Ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ giám sát thiên tai
DNVN - Năm 2021, việc ứng dụng khoa học công nghệ đã giúp Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) ngày càng được hoàn thiện, vận hành và khai thác hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện chỉ đạo sẵn sàng ứng phó với thiên tai / Kiện toàn Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai
Ngày 30/12 tại Hà Nội, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) đã tổ chức “Hội nghị đánh giá tình hình thiên tai năm 2021 và đề ra các nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2022”. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị.
Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 của Tổng cục Phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Năm 2021, tình hình thiên tai trên thế giới vẫn diễn biến rất khốc liệt, gây thiệt hại nặng nề ở ngay các nước phát triển, nơi có cơ sở hạ tầng chống chịu tốt hơn.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị
Điển hình như siêu bão Ida đổ bộ vào miền đông nước Mỹ, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở Đức và Bỉ vào tháng 7 gây thiệt hại 43 tỷ USD; trận lũ lịch sử ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vào tháng 7 với thiệt hại ước tính 17,6 tỷ USD, siêu bão Rai gây thiệt hại nặng nề cho Philippines. Tổng số người chết là hơn 16.000 người, thiệt hại hơn 105 tỷ USD. Còn ở Việt Nam, năm nay đã xảy ra 841 trận thiên tai với 18/22 loại hình khác nhau, làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; ước tính thiệt hại khoảng hơn 5.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Khí tượng - thủy văn, năm 2021 được đánh giá là một năm “mưa thuận gió hòa” với mức thiệt hại ít hơn nhiều so với năm 2020 và gần như thấp nhất từ trước tới nay. Năm 2020, tổng số người bị thiệt mạng và mất tích do thiên tai gây ra là 357 người, thiệt hại về kinh tế lên tới 39.945 tỷ đồng (tức là gấp gần 8 lần năm 2021).
Đáng chú ý, năm 2021, việc ứng dụng khoa học công nghệ được triển khai tới mọi lĩnh vực công tác nhất là Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam (VNDMS) ngày càng được hoàn thiện, vận hành, khai thác hiệu quả; xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về đê điều, hồ chứa, dữ liệu sạt lở bờ sông, bờ biển phòng, chống thiên tai.
Thường xuyên cập nhật các dữ liệu về dân sinh, kinh tế, công trình phòng chống thiên tai kết nối với các hệ thống dữ liệu của địa phương phục vụ cho công tác tham mưu chỉ đạo điều hành trong các tình huống thiên tai.
Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng đã xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm quốc gia về phòng chống thiên tai khu vực Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cứu Long; xây dựng và báo cáo Ban Cán sự về khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai giai đoạn 2020 - 2030. Đề xuất và tổ chức thực hiện một số đề tài khoa học cấp nhà nước về cơ chế, chính sách thực hiện nội dung đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới.
Công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phục vụ quản lý, giám sát được rà soát điều chỉnh bổ sung đảm bảo áp dụng hiệu quả sau khi được ban hành.
Tổng cục cũng đã xây dựng Bộ tài liệu hướng dẫn nhận biết và phòng tránh thiên tai lũ quét, lũ bùn để phục vụ cho các cơ quan quản lý, khoa học và người dân. Hoàn thành 3 tuyển tập về Khoa học công nghệ trong Phòng chống thiên tai.
Cùng đó, các dự án mở mới thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 gồm 13 dự án với tổng mức đầu tư là 7.410 tỷ đồng, đến nay 12/13 dự án đã có quyết phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện các bước tiếp theo. Hiện Tổng cục đang quản lý và triển khai theo tiến độ 3 dự án điều tra cơ bản, 4 dự án trái phiếu Chính phủ, 9 dự án ODA hỗ trợ kỹ thuật.
Mặc dù chủ động triển khai ứng phó và các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát rủi ro với thiên tai, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, ứng dụng khoa học công nghệ… nhưng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng thừa nhận những tồn tại và hạn chế hiện nay như phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai chưa sát với thực tế. Một số văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình xây dựng còn lúng túng.
Năm 2022, Tổng cục Phòng chống thiên tai kiến nghị Bộ NNPTNT báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch phòng chống thiên tai quốc gia giai đoạn 2021-2025; sớm ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý Quỹ Phòng chống thiên tai; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai quốc gia; nâng cấp cơ sở dữ liệu, trang thiết bị.
Hà Anh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tổng Bí thư: Chú trọng gỡ rào cản thể chế để khoa học công nghệ bứt phá
Khoa học công nghệ đóng góp công lớn vào giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp
5 tiểu hành tinh nguy hiểm nhất hệ mặt trời, có nguy cơ va chạm vào Trái Đất
Thành lập Liên minh ứng phó sự cố an ninh mạng Quốc gia
Việt Nam - Czech thúc đẩy hợp tác khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo
Cột tin quảng cáo