Công ty chứng khoán vay nợ “khủng”
Dự báo, tình trạng vay nợ khủng của các công ty chứng khoán sẽ giảm nhưng vẫn còn rất lớn, vượt cả vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu, đe dọa đến thanh khoản của nhiều công ty chứng khoán.
Trong số những công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn, Công ty Chứng khoán Agribank (mã AGR- HOSE) là công ty có nỗ lực nhất giảm vay nợ và đầu tư.
Theo công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2013, AGR có lãi sau thuế giảm 52% xuống còn 29 tỷ đồng. Tổng tài sản của công ty tính đến 30/09/2013 giảm 37% so với đầu năm xuống mức 3.723 tỷ đồng, đặc biệt giảm mạnh nhất là khoản đầu tư ngắn hạn từ 1.555 tỷ xuống còn 41 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm gần 1.000 tỷ xuống 1.493 tỷ đồng.
Khoản vay và nợ ngắn hạn của của AGR cũng giảm đáng kể từ 2.100 tỷ xuống 349 tỷ đồng. Trong đó, khoản trái phiếu của AGR phát hành giảm từ 2.000 tỷ xuống 349 tỷ đồng.
Về lưu chuyển tiền trong kỳ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tăng 2.040 tỷ nhờ dòng tiền từ chứng khoán tự doanh tăng 1.530 tỷ đồng. Tuy nhiên, do phải trả nợ gốc vay 1.891 tỷ nên dòng tiền từ hoạt động tài chính âm 1.751 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Sacombank (SBS) đứng đầu danh sách các công ty có vốn chủ thấp hơn vốn góp, với vốn điều lệ 1.266,6 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu âm 249 tỷ đồng và nợ phải trả tại ngày 30/6/2013 lên tới 1.031 tỷ đồng.
Đây là hậu quả của việc SBS phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Sacombank và tạm ứng cho một số đối tác những khoản tiền lớn để đầu tư vào trái phiếu, nhưng đến nay việc thu hồi rất khó khăn.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2013 của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), tại thời điểm 30/6/2013, VPBS có vốn chủ sở hữu 898,4 tỷ đồng, nhưng nợ vay ngắn hạn và dài hạn là hơn 2.057 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2013, VPBS đã vay ngắn hạn hơn 47 tỷ đồng từ Ngân hàng Hàng hải (Maritime Bank) và 110 tỷ đồng từ Ngân hàng Bản Việt, đồng thời phát hành trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng nhưng không báo cáo ai đã mua số lượng lớn trái phiếu này.
Trong khi đó, số dư tiền gửi của VPBS tại Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đến cuối tháng 6/2013 tăng thêm hơn 1.043 tỷ đồng so với đầu năm.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2013, Công ty Chứng khoán Đông Nam Á (SeASecurities) đang có khoản vay từ một cổ đông sáng lập là Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) dưới hình thức trái phiếu trị giá 720 tỷ đồng (đầu năm là 800 tỷ đồng). Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Seabank có số dư uỷ thác đầu tư đến cuối tháng 6/2013 là 868 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS) có tổng nợ vay tại thời điểm cuối tháng 6/2013 là 564,4 tỷ đồng, trong đó có 94,4 tỷ đồng vay ngắn hạn Maritime Bank và 470 tỷ đồng còn lại là giá trị trái phiếu nhưng không rõ bên mua, trong khi đó có số dư uỷ thác đầu tư hơn 294 tỷ đồng.
Đa số các công ty chứng khoán có nợ vay rất lớn, thậm chí lớn hơn cả vốn chủ sở hữu. Một nghi vấn lớn của nhà đầu tư là không ít công ty chứng khoán vay nợ từ nhiều nguồn khác nhau, từ các ngân hàng, phát hành trái phiếu, ủy thác đầu tư, từ giao dịch ký quỹ... rồi mang gửi vào ngân hàng mẹ của công ty chứng khoán.
Ngân hàng mẹ mang số tiền rất lớn này cho công ty nào vay, đầu tư đi đâu các cổ đông và nhà đầu tư không thể biết bởi vì trong báo cáo tài chính phần thuyết minh giao dịch với các bên liên quan, hầu hết các ngân hàng đều không báo cáo.
Một số nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, nhiều công ty chứng khoán vay nợ để đầu tư vào cổ phiếu bất động sản nhưng thực chất là đầu tư vào các dự án bất động sản thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm, trái phiếu của các công ty bất động sản phát hành để lấy vốn cho các dự án. Khi thị trường bất động sản suy giảm kéo dài, các công ty chứng khoán có thể “chết” theo các dự án bất động sản đóng băng.
Đối với hoạt động ủy thác đầu tư, theo quy định Nghị định 58 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán thì công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các hoạt động đầu tư.
Nhiều công ty chứng khoán huy động được số vốn lớn thông qua các hợp đồng ủy thác đầu tư và phải hết thời hạn công ty ủy thác mới nhận lại được số tiền gốc. Trên thực tế, các công ty chứng khoán huy động tiền dưới danh nghĩa hợp pháp là ủy thác đầu tư nhưng không chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành.
Do vậy, số tiền rất lớn mà các công ty chứng khoán huy động được từ ủy thác đầu tư từ “đại gia” nào, được sử dụng ra sao, chạy lòng vòng đi đâu rất khó biết. Đây là một trong những nguy cơ lớn làm mất khả năng thanh toán của công ty chứng khoán khi vốn đầu tư đã bung ra tràn lan nhưng không mang lại hiệu quả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo