Công ty âm nhạc “chết” hàng loạt
Ồ ạt thành lập và lặng lẽ đóng cửa. Đó là thực trạng của những công ty âm nhạc ra đời với mục tiêu đào tạo, lăng xê ca sĩ theo công nghệ, do chính những người trong giới xây dựng ở thị trường nhạc Việt thời gian qua.
Cáo chung
Là một trong những công ty âm nhạc đình đám nhất khi lăng xê thành công ca sĩ Phương Vy, Hồ Ngọc Hà…, Music Face mà người đứng đầu là nhạc sĩ Đức Trí càng tăng thêm uy tín và tiếng tăm trên thị trường nhạc Việt với một danh sách ca sĩ đầu quân dài dằng dặc: Phạm Anh Khoa, Lê Hiếu, Hoàng Bách, Suboi, Quốc Thiên, Anh Khang…,
Tuy nhiên, sau thành công của Phương Vy, Hồ Ngọc Hà, Music Face gần như không gặt hái thêm được thành công mới dù những ca sĩ đầu quân về công ty ít nhiều đã có tên tuổi trước đó hay ít nhất cũng đang là một trong những gương mặt triển vọng.
Thế nhưng cho đến thời điểm hiện nay, công ty này gần như trong trạng thái im ắng khi hầu hết ca sĩ đầu quân về công ty đều tách ra hoạt động riêng lẻ.
Không sản phẩm âm nhạc, không chương trình rình rang như trước và ngay cả nhân vật “đầu tàu” Đức Trí cũng ngán việc sản xuất và dồn mọi tâm huyết cho công việc mới là giảng dạy. Lời đồn đoán công ty này đã được chuyển nhượng cho một kênh truyền hình âm nhạc xã hội hóa cũng chẳng phải thiếu cơ sở.
Ồn ào náo nhiệt không kém Music Face là Công ty Early Riser Music (nhánh của Early Riser Group) với đội ngũ chuyên viên toàn Việt kiều, những người đã ít nhiều để lại dấu ấn trong làng giải trí Việt thời gian gần đây.
Một cách công tâm, Early Riser Music còn tạo nên dấu ấn riêng không chỉ bằng tư duy mới mẻ (gần với xu hướng thế giới) mà còn khả năng dồi dào về tài lực đầu tư cho các dự án của mình, minh chứng là cuộc thi Sáng bừng sức sống được tổ chức tốn kém chỉ để tuyển chọn 5 gương mặt cho một nhóm hát.
Đây chính là lý do, dù thành lập chưa lâu nhưng nhiều ca sĩ ào ạt đổ về công ty này với kỳ vọng “ngày mai tươi sáng”. Tuy nhiên, người đứng đầu Early Riser Music, nhạc sĩ Dương Khắc Linh, thừa nhận: “Công ty sắp “sập”.
Đơn giản vì các ca sĩ đều ra làm riêng sau một thời gian dài gắn bó với công ty nhưng vẫn chưa làm nên chuyện và ngay cả người đầu tàu Dương Khắc Linh cũng ra đi vì “chán quá và tôi sẽ làm riêng lẻ những dự án âm nhạc của mình”.
Việc hai công ty lớn “đứt bóng” thì dễ hiểu nhưng công ty làng nhàng (ít tiềm lực tài chính và thiếu chuyên nghiệp) khác “sập tiệm” cũng chẳng có gì đáng bàn.
Thực tế cho thấy, nếu trước đây việc những công ty đào tạo và lăng xê ca sĩ mọc lên như nấm sau mưa thì hiện nay, hàng loạt công ty niêm yết bảng cáo chung cho chính mình.
Hệ quả tất yếu
Thực tế tình trạng trên là điều dễ hiểu khi việc thành lập công ty đào tạo và lăng xê ca sĩ ở Việt Nam cũng hoàn toàn nhờ vào yếu tố ăn may thay vì phải có chiến lược một cách chuyên nghiệp như thường thấy ở thị trường âm nhạc thế giới.
Trong giai đoạn cao trào của việc thành lập công ty âm nhạc, hai nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung và Nhật Trung cũng bắt tay thành lập công ty riêng chuyên đào tạo và lăng xê ca sĩ. Thế nhưng, chỉ vài tháng sau khi ra mắt đình đám, mặt bằng công ty trở thành... quán ốc vì một điều đơn giản “không biết phải làm gì sau khi công ty thành lập”.
Thực tế, ca sĩ triển vọng đủ lực để lăng xê thì hiếm, trong khi năng lực của các ông chủ công ty thì hạn chế, nghĩ gì làm nấy và họ cũng chưa từng trải qua những khóa đào tạo chuyên nghiệp đủ để xây dựng một bản lĩnh đối mặt với nguy cơ. Do vậy công ty này đã nhanh chóng phải đóng cửa vĩnh viễn.
Sau những tranh luận không hồi kết, ca sĩ Thanh Thảo và người mẫu Thúy Vinh tách riêng với hai công ty lần lượt là Thanh Thảo Production và MusicTime (bên cạnh MusicBox). Cả hai công ty đều tổ chức những cuộc tuyển chọn ca sĩ mới lẫn “chiêu binh” ca sĩ cũ về công ty.
Nhưng ngay khi kết thúc buổi ra mắt hay các cuộc thi tuyển chọn với không khí tưng bừng, các công ty này cũng nhanh chóng rơi vào im ắng. “Gà” mới lẫn cũ đều được khuyến cáo tự lo bởi “công ty chưa thể làm nổi điều gì trong thời buổi khó khăn hiện tại”- như chia sẻ của ca sĩ Thanh Thảo.
Điều đó lý giải không ít công ty âm nhạc được thành lập hiện nay chỉ để sản xuất đĩa nhạc cho chủ nhân và nhiều nhất là kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ.
Kinh tế suy thoái, thị trường ca nhạc rơi vào tình trạng suy thoái, năng lực ca sĩ không xuất sắc và các “ông bầu” hoạt động không chuyên nghiệp là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các công ty kinh doanh âm nhạc phá sản.
Khác người Những đợt tuyển chọn giọng ca triển vọng của Mickey Mouse Club của kênh truyền hình Disney, Jive Corp, Sony Music,… luôn là những dự án dài hơi và được tuyển chọn ở nhiều nước. Tất cả đều được xây dựng một cách chuyên nghiệp và tốn kém với các kế họach phát triển lâu dài. Ngay cả các nền công nghiệp giải trí trong khu vực châu Á, đỉnh điểm là Hàn Quốc thì các công ty đào tạo và lăng xê như SM Entertainment, YG, Mnet Media, JYP Entertainment hay CTV cũng chỉ gặt hái thành công khi các công ty này hoạch định những bước đi có tính chiến lược vững chắc. Ngược lại, ở làng giải trí Việt, các công ty âm nhạc luôn được hình thành một cách cảm tính. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Tết ông Công ông Táo: Hàng hóa phong phú, giá không tăng
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'