CPTPP: Thuế sẽ sớm được cắt giảm
CPTPP cắt giảm thuế, mở rộng thị trường
Khi thực hiện hiệp định này thì mức thuế suất thuế nhập khẩu bình quân gia quyền của hàng hóa Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP giảm từ 1,7% xuống còn 0,2%.
Với thị trường xuất khẩu rộng lớn của 11 nước trong CPTPP với dân số gần 400 triệu người có thể giúp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng từ 4% đến 7%. Các nước Canada, Nhật Bản, Australia, Malaysia… là những thị trường rộng lớn cho nhiều sản phẩm mà Việt Nam có lợi thế xuất khẩu như: Thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, hàng da, dệt may... Ngoài ra, những thỏa thuận khác về thương mại điện tử, đầu tư, dịch vụ xuyên biên giới, thủ tục hải quan… chắc chắn sẽ góp phần tạo điều kiện để thu hút đầu tư và công nghệ hiện đại. Điều này sẽ là một cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến gần hơn bao giờ hết.
Ngân hàng thế giới nhận định rằng, đến năm 2030 CPTPP có thể giúp GDP Việt Nam tăng trưởng từ 1,1% đến 3,5%. Khi kinh tế phát triển thì sẽ tạo nền tảng để tăng thu nội địa vì cùng với sự phát triển của nền kinh tế là sự gia tăng hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp và tăng tiêu dùng của người dân.
Một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: cà phê, thủy sản, dệt may sẽ được hưởng lợi về thuế từ CPTPP. Vấn đề quan trọng là các DN Việt Nam phải tận dụng được lợi thế về giá để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, Để một sản phẩm được chấp nhận cần rất nhiều yếu tố chứ không chỉ là giá cả, chẳng hạn như chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ…
CPTPP thúc đẩy dịch vụ tài chính
CPTPP là hiệp định đối tác toàn diện, nó sẽ thúc đẩy cải cách một số dịch vụ tài chính trong các lĩnh vực nóng như hải quan, thuế. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động dễ dàng hơn. Trong các thỏa thuận của CPTPP có thỏa thuận riêng về dịch vụ tài chính, quản lý hải quan, hàng rào phi thuế quan…
Những thỏa thuận trên đều được thống nhất trên nguyên tắc tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo sự thuận lợi cho việc cung ứng và sử dụng các dịch vụ tài chính, cung ứng lao động…Chẳng hạn như, trong thỏa thuận về quản lý hải quan và hợp tác về hải quan, CPTPP quy định tạo sự thuận lợi trong xác định trước xuất xứ hàng hóa, về việc áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong thông quan hàng hóa…
Khi thực hiện CPTPP, các nước thành viên trong đó có Việt Nam sẽ buộc phải tháo gỡ những rào cản thương mại, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thương mại và đầu tư quốc tế. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi ngay từ các thủ tục về thuế, hải quan khi xuất khẩu hàng hóa và được hưởng thuận lợi khi làm thủ tục nhập khẩu ở các nước thành viên CPTPP.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải đổi mới mạnh mẽ và nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực để có thể cạnh tranh với các đối tác nước ngoài ở cả thị trường trong nước và quốc tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước