Công nghiệp hỗ trợ chờ “hỗ trợ”
Nhiều năm qua, Việt Nam mới chỉ tập trung thu hút các DN lớn nước ngoài đầu tư để nhanh chóng lấp đầy các KCN và tạo ra giá trị SXCN tăng đột biến, trong khi các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ (CNHT) thường có quy mô nhỏ và vừa gần như chưa được sự quan tâm đúng mức.
Vẫn quy mô nhỏ lẻ
Theo số liệu tổng hợp và phân tích của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ năm 2000 đến tháng 7 năm 2012, cả nước có 12.370 dự án FDI còn hiệu lực đang hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp, với tổng số vốn đầu tư là 109,7 tỷ USD.
Nhìn bức tranh đầu tư nước ngoài trong giai đoạn vừa qua phần nào phản ánh cơ cấu các ngành công nghiệp của Việt Nam. Các ngành “thâm dụng vốn” là cơ khí, hóa chất, điện tử hiện đã được các DN có vốn đầu tư nước ngoài quan tâm và đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế. Khu vực các ngành ít thâm dụng vốn như dệt may, da giày, chế biến nguyên liệu và đồ uống đã thu hút được số lượng dự án đáng kể, góp phần giải quyết việc làm, tăng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.
Tính đến năm 2012, lĩnh vực CNHT đã có 1.631 DN FDI đầu tư với số vốn đăng ký lên tới trên 22,8 tỷ USD, chiếm 13,2% số dự án và 20,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, lĩnh vực CNHT thu hút được nhiều vốn FDI đầu tư là điện - điện tử với số vốn thu hút trên 10 tỷ USD, cơ khí thu hút được trên 5,2 tỷ USD, dệt may trên 5,1 tỷ USD. Lĩnh vực hóa chất thu hút được trên 1,9 tỷ USD vốn FDI và CNHT ngành da giày chỉ thu hút được khoảng 305,6 triệu USD.
Cho đến nay CNHT cung cấp cho ngành xe máy được coi là “thành công nhất” với việc hình thành một hệ thống các nhà cung ứng ngay trong nội địa. Tỷ lệ nội địa hóa các loại xe gắn máy do trong nước sản xuất đạt khoảng 85-90%. Bước đầu đã có sự chuyển giao công nghệ từ các công ty lắp ráp nước ngoài đến các DN Việt Nam cung ứng linh kiện, tuy nhiên nhiều linh kiện, chi tiết quan trọng với “giá trị cao” vẫn do các nhà cung ứng FDI thực hiện.
Được kỳ vọng làm thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp Việt Nam, nhưng xem ra ngành CNHT nước ta hiện nay mới chỉ ở giai đoạn đầu của sự phát triển, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chủ yếu sản xuất các linh kiện, chi tiết đơn giản, giá trị gia tăng thấp. Ngoài ra còn có sự chênh lệch về năng lực phụ trợ giữa các DN vừa và nhỏ nội địa của Việt Nam với các yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu.
CNHT có thể phát triển ?
Các dự án sản xuất CNHT được Chính phủ Việt Nam ưu đãi và khuyến khích đầu tư vào Việt Nam thời gian qua không ít, nhưng hầu như các hãng chỉ sản xuất linh phụ kiện phục vụ 100% cho xuất khẩu. Nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào của các dự án này hầu hết cũng 100% nhập khẩu. Các nhà sản xuất CNHT xuất khẩu loại này ít có động cơ nội địa hóa, thường lựa chọn đầu tư vào Việt Nam để tận dụng thị trường lao động rẻ, các ưu đãi của Chính phủ về giá thuê đất, thuế thu nhập DN… Mặc dù đây là các dự án có vốn đầu tư rất lớn, tạo nhiều việc làm, nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm gần như không có, không giảm nhập siêu, không tạo ra các tác động lan tỏa sang các DN nội địa. Đây là các bất cập rất lớn trong các dự án thu hút đầu tư FDI vào ngành CNHT.
Thực tế thấy rằng do dung lượng thị trường còn nhỏ, việc áp dụng chính sách khuyến khích ưu đãi trực tiếp cho các DN ngành CNHT khó thực hiện được vì vi phạm các cam kết của Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực. Bên cạnh đó, các DN chưa quan tâm đầu tư phát triển vào lĩnh vực được coi là các ngành thâm dụng công nghệ và vốn này. Bộ Công thương nhìn nhận.
Ngoài ra, vai trò hỗ trợ trung gian của các tổ chức, các hiệp hội, cơ quan quản lý nhà nước chưa thể hiện rõ, kể cả ở khâu hoạch định chính sách kế hoạch đến thực thi. Các chương trình phát triển CNHT do một số tổ chức xúc tiến đã hình thành, nhưng chưa có chương trình nào thật sự hiệu quả, hầu hết vẫn dừng lại ở các hội thảo khởi động kêu gọi sự chú ý của công luận. Số DN và các đối tượng trực tiếp của các hoạt động này vẫn chưa nhận được các hỗ trợ cần thiết.
Theo kinh nghiệm của các quốc gia công nghiệp hóa nhanh và thành công như Hàn Quốc, Nhật Bản thì thị trường nội địa được tạo ra bởi các tập đoàn kinh tế ngay trong nội địa là khu vực rộng lớn và nhiều tiềm năng để thu hút đầu tư vào CNHT. Nếu CNHT chỉ trông đợi vào thị trường của các nhà lắp ráp toàn cầu hoặc các nhà cung ứng FDI thì Việt Nam sẽ còn rất lâu mới có thể phát triển mạnh các ngành CNHT.
Để phát triển ngành CNHT, các quốc gia đi trước tập trung vào thu hút FDI và bằng quy định tỷ lệ nội địa hóa đối với các DN FDI. Từ hai chính sách này, các ngành công nghiệp trong nước đã được nhận chuyển giao công nghệ từ các DN nước ngoài. Rất tiếc là ngành công nghiệp Việt Nam đã bỏ qua giai đoạn đó!
Trong bối cảnh hiện nay, các chính sách liên quan đến yêu cầu nội địa hóa là hết sức nhạy cảm vì có thể “vi phạm” các quy định tự do hóa thương mại quốc tế. Vì thế, để phát triển ngành CNHT chúng ta cần có một số công cụ “sắc nét” hơn để thu hút và sớm nhận chuyển giao từ các DN FDI sang DN nội địa trước khi quá muộn.
Quyết Thắng
Theo NDO
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo