Thị trường

CPI quá thấp, lãi suất vay vốn hóa ra cao

Bốn tháng đầu năm 2015 CPI cơ bản không tăng, TS Trần Du Lịch cho rằng đây là cơ sở để tính toán xem có tiếp tục hạ lãi suất xuống nữa hay không.

Lãi suất huy động đã giảm trong năm qua

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định con số tăng trưởng GDP 6,03% quý 1-2015 là chính xác, ông đã yêu cầu Tổng cục Thống kê làm kỹ, còn việc một số bộ trưởng nhận định “bất ngờ”, “choáng” thì đó chỉ là cách nói và bị báo chí “chộp” được.

 

Đồng tình với bản báo cáo “có khí thế nhất trong năm năm qua” của Chính phủ, các thành viên Ủy ban Kinh tế cũng chỉ ra nhiều mối lo tại phiên họp ngày 24-4 thẩm tra báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015.

 

Làm rõ chỉ số CPI thành công hay thất bại

 

Báo cáo của Chính phủ cho thấy 6,03% là mức tăng GDP cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2011 trở lại đây, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trong quý có hơn 19.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký trên 111.000 tỉ đồng (tăng 3,8% về số doanh nghiệp và 13,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước).

 

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tính đến ngày 24-3 toàn bộ 289 doanh nghiệp trong kế hoạch cổ phần hóa năm 2015 đều đã thành lập ban chỉ đạo (trong đó có 29 doanh nghiệp đã cổ phần hóa).

 

Nhìn lại năm 2014, TS Trần Du Lịch cho rằng đáng suy nghĩ nhất là chỉ số lạm phát (CPI) đầu năm đặt ra kỳ vọng 6,5-7%, đến tháng 10 vẫn dự báo là 4,5% nhưng kết quả thực tế khi công bố chỉ là 1,84%.

 

“Tôi đề nghị làm rõ con số này là thực hiện thành công hay thất bại” - ông Lịch đề nghị, bởi theo ông, doanh nghiệp thường dựa vào chỉ số lạm phát kỳ vọng để đưa ra kế hoạch làm ăn, đặc biệt là vay nợ để đầu tư. “Vì mình đưa ra chỉ số CPI 6,5-7% thì người ta tự tin vay lãi 10-11% để đầu tư, nhưng rốt cuộc CPI chỉ 1,84% thì lãi suất như vậy là cao” - ông Lịch phân tích. 

 

Bốn tháng đầu năm 2015 CPI cơ bản không tăng, ông Lịch cho rằng đây là cơ sở để tính toán xem có tiếp tục hạ lãi suất xuống nữa hay không. Ông Bùi Quang Vinh đề nghị cần phải thay đổi lại quan điểm về chỉ số CPI.

 

“Các nước người ta chỉ dự báo chỉ số CPI theo tháng, theo quý thôi, còn chúng ta thì đưa ra dự báo trước quá lâu, đến 15-17 tháng, mà thị trường thì biến đổi khôn lường” - ông Vinh phân tích.

 

TS Lịch đề cập những lo ngại cần được cảnh báo: ngành du lịch bốn tháng đầu năm giảm 14,2% so với cùng kỳ năm 2014 (trong khi Thái Lan năm ngoái đón 26 triệu du khách và đặt ra mục tiêu năm nay là 28 triệu); nhập siêu đang trở lại, bốn tháng đã hơn 3 tỉ USD (trong khi khu vực FDI xuất siêu 1,5 tỉ, chứng tỏ khu vực kinh tế trong nước nhập siêu rất lớn), báo động nhất là nhập siêu từ Trung Quốc.

 

Nền nông nghiệp thiếu giải pháp

 

Mặc dù ngành nông nghiệp từng được biểu dương vì sớm chuẩn bị mấy chục đề án tái cơ cấu, nhưng đến nay theo ông Lịch là “tất cả đề án thì đều nói ý muốn, ra đầu bài nhưng giải pháp thế nào không thấy nói, vẫn còn nguyên như vậy”.

 

Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp đề nghị Chính phủ báo cáo rõ về quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp vì tiến độ rất chậm. “Tình trạng ùn ứ hàng hóa trong nông nghiệp, dưa hấu, sữa rồi cây mắc ca đang trồng theo phong trào là rất đáng báo động. Tình trạng như thế này cứ kéo dài mãi, cứ thả nổi cho dân làm, phải chăng do điều hành kém quá?” - ông Cao Sỹ Kiêm đặt vấn đề.

 

“Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT vào cuộc sớm, đừng để nông dân trồng mắc ca như một phong trào, lên vài trăm ngàn hecta là sẽ có tai vạ. Cả thế giới có 80.000ha, cây này nó chọn đất ghê gớm lắm, mình đừng làm theo phong trào” - ông Lịch cảnh báo.

 

Từ góc độ nhà phân phối, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa - chủ tịch HĐQT Saigon Co.op - đề xuất: “Chúng tôi là doanh nghiệp tiêu thụ thì không thể đi mua hàng hóa của từng hộ nông dân, mà phải thông qua đầu mối là hợp tác xã.

 

Cần chính sách nâng cao hiệu quả quản trị của hợp tác xã. Đồng thời kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa trong nông nghiệp, phải coi những sản phẩm không tuân theo các tiêu chuẩn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì đó là hàng giả”.

 

Nhắc tới điểm khá đặc biệt thời gian gần đây là một số doanh nghiệp đầu tư lớn vào nông nghiệp, gom đất trên diện tích cực rộng, TS Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ nghiên cứu mối quan hệ giữa nông dân và nhà đầu tư, đánh giá mặt lợi và hạn chế, bởi đây là vấn đề liên quan đến đời sống hàng triệu nông dân.

 

Đổi mới triệt để nền hành chính

 

Đây là giải pháp được ông Bùi Quang Vinh, TS Trần Du Lịch và chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn cùng nhấn mạnh và coi là động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh của VN.

 

“Cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, tiếp tục rút ngắn thời gian khai thuế, khai báo hải quan... Tôi thấy doanh nghiệp người ta vẫn còn kêu. Từ ngày 1-7 Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp có hiệu lực, vậy thì các thông tư, nghị định nhiêu khê hiện hành cần phải dẹp bỏ, đặc biệt là các quy định về thủ tục” - ông Lịch nói.

 

Còn theo ông Bùi Quang Vinh, Luật đầu tư quy định 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng điều đáng sợ nhất là hàng ngàn quy định chứa đựng trong số này.

 

“Hơn nữa, cắt giảm trên giấy tờ là một chuyện, còn cắt giảm trên việc điều hành của cán bộ như hải quan, thuế... lại là chuyện khác” - ông Vinh bình luận và khẳng định rằng chính sách tuy mới, luật pháp tuy mới nhưng con người vẫn không thay đổi, vẫn làm việc theo thói quen và phong cách cũ thì cũng không chuyển biến được.

 

 Đừng quên tâm tư của dân

 

Đề cập những vấn đề xã hội, chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhắc lại sự kiện công nhân nhiều nhà máy tại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai ngưng việc tập thể, biểu tình hồi giữa năm 2014.

 

Một số cuộc ngưng việc tập thể mới diễn ra, đặc biệt là sự việc người dân ở gần khu vực Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) phản ứng.

 

Ông cho rằng cần phải có cách tiếp cận tốt, lắng nghe và giải quyết sớm những vấn đề bức xúc chính đáng của người dân.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo