngành, lĩnh vực đang được các doanh nghiệp công nghệ triển khai với những kết quả bước đầu ghi nhận.

Đại học Đông Á và Viện AIIT Nhật Bản hội thảo mô hình mới về chống biến đổi khí hậu / Phê duyệt đề án tuyên truyền, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ

Những bài toán từ thực tế

Từ năm 2013, khiThông tư liên tịch giữa Bộ Giao thông vận tải (GTVT) với Bộ Công an về kiểm soát tải trọng xe, các đơn vị kiểm tra, giám sát được phát cân xách tay. Tuy nhiên, việc này tốn thời gian và nguồn lực, phải phát hiện bằng mắt nên khó kiểm soát, nên việc các tuyến đường xuống cấp do xe quá tải trọng vẫn diễn ra.

Vì vậy, Elcom đã nghiên cứu, phát triển lĩnh vực AI, phát triển hệ sinh thái phát triển chuyển đổi số, trong đó có hệ thốngElcom eWIM - công nghệ số kiểm soát tải trọng xe tự động phát hiện sai phạm, chụp biển số trước, sau... Hệ thống cho phép đẩy dữ liệu về Cục Đường bộ Việt Nam, sở Giao thông vận tải các tỉnh.

Chú thích ảnh
Trạm cân tại tuyến đường 741 kiểm soát 100% phương tiện di chuyển qua khu vực.

Trong đó, Sở GTVT Bình Dương đã đưa trạm cân tại đường tỉnh 741 của Bình Dương vào xử phạt nguội khi chủ xe vi phạm không có mặt ở hiện trường. Theo Thanh tra Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bình Dương, chỉ trong vòng 1 tháng vận hành trạm cân tự động tại đường 741, từ ngày 6/8-7/9/2023, đã ghi nhận 286.458 lượt xe, tổng số xe quá tải trọng trên 10% là 14.560 lượt xe, chiếm tỷ lệ 5,08%.

Sau khi xe di chuyển qua khu vực trạm cân, hệ thống sẽ ghi nhận và trả lại đầy đủ dữ liệu cần thiết bao gồm video, hình ảnh xe đi qua trạm cân; tải trọng trục, tải trọng tổng; biển số trước, biển số sau. Dựa vào biển số, hệ thống tự động truy vấn trực tuyến với dữ liệu đăng kiểm để tính toán và kết luận có quá tải trọng cho phép không, lập phiếu cân và chuyển cơ quan chức năng xử lý đối với trường hợp vi phạm.

Hệ thống cân tại đây cũng được lắp đặt các AI Camera. Nhờ đó, hệ thống có thể tự động phát hiện hành vi xe không che bạt hoặc có che bạt nhưng vẫn làm rơi vãi vật liệu ra đường để cung cấp thông tin cho lực lượng chức năng xử lý kịp thời. Từ kết quả thí điểm, Bộ GTVT đã có văn bản chấp thuận đề xuất của Sở GTVTBình Dương đưa trạm cân này vào thí điểm phạt nguội trong vòng 1 năm.

Ông Lại Hữu Thanh, Giám đốc Sản phẩm Công ty Cổ phần Công nghệ - Viễn thông Elcom cho biết, hệ thống xử lý tự động hoàn toàn 24/7, tạo thay đổi mang tính đột phá cho công tác kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của ngành giao thông vận tải đến năm 2030.

"Mỗi năm chúng ta đầu tư cho 3,4 đến 4 tỷ đồng để vận hành. Trong khi giải pháp này chỉ cần một người vận hành website từ xa", ông Lại Hữu Thanh cho biết.

 

Đây là một trong những ứng dụng AI chuyên ngành trong việc xử lý xe quá trọng tải của ngành Giao thông vận tải và bước đầu phát huy kết quả bước đầu được giới thiệu trong Diễn đàn Make in VietNam 2023 vừa qua.

Trong khi đó, trong lĩnh vực kế toán, Công ty Cổ phần MISA giới thiệu Trợ lý trí tuệ nhân tạo AVA tích hợp miễn phí trên phần mềm MISA AMIS Kế toán. Ông Lê Hồng Quang,Phó Tổng Giám đốc thường trực MISA cho biết: "Trợ lý trí tuệ nhân tạo AVA (Advanced Virtual Assistant) là trợ lý ảo dành cho kế toán lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam với mục tiêu hỗ trợ người sử dụng tối ưu hóa các thao tác nghiệp vụ trong quá trình thực hiện các công việc kế toán trên phần mềm MISA AMIS kế toán. Điểm nổi bật của AVA là được ứng dụng công nghệ Trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất hiện nay như trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI), Sản sinh ngôn ngữ tự nhiên (Natural language generation) giúp chuyển đổi dữ liệu có cấu trúc thành ngôn ngữ bản địa. Đây điểm đột phá để Trợ lý này có khả năng hiểu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên của con người, từ đó cung cấp phản hồi và hỗ trợ tư vấn cá nhân hóa cho người dùng trong quá trình sử dụng sản phẩm.

Từ việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, nếu như trước đây, người dùng phần mềm kế toán có thể phải cần đến 5-6 thao tác mới lấy được chính xác bản báo cáo cần sử dụng thì nay, với Trợ lý AVA, chỉ với việc ra một câu lệnh bằng văn bản hoặc giọng nói, ngay lập tức chủ doanh nghiệp, giám đốc tài chính hay kế toán viên sẽ có được ngay các báo cáo với tốc độ ước tính nhanh gấp 5 lần. Thông qua hệ thống báo cáo trực quan do AVA cung cấp, giám đốc có thể dễ dàng nắm bắt các thông tin tài chính - kế toán nhanh nhất để đưa ra quyết định điều hành kịp thời.

Trong khi đó, nền tảng DrAid™ Enterprise Data, phát triển bởi VinBrain, là một giải pháp phân tích dữ liệu toàn diện, tiên tiến, dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) được thiết kế chuyên dụng cho ngành y tế.

Với mục đích đổi mới, tạo sự liên thông cho quản lý, lưu trữ dữ liệu tập trung bằng chuẩn hóa, hệ thống hóa, tự động hóa, nền tảng DrAid™ Enterprise Data với hai giải pháp phân tích hồ sơ y tế bệnh nhân và quản lý bệnh viện thông minh, được xây dựng để sử dụng hằng ngày tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Hai giải pháp nàyđược hoạt động dựa trên hệ thống dữ liệu hồ sơ y tế (EMR), công nghệ AI tạo sinh (Generative AI/ChatGPT) và đặc biệt là DrAid™ Copilot – công nghệ được xem là “ChatGPT cho y tế”, đảm nhiệm vai trò như một trợ lý ảo thông minh.

 

Ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI - Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: Đơn vị đã ra mắt giải pháp CMC Legislation Document System. Giải pháp ứng dụng Big Data, AI hỗ trợ cán bộ ngành tư pháp xây dựng, kiểm tra, rà soát các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, giải pháp này cho phép tìm kiếm tương đồng, phát hiện ra các mâu thuẫn, chồng chéo, vi phạm pháp luật giữa các văn bản quy phạm pháp luật. CMC đã phát triển dựa trên Big Data – tổng hợp hơn 125.000 văn bản của Bộ Tư pháp và 334.000 văn bản trên Thư viện pháp luật. Song sóng đó, đội ngũ kỹ thuật cũng xây dựng giải pháp giúp nhận dạng ký tự, tìm được tương đồng và xây dựng dữ liệu dựa trên ngôn ngữ. Ứng dụng phát triển dựa trên đồ thị tri thức dưới hình thức Chatbot, thân thiện với người dùng.

Chuyển đổi mô hình truyền thống sang linh hoạt

Ông Vũ Hồng Chiên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo FPT Quy Nhơn, cho biết: "Từ khảo sát trong việc ứng dụng AI, chuyển đổi số, bất kể đơn vị, doanh nghiệp nào cũng phải trải qua những thách thức thay đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang linh hoạt. Việc ứng dụng AI vào hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn. Khó khăn thứ nhất bắt đầu ngay từ chất lượng dữ liệu. Để AI hoạt động hiệu quả, dữ liệu phải được xử lý và duy trì chất lượng cao. Nhưng việc có được dữ liệu chất lượng có thể là một thách thức, đặc biệt là khi nó liên quan đến quy trình bảo vệ dữ liệu cá nhân".

Thứ hai là kiến thức và nhận thức không chỉ của người lao động trong việc vận hành và kinh doanh mà còn từ những chủ doanh nghiệp. Họ chỉ có thể chuyển đổi khi ý thức được vai trò của công nghệ số mang lại giá trị, lợi ích như thế nào cho doanh nghiệp như: cắt giảm chi phí, tăng doanh thu... Thứ ba là vấn đề liên quan đến an toàn và bảo mật. Việc tích hợp AI vào mô hình kinh doanh, việc bảo vệ dữ liệu và đảm bảo bảo mật thông tin trở thành mối quan tâm hàng đầu. Thứ tư là tác động xã hội và lao động. Sự tự động hóa có thể tạo ra thách thức về việc giữ nguồn việc làm truyền thống và đòi hỏi sự chuẩn bị cho nhân sự để làm việc cùng với các hệ thống AI. Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải quản lý được sự thay đổi mô hình kinh doanh và những thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Ông Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện Công nghệ ứng dụng CMC ATI Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết: "AI hỗ trợ nhiều cho quá trình xây dựng văn bản pháp luật song đôi lúc chưa đạt đủ chặt chẽ. Để hiểu thấu đáo các văn bản thì ngay cả người làm luật còn có tranh cãi, chưa nói tới người dân, các tổ chức. Đây cũng là một thách thức lớn trong sử dụng AI".

 

“Để các đội ngũ công nghệ hiểu được các văn bản pháp luật, về mặt ngôn ngữ nói chung, CMC mời các chuyên gia, có sự phối hợp rất nhiều bên và kể cả các cán bộ ngành tư pháp để hoàn thiện hệ thống luật. Đơn vị đã phải gặp và tham khảo quy trình họ làm văn bản pháp luật, việc kiểm tra, rà soát hợp lệ hay không”, ông Đặng Minh Tuấn cho biết.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: “Năm 2024 còn là năm phát triển AI, nhất là AI hẹp, tạo ra các ứng dụng AI cho từng lĩnh vực, các AI công nghiệp. AI hoạt động được là khi con người chỉ ra cho nó một mục đích, một số nguyên tắc nhất định. Nếu không có hai cái này thì AI sẽ đứng yên. Con người thì lại có thể chỉ ra các mục đích khác nhau, ra các nguyên tắc khác nhau, trong các bối cảnh khác nhau, để giải quyết những vấn đề khác nhau”.

“Rồi sẽ đến lúc mỗi người có một trợ lý ảo của riêng mình, trợ lý ảo này không chỉ là tri thức của nhân loại mà còn mang bản sắc của cá nhân mỗi người. Ứng dụng AI hẹp, AI công nghiệp sẽ mang lại hiệu quả nhanh, giúp tăng năng suất lao động, thông minh hoá nguồn nhân lực, lại ít nguy cơ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm