Khoa học - Công nghệ

Ứng dụng công nghệ trong phòng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường thương mại điện tử

Mặc dù thương mại điện tử (TMĐT) đang mang lại nhiều tiện ích, tuy nhiên, tình trạng tình trạng hàng xâm phạm quyền SHTT như hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm bản quyền,… trên môi trường TMĐT tại Việt Nam đang trở thành vấn đề nghiêm trọng, gây ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Bình Định ứng dụng công nghệ DNA bảo tồn gene cây dừa nước / Phát triển nhân lực đáp ứng công nghệ cao và chuyển đổi số quốc gia

Điều này khiến công tác tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng chống các hành vi xâm phạm quyền SHTT là đòi hỏi thực tiễn và cấp bách.

Hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên các sàn TMĐT

Theoông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng Miền Nam Cục Sở hữu Trí tuệ, sự xuất hiện của các sàn TMĐT trong những năm gần đây đã mang lại nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, đồng thời tạo thêm một kênh kinh doanh ‘màu mỡ’ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Tuy vậy, sự bùng nổ mạnh mẽ của lĩnh vực kinh doanh trực tuyến cùng với những kẽ hở pháp lý đã tạo điều kiện cho các hành vi bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên các chợ trực tuyến gia tăng.

a1

Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh báo cáo về công tác QLTT năm 2024

Vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, trong năm 2024, tình hình vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ngày càng diễn biến phức tạp với tính chất và mức độ nghiêm trọng gia tăng. Các đối tượng vi phạm không chỉ dừng lại ở khâu thương mại mà còn tham gia toàn bộ chu trình khép kín, từ sản xuất đến phân phối, đưa hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vào lưu thông.

Với quy mô vi phạm lớn, số lượng và giá trị hàng hóa vi phạm cao, nhiều vụ việc phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý dấu hiệu hình sự. Một số vụ điển hình gồm: phát hiện, thu giữ sách giáo khoa giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại Hậu Giang và Sóc Trăng; sản xuất bóng golf giả tại Yên Bái; thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả của Công ty Cổ phần Sữa Hà Lan; gạo giả thương hiệu "Gạo Ông Cua"; sản xuất thuốc giả nhãn hiệu của Công ty Cổ phần Dược phẩm Boston Việt Nam và động cơ máy nổ giả nhãn hiệu của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại HBT. Ngoài ra, nhiều vụ sản xuất thực phẩm bổ sung giả mạo nhãn, bao bì tại Hà Nội và Tây Ninh cũng bị phát hiện.

Tình hình vi phạm về kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến phức tạp do nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao.

Việc đa số các thương nhân xây dựng nhiều kho hàng gần cửa khẩu và thiết lập các điểm livestream chốt đơn ở các tỉnh, thành phố, giao hàng thông qua đơn vị chuyển phát cũng khiến công tác kiểm tra, giám sát trở nên khó khăn hơn với lực lượng chức năng.

Nhờ tập trung vào hoạt đông giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực thương mại điện tử, năm 2024, lực lượng QLTT đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 68.280 vụ (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2023), phát hiện, xử lý 47.135 vụ vi phạm (giảm 10% so với cùng kỳ năm 2023); chuyển cơ quan điều tra 178 vụ có dấu hiệu tội phạm (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023). Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước trên 541 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2023). Trị giá hàng hóa vi phạm 425 tỷ đồng (tăng 23% so với năm 2023), trong đó: trị giá hàng hóa tịch thu 220 tỷ đồng; trị giá hàng hóa buộc tiêu hủy là 205 tỷ đồng.

 

Những con số này cho thấy mức độ nghiêm trọng của các vi phạm liên quan tới hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường TMĐT hiện nay.

Điều gì khiến hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ khó kiểm soát trên các sàn thương mại điện tử?

a2

Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Văn phòng Miền Nam Cục Sở hữu Trí tuệ

Ông Trần Giang Khuênhận định,có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khiến cho tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trở nên khó kiểm soát trên các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, có thể đề cập tới một số nguyên nhân lớn như: Nhiều đối tượng kinh doanh hàng giả không có kho hàng hay cửa hàng cố định. Họ thường chỉ tiếp nhận đơn đặt hàng trực tuyến và phân tán hàng hóa ở nhiều địa điểm khác nhau, khiến cho việc xác định nguồn gốc và kho chứa của sản phẩm trở nên khó khăn. Việc mua và bán hoàn toàn được thực hiện thông qua các hệ thống từ sàn TMĐT khiến công tác kiểm soát của cơ quan chức năng cũng trở nên khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, việc lợi dụng sự tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện hành vi gian lận, như tạo lập các tài khoản ảo hoặc sử dụng các trang web giả mạo cũng khiến các đối tượng dễ dàng tạo ra và xóa tài khoản trên các nền tảng TMĐT và mạng xã hội khi bị cơ quan chức năng ‘sờ gáy’ cũng khiến việc siết hàng hóa vi phạm trên chợ mạng trở nên không rõ ràng.

 

Đặc biệt, tuy hiện nay về quy định pháp luật đã có gần như đầy đủ các quy định pháp luật, mức xử lý vi phạm hàng giả, hàng nhái mạnh hơn nhưng vẫn còn chưa đủ tính răn đe cho lợi nhuận của gian thương là rất lớn.

Ngoài ra, việc nhiều người tiêu dùng thiếu kiến thức về cách nhận biết hàng giả dẫn đến việc họ dễ dàng bị lừa khi lựa chọn mua hàng trên các sàn TMĐT. Sự thiếu hụt thông tin về sản phẩm cũng làm tăng nguy cơ mua phải hàng giả.

Bên cạnh đó, vẫn có không ít người tiêu dùng biết mình đang mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nhưng vẫn chấp nhận bởi loại hàng hóa này phù hợp với túi tiền của họ. Lối suy nghĩ này đã vô tình ‘thúc đẩy’ hàng giả, hàng nhái phát triển mạnh.

Ứng dụng công nghệ - Giải pháp hiệu quả trong phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên sàn thương mại điện tử

Gian thương lợi dụng công nghệ để làm lợi trái pháp luật, tuy nhiên, hiện nay, chúng ta cũng có ngày càng nhiều các giải pháp công nghệ hữu ích giúp nâng cao hiệu quả trong việc phòng chống hàng giả. Có thể kể đến như giải pháp nhận dạng sản phẩm bằng công nghệ RFID; Phân tích Big Data để phát hiện hành vi vi phạm; Công nghệ phân tích Điều tra số Digital Forensics,…

 

Theo chia sẻ củaTrưởng Văn phòng Miền Nam Cục Sở hữu Trí tuệ, để tự bảo vệ chính mình và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, thời gian qua, các doanh nghiệp đã chú trong ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ trong phòng, chống hàng giả.

Hiện nay, nhiều đơn vị đã xây dựng hệ sinh thái công nghệ về chống hàng giả để doanh nghiệp có thể ứng dụng như tích hợp các công nghệ chống giả trên tem – bao bì; mã QR Code và SMS (cấp mã QR in trên bao bì, tem chống giả); chống sao chép, làm giả/nhái sản phẩm…

Điều này giúp truy vết thông tin, kiểm soát đường đi của hàng hóa giúp chống giả hiệu quả hơn. Ngoài ra, hệ thống chạy trên điện toán đám mây, nên tra cứu thông tin và giám sát từ xa một cách dễ dàng.

a3

Ứng dụng công nghệ nhận diện hàng thật – hàng giả đang là giải pháp phổ biến trong phòng chống hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đã áp dụng công nghệ chuỗi khối Blockchain giúp xác minh nguồn gốc sản phẩm và theo dõi toàn bộ quy trình sản xuất và phân phối; nhận diện hình ảnh và quét sản phẩm bằng công nghệ camera để phân biệt hàng thật hay giả; phát triển ứng dụng app trên di động cho phép người tiêu dùng tra cứu thông tin sản phẩm, kiểm tra tính xác thực qua hệ thống mã sản phẩm hoặc tem chống giả.

 

Gần đây, nhiều sàn TMĐT cũng đã yêu cầu thực hiện định danh tài khoản bán hàng. Việc định danh này sẽ góp phần tăng cường trách nhiệm của người bán hàng trong hoạt động kinh doanh trực tuyến, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho khách hàng khi giải quyết các tranh chấp phát sinh trong hoạt động mua bán.

Bảo vệ, thực thi quyền SHTT trong môi trường số cần có sự phối hợp đồng bộ của Nhà nước – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng

Theo ông Trần Giang Khuê, nhằm tăng cường hiệu quả chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường trực tuyến, ngày 29/3/2023 Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Quyết định 319/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025, trong đó việc chống hàng giả trên thương mại điện tử tiếp tục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.

Đề án nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng. Đồng thời, nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng được bảo đảm. Để án cũng nhằm bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững tại Việt Nam.

a4

Để tăng cường hiệu quả bảo vệ, thực thi quyền SHTT trong môi trường số trong thời gian tới, ông Trần Giang Khuê khiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cần đóng vai trò then chốt trong việc kiểm soát và xử lý hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Trong đó, các cơ quan liên quan cần rà soát các quy định về pháp luật, nhất là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi); cần yêu cầu bổ sung trách nhiệm của các chủ mạng xã hội, sàn giao dịch TMĐT; tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân, doanh nghiệp; phổ biến và nâng cao năng lực cán bộ các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp và công chúng.

 

Tăng cường ứng dụng công nghệ số vào hoạt động SHTT; tăng cường trách nhiệm của các tổ chức trung gian; tăng cường các biện pháp tự bảo vệ quyền, bảo vệ quyền bằng công nghệ (chủ thể quyền) cũng là yếu tố cần được coi là trọng tâm.

Công nghệ là công cụ hỗ trợ hiệu quả trong công cuộc chống lại hàng giả, hàng nhái trên chợ số, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ thực thi quyền SHTT trên môi trường số sẽ giúp nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát thị trường, đồng thời tiết kiệm sức người trong xử lý các hành vi gian lận.

Về phía doanh nghiệp, cần tiến hành đăng ký quyền sở hữu trí tuệ; theo dõi, kiểm tra thị trường để phát hiện hành vi xâm phạm tài sản trí tuệ của mình và có biện pháp xử lý; Đăng ký quyền SHTT ra nước ngoài cần thiết để bảo hộ các tài sản trí tuệ; Tự bảo vệ mình bằng mọi biện pháp mà pháp luật cho phép, nhất là các biện pháp quản trị thông minh, chuyển đổi số, công nghệ 4.0.

Các doanh nghiệp cũng cần chú trọng xây dựng các kênh phân phối chính hãng và hợp tác với các sàn TMĐT uy tín để đảm bảo sản phẩm chính hãng được đưa tới tay người tiêu dùng.

Cùng với đó, ông Trần Giang Khuê cũng khuyến khích các doanh nghiệp chủ động yêu cầu và chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý hành vi xâm phạm trong TMĐT. Theo đó, các doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan chức năng để ngừng hành vi bán hàng giả trên các website bán lẻ; Khởi kiện hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ trên nền tảng mạng xã hội; Sử dụng công nghệ giám sát để phát hiện hàng giả trên các sản TMĐT.

 

Người tiêu dùng cũng được khuyến nghị cần chủ động trang bị cho bản thân các kỹ năng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, sử dụng các công cụ truy xuất thông tin do doanh nghiệp cung cấp như mã QR hoặc ứng dụng xác thực sản phẩm chính hãng. Đồng thời, cần thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên lựa chọn các kênh phân phối chính thức hoặc các sàn TMĐT uy tín thay vì các nguồn không rõ ràng để đảm bảo quyền lợi.

Cơ quan quản lý và doanh nghiệp cũng cần tăng cường phối hợp thực hiện các chiến dịch tuyên truyền thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội, hội thảo để người tiêu dùng có thể hiểu rõ hơn về cách phân biệt hàng thật – giả, cũng như hậu quả của việc sử dụng hàng giả đối với sức khỏe và kinh tế.

Nhìn rộng hơn, Việt Nam cũng cần tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế, như WIPO, WTO, APEC IP, ASEAN, CPTPP, OECD, Global IP Alliance,… về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và chống hàng hóa vi phạm để học hỏi và ứng dụng các biện pháp hiệu quả hơn trong hoạt động quản lý.

Chống hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là một hành trình đầy thách thức, tuy nhiên, với sự hỗ trợ của các ứng dụng công nghệ tiên tiến cùng sự vào cuộc đồng bộ của Nhà nước – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng, thị trường TMĐT sẽ sớm được thanh lọc.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm