Công phá sự trì trệ
Cụ thể, Nghị quyết 19 mới yêu cầu, từ năm 2016 trở đi, môi trường kinh doanh (MTKD) của VN phải đạt thứ hạng ngang các nước ASEAN 4 (Philippines, Malaysia, Singapore và Thái Lan) với các chỉ tiêu cụ thể: giảm thời gian nộp thuế và bảo hiểm bắt buộc xuống 168 giờ/năm (hiện nay vẫn trên 400 giờ); xin cấp phép xây dựng không quá 77 ngày; đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản không quá 14 ngày (hiện nay là 57 ngày)...
Không giống như Nghị quyết 19 cũ, Nghị quyết 19 mới, dù yêu cầu cao hơn rất nhiều, nhưng lại được nhiều chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các bộ, ngành cho rằng sẽ thực hiện được.
Cơ sở của niềm tin này là Nghị quyết 19 cũ khi ban hành có rất nhiều cán bộ, công chức các bộ, ngành cho rằng không thể thực hiện được như ngành tài chính, một trong những ngành trước đây được coi là “bảo thủ” nhất về các chính sách, thủ tục hành chính về thuế, hải quan... nhưng sau một năm thực hiện, đã giảm ngay được từ 872 giờ thủ tục nộp thuế, bảo hiểm xã hội... còn khoảng 400 giờ.
Ngành điện cũng được cho là “khối bê tông” về thủ tục cấp điện, cũng đã giảm thủ tục cấp điện từ 115 giờ xuống còn 18 giờ… Vấn đề của cải cách thủ tục hành chính hiện nay chỉ là: không gì không làm được, vấn đề là có muốn làm hay không!
Nghị quyết 19 lần 2 càng có cơ sở thực hiện hơn bởi có những thay đổi lớn về thể chế, luật pháp đã được thực hiện trong năm 2014 như các luật rất quan trọng: luật Đầu tư (sửa đổi), luật Doanh nghiệp (sửa đổi)... đã được thông qua, theo đó, hàng loạt giấy phép con, thủ tục không cần thiết đã được xóa bỏ. Cộng với hệ thống thông tin, dữ liệu một cổng quốc gia mới đưa vào vận hành sẽ càng hỗ trợ cho các bộ, ngành, các cấp quản lý cơ sở giảm quy trình, thủ tục hơn nữa, đảm bảo đạt những yêu cầu mà Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên, không thể không nhìn thấy, có những bộ ngành đã thực hiện cải cách tốt nhưng có những bộ, ngành vẫn chưa thấy sự thay đổi.
Ví dụ, tuần trước, Bộ Khoa học - Công nghệ vẫn đưa ra một dự thảo Thông tư mới thay cho Thông tư 20/TT-KHCN cũ (đã bị đình chỉ ngay khi ban hành), nhưng nội dung không khác nhiều so với trước: vẫn giữ quy định tỷ lệ chất lượng máy móc, thiết bị nhập khẩu phải trên 80%, vẫn quy định những thủ tục rườm rà trong kiểm định hàng hóa... mà nhiều doanh nghiệp phải ngán ngẩm: không ban hành thì tốt hơn.
Theo phản ánh của doanh nghiệp, tình trạng nhũng nhiễu của cán bộ, công chức cấp cơ sở vẫn chưa giảm; kết quả khảo sát với hàng ngàn doanh nghiệp qua việc thực hiện Nghị quyết 19 cũ vẫn cho thấy, các khoản chi phí không chính thức vẫn nhiều và “không nhỏ”.
Dễ thấy, thách thức cho cải cách theo tinh thần Nghị quyết 19 mới vẫn rất lớn; nếu cải cách hành chính không đi cùng với cải cách bộ máy thì cuộc cải cách này sẽ khó thành công.
Nên nhớ rằng, hoạt động cải cách theo Nghị quyết 19 cũ tuy đã đồng bộ và có những thành công nhất định nhưng mới chỉ nâng được vị trí MTKD của VN trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới có 2 bậc.
Nếu cải cách năm nay không đi sâu hơn, mạnh hơn, phá vỡ nốt những khâu, những thủ tục trì trệ, bảo thủ nhất của hệ thống thì kết quả cải cách chỉ có thể đem lại sự hài lòng kiểu “ta so với ta trước đây”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc