Công nhân ngừng việc phản đối chính sách vô lý của chủ doanh nghiệp
Làm thêm 120 giờ/tháng
Công ty Doojung Việt Nam 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất chổi cọ trang điểm, nhà máy đặt tại lô CN-B6, Khu công nghiệp Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội. Doanh nghiệp này có khoảng 500 công nhân (trong đó 70% là lao động nữ), đi vào hoạt động tại Việt Nam được 27 tháng, tuy nhiên đã xảy ra 2 lần công nhân ngừng việc tập thể để phản đối các quy định hà khắc của chủ sử dụng lao động.
Công nhân Nguyễn Thị Nhật cho biết: “Tháng 3.2013, tôi phải tăng ca 120 giờ/tháng. Mặc dù làm việc nhiều, nhưng số tiền làm thêm giờ của chúng tôi chỉ được nhận là 18.000 đồng/giờ. Buổi trưa công nhân chỉ được nghỉ 30 phút để ăn cơm - việc xếp hàng lấy cơm đã mất hơn 10 phút. Không những bị ép làm thêm giờ quá nhiều nhưng không được hưởng đúng thành quả lao động, công nhân làm việc tại Công ty Doojung Việt Nam còn không được hưởng ngày nghỉ theo đúng hợp đồng đã được ký với chủ doanh nghiệp.
Công nhân Tống Thị Thắm (xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ) bức xúc cho biết: “Trong hợp đồng lao động có ghi rõ ngày chủ nhật - công nhân được nghỉ. Tuy nhiên, có những thời điểm lãnh đạo công ty vẫn bắt chúng tôi phải tăng ca. Không chỉ tăng ca bình thường mà họ bắt phải làm thông 25 giờ liên tục (công nhân phải làm việc từ 7 giờ sáng thứ 7 đến 8 giờ ngày chủ nhật)”.
Sinh đẻ… bị sa thải
Một trong những trường hợp bị sa thải trái luật là công nhân Đỗ Thị Ái. Chị Ái cho biết: "Tôi đã làm việc ở công ty hơn một năm, hiện đang có thai được gần 7 tháng. Trong thời gian qua, tôi đã bị lãnh đạo công ty thông báo nghỉ việc. Khi thắc mắc thì lãnh đạo công ty bảo cứ nghỉ sinh đẻ, bao giờ con lớn thì nộp hồ sơ, công ty sẽ tạo điều kiện tiếp nhận". Khi bị sa thải, công nhân thắc mắc về quyền lợi mình được hưởng thì lãnh đạo công ty trả lời: Làm gì có chế độ mà đòi hỏi. Ngoài trường hợp của chị Ái, trong thời gian qua đã có 3 công nhân nữ bị lãnh đạo công ty sa thải… vì sinh đẻ.
Ngoài những trường hợp bị sa thải trái luật, người lao động tại Công ty Doojung cũng đang rất hoang mang là hàng tháng công nhân vẫn bị công ty khấu trừ tiền lương để đóng các khoản bảo hiểm, tuy nhiên số tiền bị khấu trừ công nhân không biết công ty có đóng cho người lao động hay không? Công nhân Nguyễn Thị Nhung cho biết: “Tôi làm việc công ty này được 16 tháng, lương của tôi được gần 2.515.000 đồng, mỗi tháng đều bị chiết khấu 250.000 đồng. Theo giải thích của kế toán công ty thì số tiền đó là chiết khấu để đóng bảo hiểm. Nhưng khi tôi hỏi cơ quan bảo hiểm thì họ cho biết công ty không đăng ký đóng. Không biết số tiền bị thu hàng tháng đi đâu về đâu?”.
Đoàn Huế
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo