Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng mạnh
10 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2013, trong đó quý I tăng 5,3%, quý II tăng 6,9%, quý III tăng 7,8%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,4%
Theo công bố của Tổng cục Thống kê ngày 27/10, trong mức tăng chung 10 tháng của toàn ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 7,0% của 10 tháng năm 2013, đóng góp 5,9 điểm phần trăm.
Sản xuất và phân phối điện tăng 11,5%, cao hơn nhiều so với mức tăng 8,6% của cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; ngành khai thác tăng 0,7%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong các ngành sản xuất, một số ngành có chỉ số sản xuất 10 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 33,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 21,3%.
Trong các sản phẩm công nghiệp, một số sản phẩm đạt mức tăng cao trong 10 tháng: Điện thoại di động tăng 54,6% so với cùng kỳ năm trước; ô tô tăng 28,5%; sữa tươi tăng 21,6%...
Chỉ số sản xuất công nghiệp 10 tháng so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn là: Long An tăng 12%, Hải Phòng tăng 11,8%, Đà Nẵng tăng 11,1%, Hải Dương tăng 9,9%, Bình Dương tăng 8,4%, Đồng Nai tăng 7,8%, TPHCM tăng 6,7%... Tuy nhiên, Bắc Ninh lại giảm 6,8%, do Công ty Samsung đầu tư thêm nhà máy tại Thái Nguyên nên có sự điều tiết về nguồn lực và sản lượng sản phẩm giữa 2 cơ sở trên.
Riêng trong tháng 10, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số tiêu thụ tăng hơn 10%
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo từ đầu năm đến hết tháng 9 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Các ngành có chỉ số tiêu thụ 9 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm 2013 là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 33,1%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 23,4%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiết bị) tăng 17,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 15,5%; sản xuất thiết bị điện tăng 13,8%.
Một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng thấp hoặc giảm gồm: Sản xuất trang phục tăng 7,9%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 7,3%; sản xuất thuốc lá giảm 8,8%.
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/10 tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng thời điểm năm 2013.
Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng chung là: Sản xuất sản phẩm thuốc lá giảm 26,5%; sản xuất giường, tủ, bàn ghế giảm 15,2%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 11,5%; sản xuất thiết bị điện giảm 10,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan giảm 7,7%; sản xuất đồ uống giảm 5,3%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hóa chất tăng 5,0%; sản xuất xe có động cơ tăng 6,9%.
Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng là 75,9%, trong đó một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 156,5%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 119,8%; sản xuất, chế biến thực phẩm 97,8%; sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc thiêt bị) có cùng tỷ lệ 88,7%.
Chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1/10 tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 5% so với cùng thời điểm năm trước.
Theo chinhphu.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Cột tin quảng cáo