Công trình chống ngập chưa nghiệm thu đã sạt lở, trôi sông
Ngày 11/5, Chánh Văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan đã dẫn đầu tổ công tác làm việc với huyện Hóc Môn về tình hình thực hiện nhiệm vụ do UBND TP và Chủ tịch UBND TP giao năm 2018.
Huyện “vượt mặt” cấp trên tăng vốn dự án
Tại đây, ông Trần Ngọc Hổ - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP – chia sẻ thông tin về việc huyện Hóc Môn xin điều chỉnh 22 công trình trên địa bàn do thay đổi tổng mức đầu tư và quy mô thiết kế.
“Thay đổi tổng mức đầu tư, quy mô thiết kế nhưng huyện vẫn tổ chức triển khai mà theo quy định thì TP phải đồng ý thì mới làm. Còn làm luôn mà không trình”, ông Hổ nói.
Theo ông Hổ, huyện Hóc Môn muốn trình điều chỉnh công trình thì phải có báo cáo giám sát đầu tư, phải rà lại các công trình, cần thiết thì mời các sở, ngành về giải quyết từng công trình một.
“Vì hiện nay có những công trình thi công rồi, không nghiệm thu được mà khối lượng công việc phát sinh lớn hơn khối lượng được duyệt ban đầu. Thậm chí, có những công trình đê kè sạt lở mất tiêu rồi nên rất khó. Chuyện này không đơn giản”, ông Hổ thẳng thắn.
Ông Hổ cho rằng phải kiểm tra, kiểm định về mặt khối lượng, làm rất kỹ hồ sơ thì các sở, ngành mới dám duyệt điều chỉnh. “Có công trình khối lượng vượt trăm phần trăm khối lượng ban đầu nhưng giờ xác định không được mà để tăng vô rồi mai mốt nó mất đi đâu cũng chết”, ông Hổ băn khoăn.
Bổ sung thêm, ông Võ Văn Hoan gợi ý huyện phân loại 22 công trình ra từng nhóm: nhóm công trình có khả năng giải quyết, nhóm phải củng cố hồ sơ, nhóm nào không thể giải quyết được.
“Có cái bỏ sông, bỏ biển giờ không biết đường nào mà mò. Không còn hiện hữu thì không có cơ sở để kiểm đếm. Phải tách từng nhóm để giải quyết, để càng lâu thì càng khó, hồ sơ mất thì khó tìm được”, ông Hoan nói.
Không để “cò đất” khuynh đảo địa phương
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Đỗ Thị Lâm Tuyền cho biết địa phương đang khẩn trương kiểm tra, rà soát chặt chẽ các vi phạm phân lô, bán nền trên địa bàn huyện, nghiêm túc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với Thanh tra Thành phố hoàn thành công tác kiểm tra hồ sơ và khảo sát thực tế tại các xã đối với 100 hồ sơ thuộc 1.392 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm quy định quản lý Nhà nước và hiện đang chờ kết luận chính thức của Thanh tra thành phố.
Tháng 4/2018, huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện quyết định số 60/2017 của UBND TP về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa và việc thành lập tổ công tác lên ngành để xem xét tham mưu giải quyết hồ sơ tách thửa.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh rằng, quyết định 60 của thành phố nhằm giúp quản lý tốt việc tách thửa đảm bảo không phá hỏng quy hoạch và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhu cầu tách thửa.
Quyết định 60 đã giao trách nhiệm chính thuộc về địa phương, do đó nếu có vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện thì huyện Hóc Môn phải báo cáo sớm cho thành phố để hướng dẫn tháo gỡ.
“Huyện phải rút kinh nghiệm từ quyết định 33 mà huyện đang vướng. Kiểm tra 100 hồ sơ (trong 1.392 hồ sơ) thì 98 hồ sơ tách thửa bỏ hoang không sử dụng vì không có hạ tầng. Đây là vi phạm nghiêm trọng về đất đai. Không thể xử lý hành chính được. Kết quả thanh tra rất rõ, sắp tới sẽ có thông báo chính thức”, ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, việc sai phạm trong tách thửa đã “băm nát” địa bàn huyện nhưng bây giờ đất bỏ trống không, có nơi thì nhà lụp xụp, nhà trọ thì không có lối đi.
Chánh Văn phòng UBND TP.HCM đề nghị huyện Hóc Môn cùng tổ liên ngành phối hợp chặt chẽ để giải quyết những tồn đọng của việc tách thửa sai quy định, đồng thời xem xét giải quyết nhu cầu tách thửa chính đáng của người nghèo, gia đình chính sách.
Ngoài ra, thực hiện bài bản, đúng pháp luật, căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất và có cơ chế giám sát việc tách thửa. Tăng cường công tác quản lý, không để xảy ra việc phân lô, bán nền rồi để đó. Không được để “cò đất” khuynh đảo công tác quản lý, điều hành của chính quyền địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo