Công ty nước ngoài không tham gia gói thầu Trung Quốc
Về căng thẳng xung quanh việc Trung Quốc mời các công ty dầu khí nước ngoài tham gia gói thầu trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dầu khí của Tập đoàn đầu tư ngân hàng và chứng khoán Jefferies Hong Kong Ltd., Laban Yu cho rằng các tập đoàn dầu khí nước ngoài sẽ tránh xa gói thầu này và Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đang bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc lợi dụng cho ý đồ chính trị của họ.
"Không có doanh nghiệp nước ngoài nào sẽ tham gia gói thầu, CNOOC đang bị Chính phủ Trung Quốc lợi dụng để đưa ra tuyên bố chủ quyền của mình” - ông Laban Yu nói.
Theo Wall Street Journal, cả chín lô dầu khí mà CNOOC mời thầu nằm ở vùng biển có độ sâu 300-4.000m, trong khi các lô khai thác trước đây đều nằm tại vùng nước cạn thuộc địa phận Trung Quốc. |
Nhà phân tích thuộc International Crisis Group ở Bắc Kinh Stephanie Klein cho biết căng thẳng ở biển Đông đã được nâng lên cấp độ mới.
"Đang có sự thay đổi vì CNOOC không được chấp nhận trước khi thăm dò ở các khu vực có quá nhiều tranh chấp như thế. Tình hình này chắc chắn sẽ đặt các công ty thăm dò dầu khí đang hợp tác với cả hai nước vào thế rất khó khăn” - bà Klein nhận định.
Theo Wall Street Journal, hiện có hai tập đoàn đang hợp tác khai thác dầu khí với cả Việt Nam và Trung Quốc là ExxonMobil và Gazprom.
Trước đó, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây là “các hoạt động kinh doanh bình thường”, phù hợp với luật pháp của Trung Quốc và quốc tế. Song Wall Street Journal dẫn lời giới chuyên gia đánh giá động thái của CNOOC cho thấy tham vọng bành trướng tuyên bố chủ quyền trên biển Đông của Bắc Kinh hơn là chuyện thương mại.
Theo họ, sẽ rất ít doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia việc Trung Quốc kêu gọi khoan thăm dò dầu khí trong khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, nhất là sau khi Việt Nam đã lên tiếng phản đối.
"Hành động mời thầu của Trung Quốc sai trái, không có giá trị!"
Ngày 29/6, Hội Dầu khí Việt Nam đã ra tuyên bố về việc Trung Quốc mời thầu quốc tế 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định: Tổng công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã thông báo mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn không phải là khu vực có tranh chấp.
Qua kiểm tra tọa độ do phía Trung Quốc công bố, các lô này nằm sâu vào thềm lục địa của Việt Nam, chồng lên các lô từ 128 đến 132 và từ 145 đến 156 mà Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã và đang tiến hành các hoạt động dầu khí từ lâu nay.
Vì vậy, thông báo mời thầu 9 lô dầu khí hợp tác thăm dò khai thác trong năm 2012 với các công ty nước ngoài (tổng diện tích 160.129,38 km2) được CNOOC công bố trên mạng tiếng Trung và tiếng Anh của tổng công ty từ ngày 23/6/2012 là việc làm sai trái, không có giá trị, trái với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và không phù hợp với thông lệ dầu khí quốc tế.
Hành động này đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam, làm phức tạp thêm tình hình và gây căng thẳng ở biển Đông.
Hội Dầu khí Việt Nam cực lực phản đối và yêu cầu CNOOC hủy bỏ ngay hoạt động mời thầu sai trái nói trên, nghiêm túc tuân thủ thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).
Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị các công ty dầu khí quốc tế không tham gia dự thầu 9 lô dầu khí mà CNOOC mời thầu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hội Dầu khí Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa nhân dân và những người làm dầu khí hai nước Việt Nam - Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, tôn trọng luật pháp quốc tế, góp phần giữ gìn hòa bình và an ninh trong khu vực.
Hội Dầu khí Việt Nam hoan nghênh CNOOC và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cũng như các công ty dầu khí quốc tế khác tham gia hợp tác trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, phù hợp với luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982.
Về phần mình, Hội Dầu khí Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam ủng hộ và bảo đảm để các hoạt động hợp tác này được triển khai thuận lợi.
Theo TT
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dự báo thời tiết ngày mai 8/11 trên cả nước: Hà Nội chuyển rét, có nơi 19 độ, TP Hồ Chí Minh xuất hiện mưa rào
PC Đà Nẵng: Xử lý kịp thời các trường hợp sản lượng điện tăng bất thường
Đà Nẵng: Cấm một số loại ô tô trên Quốc lộ 1 giờ cao điểm
Nhiều hoạt động mới lạ, hấp dẫn tại Festival Hoa Đà Lạt năm 2024
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Phân cấp triệt để trong mua sắm, đấu thầu thiết bị y tế